Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:24 (GMT +7)
Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao
Thứ 3, 25/07/2023 | 09:54:49 [GMT +7] A A
Đến hết năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM và là tỉnh thứ 6 trong cả nước hoàn thành chương trình này. Bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu hiện đại, văn minh, gắn với đô thị hoá, Quảng Ninh tiếp tục huy động mọi nguồn lực để khẩn trương thực hiện.
Có thể thấy rõ, thành công về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh trong những năm qua có sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã phát huy tốt vai trò tuyên truyền, vận động, xã hội hóa từ nhân dân tham gia đóng góp bằng công sức, kinh phí, hiến đất làm đường xây dựng các công trình thiết chế tại các khu dân cư, hiến đất xây dựng đường giao thông liên thôn, xóm...
Tiêu biểu như xã Hải Xuân (TP Móng Cái) trong năm 2021 đã thực hiện đầu tư xây dựng 4 dự án với tổng vốn đầu tư 6,886 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1,227 tỷ đồng; thực hiện công trình xây dựng thôn 3, 4, 6 đạt chuẩn NTM với tổng nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố là 5.638.648.000 đồng, nhân dân đóng góp 290.352.000 đồng. Xã Quảng Chính (huyện Hải Hà) vận động nhân dân đóng góp 41.076.102.000 đồng, trong đó đóng góp xây dựng hạ tầng là 6.616.102.000 đồng, đầu tư tại hộ gia đình 34.406.000.000 đồng.
Hay như giai đoạn 2020-2022, hội nông dân các cấp đã tuyên truyền, huy động các hộ nông dân đóng góp trên 615.763 triệu đồng; hơn 41.390 ngày công lao động; hiến trên 192.000m2 đất; làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 295.000km kênh mương nội đồng, 332.854km đường giao thông và 122 cầu cống. Nhiều hộ đăng ký và trực tiếp thực hiện một số tiêu chí cụ thể về vườn mẫu, hộ mẫu hoặc tham gia xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu…
Nhờ đó, 98 xã trên địa bàn tỉnh đã bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến đường trong khu dân cư; những tuyến đường trục chính được đầu tư, nâng cấp đồng bộ với vỉa hè và hệ thống tiêu thoát nước, đèn chiếu sáng, cây cảnh ven đường theo quy chuẩn, diện mạo nông thôn, cảnh quan đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh.
Ông Nguyễn Văn Kiều (thôn 4, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) cho biết: Người dân trong xã luôn tích cực tham gia xây dựng NTM, đóng góp sức người, sức của xây dựng đường làng, ngõ xóm, vườn hoa, cây cảnh tạo môi trường khang trang, sạch đẹp. Hiện nay, bà con tiếp tục thi đua lao động, sản xuất để nâng cao hơn nữa đời sống, góp phần xây dựng xã ngày càng phát triển khang trang, hiện đại.
Bên cạnh đóng góp sức người, sức của; các doanh nghiệp, tổ chức, người dân cũng tích cực trong chương trình xây dựng thương hiệu các sản phẩm, chủ động triển khai sản xuất sản phẩm theo quy hoạch của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 336 sản phẩm OCOP của 13 địa phương đạt từ 3-5 sao. Toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất.
Quảng Ninh cũng có 7 sản phẩm tham dự đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia; đến nay, 1 sản phẩm đã được công nhận 5 sao quốc gia (Trà hoa vàng Quy Hoa của Công ty Thương mại dịch vụ XNK Quy Hoa ở Hải Hà) và 1 sản phẩm đã hoàn thiện hồ sơ đang chờ quyết định công nhận (Trà hoa vàng Ba Chẽ của Công ty Lâm sản Đạp Thanh); các sản phẩm khác đang tiếp tục được thẩm định.
Đến hết năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng NTM với có 98/98 xã đạt chuẩn NTM, 56/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 26/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn các chỉ tiêu, tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025.
Kế thừa và phát huy kết quả đạt được, hiện nay, Quảng Ninh đang chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu dựa trên bộ tiêu chí đánh giá của Trung ương. Trong đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 5/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, 58/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, phấn đấu có 32/98 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ở những địa phương đạt chuẩn NTM nâng cao, tỉnh phấn đấu duy trì mức thu nhập bình quân đầu người dân nông thôn đạt tối thiểu 92,2 triệu đồng (tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020).
Để đạt mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục huy động nguồn lực cho chương trình. HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết bố trí nguồn, trong đó phân bổ 997,2 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ các địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 (Chương trình NTM là 576,7 tỷ đồng, Chương trình dân tộc 420,5 tỷ đồng); chính quyền địa phương, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục huy động sức người, sức của từ doanh nghiệp, người dân. Bản thân người dân cũng hăng hái tham gia các phong trào thi đua kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh, trong đó có phong trào xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()