Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 09:51 (GMT +7)
Hướng tới xuất khẩu sản phẩm từ cây dược liệu
Thứ 2, 14/06/2021 | 11:17:03 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, việc các doanh nghiệp chủ động phát triển, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dược liệu gắn với chương trình OCOP đã tạo được hướng đi mới, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Từ đó, góp phần thúc đẩy liên kết, phát triển các sản phẩm dược liệu một cách bài bản để sẵn sàng đưa vào nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh.
Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc được thành lập năm 2010 và chính thức đi vào hoạt động năm 2011. Từ khi được thành lập đến nay, Công ty đã nghiên cứu thị trường, tìm hiểu tâm lý người tiêu dùng, nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng cũng như tập quán canh tác của các nông hộ tại Quảng Ninh và đã đưa về trồng thử nghiệm một số loài cây dược liệu như: Giảo cổ lam, cà gai leo, dây thìa canh, diệp hạ châu, chè vằng... tại Cẩm Phả. Kết quả những loại cây đó phát triển tốt và đặc biệt cho dược tính rất cao.
Trên cơ sở đó, Công ty đã phát triển vùng nguyên liệu, tập trung cho công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ để hoàn thiện các quy trình sản xuất các loại dược liệu, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ... thông qua việc đăng ký thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở, cấp tỉnh; tổ chức ươm tạo cây dược liệu và thực hiện chuyển giao công nghệ từ các viện, trường đại học trên cả nước. Nhiều sản phẩm từ cây dược liệu đã được Công ty sản xuất thành công dưới dạng viên nang, trà túi lọc, như: Trà Giảo Cổ Lam, Trà Diệp Hạ Châu, trà dược thảo bổ gan, giải độc gan, Giảo Cổ Lam Đông Bắc… Toàn bộ những sản phẩm trên đều được chế biến tại Công ty và đảm bảo đầy đủ điều kiện ATTP.
Ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc, cho biết: Để các sản phẩm từ cây dược liệu được vươn xa hơn nữa, Công ty tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư, trang bị máy móc và xây dựng các chiến lược kinh doanh lâu dài. Thời gian tới, Công ty sẽ thực hiện một số dự án mang tính đột phá, tạo “sức bật” cho sản phẩm dược liệu, như: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong việc thử nghiệm trồng cây lan kim tuyến nhân giống In Vitro; phối hợp với huyện Ba chẽ triển khai nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm bảo vệ sức khỏe từ cây trà hoa vàng thuộc chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ chiết xuất và sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị đau cơ xương khớp từ một số cây dược liệu... Hiện nay, ngoài thị trường trong tỉnh, Công ty còn có hệ thống bán hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và đặt mục tiêu hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Còn tại huyện Hoành Bồ, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, địa phương rất có tiềm năng phát triển trồng, chế biến cây dược liệu với nhiều loại cây thuốc quý đạt tiêu chuẩn về hàm lượng, tác dụng sinh học, công năng điều trị và có giá trị cao về kinh tế. Nhiều loại đã được khai thác để chế biến thành một số bài thuốc dân gian có hiệu quả cao như: Lá tắm phụ nữ sau sinh, lá tắm trẻ sơ sinh, lá xông hơi chữa cảm cúm... Cùng với đó, nhiều công ty, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng trồng, nhân rộng sản xuất cây dược liệu với diện tích lớn, như: Công ty CP Dược y tế Đức Minh; HTX Nông dược xanh tinh hoa xã Quảng La; HTX Nông dược Quang Vân...
Phát triển các sản phẩm OCOP từ dược liệu đang là hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều địa phương, đơn vị của Quảng Ninh. Theo thống kê của Ban Xây dựng nông thôn mới, hiện trên địa bàn tỉnh có trên 43 sản phẩm OCOP được sản xuất, chế biến từ dược liệu, trong đó có 23 sản phẩm đã được cơ quan chức năng của tỉnh gắn sao, đạt chất lượng tốt. Các sản phẩm này ngày càng được người dân lựa chọn sử dụng bởi gần gũi với thiên nhiên, ít độc hại, tác dụng điều trị bệnh cao. Hiện nay, nhiều địa phương đã phát triển các sản phẩm OCOP được tinh chế từ dược liệu, như: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Uông Bí, Hoành Bồ, Đông Triều, Cẩm Phả.
Tới nay, để cây dược liệu có thể vươn xa hơn tới các thị trường nước ngoài, Quảng Ninh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch phát triển cây thuốc trên địa bàn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, đã thực hiện củng cố các vùng sản xuất dược liệu tập trung, như: Vùng trồng cây hồi, quế, ba kích, trà hoa vàng và bước đầu hình thành vùng trồng các loại cây kim ngân, đinh lăng, địa liền, cà gai leo, kim tiền thảo, xuyên tâm, diệp hạ châu, dây thìa canh...
Đặc biệt, từ cuối năm 2019, Liên hiệp HTX Nông dược Quảng Ninh được thành lập nhằm mục tiêu giải quyết khâu liên kết giữa các HTX nông dược trên địa bàn để mở rộng sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu đối với tất cả các vùng nguyên liệu, doanh nghiệp. Đây là tổ chức liên hiệp HTX nông dược đầu tiên trên địa bàn.
Theo thông tin từ Liên hiệp HTX Nông dược Quảng Ninh, để thúc đẩy phát triển đột phá, bền vững và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng về các sản phẩm nông dược, tiến tới xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, dược liệu thế mạnh của tỉnh, các thành viên liên hiệp đang tiếp tục đầu tư sản xuất hàng hóa nông dược chất lượng cao; ứng dụng công nghệ 4.0 tạo bước ngoặt lớn cho các HTX phát triển bền vững từ lượng sang chất. Chuỗi liên kết sản phẩm nông dược của liên hiệp được xây dựng gắn với quy hoạch vùng, ngành, phân khu của các địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung. Từ đó, xây dựng thương hiệu vùng và bổ sung thế mạnh của tỉnh về các sản phẩm dược liệu địa phương để từng bước vươn tới xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()