Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 01:13 (GMT +7)
Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5/2021) Nâng cao nhận thức về tác hại thuốc lá cho cộng đồng
Thứ 5, 20/05/2021 | 08:13:25 [GMT +7] A A
Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5/2021), nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân về việc không hút thuốc lá tại các địa điểm cấm hút; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá...
Hút thuốc lá có nhiều độc hại và ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người. Tuy nhiên, tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tỷ lệ người hút thuốc lá vẫn cao, không chỉ nam giới mà cả nữ giới và trẻ chưa đủ tuổi vị thành niên. Theo những con số đã được cơ quan chức năng công bố, Việt Nam đang nằm trong nhóm quốc gia có số người hút và nghiện hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Ước tính với số người trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên, trung bình cứ 2 nam giới có 1 người hút thuốc lá; tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử tăng những năm gần đây.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Thanh Nghĩa, Phụ trách Khoa Hô hấp và Bệnh nghề nghiệp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), cho biết: Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bình quân mỗi năm có trên 8 triệu người tử vong do mắc các căn bệnh liên quan đến việc hút thuốc lá; trong đó có khoảng 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp, còn lại do tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá. Cũng theo nghiên cứu của các nhà khoa học, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi - một trong những ung thư hàng đầu hiện nay. Người hút thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 2 lần so với những người không hút thuốc lá. Hút thuốc lá có thể gây nhiều loại ung thư khác, như: Vòm họng, thực quản, dạ dày, bàng quang, gan, thận… Tác hại của khói thuốc còn ảnh hưởng đến tim mạch, gây xơ vữa động mạch, gây những bệnh lý như động mạch vành, đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ não, mất chức năng của chi thể... Đối với những người hút thuốc lá thụ động cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là đối với phụ nữ mang thai có thể gây chậm phát triển thai nhi, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh...
Thời gian qua, Chính phủ và Quốc hội nước ta đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành chung tay thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với cộng đồng. Trong đó, có sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ năm 2013.
Tại tỉnh Quảng Ninh, các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng về Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và những tác hại của thuốc lá đối với đời sống con người. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc; 100% bệnh viện tuyến tỉnh, huyện có quy định về thực thi môi trường không khói thuốc lá trong khuôn viên…
Đặc biệt, xây dựng thành phố không khói thuốc, các ngành, địa phương, nhất là thành phố phát triển du lịch của tỉnh đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn kiến thức phòng, chống tác hại của thuốc lá cho nhân viên nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, cán bộ, công chức các đơn vị trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, du khách về tác hại của thuốc lá; cắm biển cấm hút thuốc lá nơi công cộng; duy trì, nhân rộng các mô hình trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn không khói thuốc lá...
Công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá được triển khai sâu rộng. Phần lớn người hút thuốc lá biết rõ về những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của bản thân, tuy nhiên không phải ai cũng có thể dễ dàng từ bỏ. Mặc dù tỷ lệ người hút thuốc lá những năm gần đây ở nước ta có giảm, tuy nhiên Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc lá cao, nhất là việc hút thuốc tại các nhà hàng, quán bar, nơi công cộng. Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực, tuy nhiên, trong quá trình triển khai Luật trong đời sống vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử như những vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn còn phổ biến do thời gian diễn ra nhanh, người vi phạm lại đông, diễn ra trên địa bàn rộng, trong khi lực lượng giám sát, xử phạt mỏng...
Để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, giảm tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ người dân, các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục tăng cường giám sát, đánh giá thường xuyên hiệu quả hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá; duy trì tốt các mô hình không khói thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị. Hơn hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để bảo vệ chính bản thân cũng như cộng đồng, xây dựng môi trường văn minh, lành mạnh.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()