Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:05 (GMT +7)
Hướng đi mới từ cây dược liệu dưới tán rừng
Thứ 2, 04/04/2022 | 08:00:45 [GMT +7] A A
Khai thác tiềm năng, lợi thế và liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng, tạo ra chuỗi giá trị đã và đang mở ra hướng đi mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân ở các tỉnh miền núi phía bắc.
Các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái, Hà Giang có độ che phủ rừng cao; đất đai và khí hậu đa dạng, phù hợp với nhiều loài cây trồng, trong đó, cây dược liệu có lợi thế để phát triển. Những năm qua, nhiều mô hình trồng cây dược liệu cho kết quả cao tại các tỉnh này...
Đánh thức tiềm năng
Tỉnh Tuyên Quang có độ che phủ rừng tới 65%, dưới tán rừng có nhiều loài cây dược liệu quý mọc tự nhiên như: khôi nhung, thảo quả, hương nhu, sả, nghệ, giảo cổ lam, cà gai leo... Đặc biệt, ở huyện Lâm Bình còn sưu tầm được một loại thảo dược quý là trà hoa vàng hay “Kim hoa trà”, trà trường thọ được mệnh danh là “Nữ hoàng của các loại trà”, đang trồng thử nghiệm để tiến tới nhân rộng.
Từ năm 2018, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành dược đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; trong đó định hướng phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng với mục tiêu: giai đoạn 2016-2020 trồng 1.200 ha cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên, giai đoạn 2021-2025 trồng 300 ha.
Triển khai kế hoạch, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện 10 đề tài, dự án khoa học-công nghệ cấp tỉnh, cấp huyện về phát triển cây dược liệu, trong đó có nhiều dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng, như: thâm canh cây sa nhân, thảo quả, ba kích, xạ đen,...
Chủ tịch UBND xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) Đỗ Văn Hiếu cho biết, từ năm 2018, người dân trong xã đã trồng 2 ha cây khôi nhung, một trong những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, dưới tán rừng. Người dân được đơn vị thu mua hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Hiện, 1 kg lá cây khôi nhung khô được đơn vị liên kết thu mua với giá từ 200 đến 300 nghìn đồng. Xã cũng kết nối với Trung tâm Đào tạo nghề nông nghiệp và tư vấn phát triển nông thôn (Trường cao đẳng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Bộ) hỗ trợ xây dựng vùng dược liệu an toàn có chỉ dẫn địa lý.
Ở huyện Sơn Dương có ba xã là Hợp Hòa, Sầm Dương và Văn Phú đã đưa cây cà gai leo vào trồng trên diện rộng, giá thu mua cây tươi khoảng 30 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi sào cũng thu gần chục triệu đồng/vụ. Mỗi năm thu được ba vụ đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Năm 2021, sản phẩm cà gai leo của xã Hợp Hòa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao OCOP.
Theo Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Yên Bái Trần Quốc Toàn, toàn tỉnh Yên Bái hiện có hơn 630 loài cây thuốc chữa bệnh được phân thành 11 nhóm thuốc; trong đó, có một số loài cây dược liệu quý có giá trị cao, như hoàng liên chân gà, tam thất vũ diệp, tiết trúc sâm, ba kích, đẳng sâm, nấm tỏa dương, thổ phục linh, quế...
Với nhiều chính sách phát triển cây dược liệu, Yên Bái đã phát triển được một số vùng cây dược liệu lớn như vùng quế hơn 80 nghìn ha, sơn tra 10 nghìn ha, thảo quả 1.300 ha, có hơn 3.400 ha cây dược liệu cho sản lượng khai thác hằng năm đạt hơn 7.600 tấn sản phẩm. “Tỉnh cũng chủ động mời gọi các doanh nghiệp chế biến dược phẩm, các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về dược liệu, các nhà khoa học trong và ngoài nước thông qua liên kết kinh tế và các chương trình khuyến nông, các dự án khoa học-công nghệ của các bộ, ngành Trung ương để phát triển cây dược liệu trên địa bàn”, ông Toàn cho biết thêm.
Ông Hoàng Quốc Cứ, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Giang cho biết: Tỉnh xác định phát triển cây dược liệu là giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho người dân vùng cao nên đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến dược liệu. Từ năm 2015 đến nay, đã hỗ trợ giống, phân bón, lãi suất vốn vay; hỗ trợ tập huấn cho người dân với số tiền gần 17 tỷ đồng; hỗ trợ gần 5 tỷ đồng cho hai doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển cây dược liệu.
Chỉ tính riêng năm 2021, tỉnh thực hiện ba đề tài, dự án cấp tỉnh; hai đề tài, dự án cấp bộ về dược liệu với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Nay, Hà Giang đã có hơn 17.700 ha cây dược liệu. Từ đó, số lao động địa phương tham gia trồng, phát triển dược liệu lên đến hơn 13 nghìn người. Tỉnh cũng đã thu hút khoảng 20 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến dược liệu. Năm 2021, doanh thu từ sản xuất, chế biến dược liệu của các doanh nghiệp, hợp tác xã là gần 7 tỷ đồng.
Gỡ “nút thắt” để phát triển
Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang, Triệu Đăng Khoa cho biết, việc trồng, thu hoạch cây dược liệu còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu mang tính tự phát do chưa có hướng dẫn cụ thể về cải tạo, trồng dưới tán rừng tự nhiên; việc thu hái thiếu ý thức bảo tồn, tái sinh đã làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên cây thuốc trong tự nhiên. Thị trường đầu ra cũng chưa ổn định nên người dân chưa yên tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, Tuyên Quang không nằm trong quy hoạch trồng tập trung các loài dược liệu theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Việc hỗ trợ trồng cây dược liệu theo Nghị định số 65/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ về Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa thực hiện được.
Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Yên Bái Trần Quốc Toàn trăn trở: Hầu hết các vùng nguyên liệu về cây dược liệu đều ở các huyện, xã vùng sâu, vùng xa, điều kiện hạ tầng hạn chế dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm.
Các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến dược liệu tại các tỉnh vùng cao cũng khó tuyển nhân lực người địa phương do trình độ dân trí tại địa bàn vùng cao không đồng đều, thiếu nhân lực kỹ thuật cao. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống cây thuốc, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng giống cây thuốc chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch; bảo tồn và phát triển nguồn gien cây thuốc chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Giống phục vụ nhu cầu sản xuất hiện nay chưa được chuẩn hóa, chưa phải là giống ưu thế, một số chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chúng ta cũng chưa có quy trình kỹ thuật chuẩn hóa từ khâu nhân giống, trồng trọt, thu hái, sơ chế, chế biến và bảo quản các loại cây dược liệu trong danh mục quy hoạch phát triển, ảnh hưởng đến bố trí thời vụ, năng suất và chất lượng dược liệu.
Còn theo ông Phạm Ngọc Thường, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Dược liệu Bông Sen Vàng (xã Hùng An, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang), hiện nay, một bộ hồ sơ cấp giấy phép sản xuất thuốc mất rất nhiều thời gian. Do đó, đề nghị Bộ Y tế có các chính sách ưu tiên rút ngắn thời gian cấp phép sản xuất thuốc cho doanh nghiệp ở vùng cao và doanh nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu tại các tỉnh miền núi.
Trồng, phát triển cây dược liệu dưới tán rừng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo tồn nguồn gien quý, tạo thảm thực vật chống xói mòn đất, ngăn lũ...
Do vậy, các ngành chức năng và các địa phương cần tập trung chỉ đạo để thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; tập trung xác định vùng trồng đối với một số loài cây dược liệu chủ lực, bổ sung cơ chế chính sách thu hút đầu tư trồng cây dược liệu, khuyến khích doanh nghiệp có năng lực liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên gắn với xây dựng nhà máy chế biến, bao tiêu sản phẩm; đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường quản lý, giám sát sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()