Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 13:32 (GMT +7)
Huy động sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trong công tác giám sát và phản biện xã hội
Thứ 5, 15/10/2015 | 15:34:28 [GMT +7] A A
(Đồng chí Phạm Văn Điệt, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh, trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ninh)
- Thưa đồng chí, ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị ra Quyết định số 217-QĐ/TW ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đối với Quảng Ninh, việc triển khai quyết định này thời gian qua đã được thực hiện như thế nào và kết quả ra sao?
+ Ngay sau khi Quyết định 217 được ban hành, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo phổ biến nội dung Quyết định và các hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đến Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở xã, phường, thị trấn; đồng thời tổ chức hội nghị tập huấn cho đội ngũ cán bộ MTTQ các cấp để quán triệt, triển khai thực hiện. Cùng với đó, MTTQ chủ trì cùng các đoàn thể chính trị - xã hội thống nhất những nội dung cần giám sát, cần phản biện xây dựng kế hoạch báo cáo xin ý kiến Thường trực cấp uỷ để có sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện. Các kế hoạch giám sát, phản biện của MTTQ, đoàn thể các cấp đều được cấp uỷ phê duyệt làm căn cứ thực hiện. Chính vì vậy, nội dung giám sát, phản biện được lựa chọn, đã tập trung vào các lĩnh vực nhân dân quan tâm, như: Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cải cách thủ tục hành chính; xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân; việc triển khai các công trình phúc lợi xã hội do Nhà nước và nhân dân cùng làm; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư các dự án; công tác thu, chi các loại quỹ của nhân dân đóng góp; các công trình phúc lợi công cộng; các công trình hạ tầng, dự án phát triển sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới; các vấn đề liên quan đến sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ than; vấn đề ô nhiễm môi trường do xử lý chất thải…
MTTQ và các tổ chức đoàn thể tỉnh ký kết chương trình phối hợp công tác với một số đơn vị trên địa bàn tỉnh. |
Về thực hiện công tác giám sát: Trong 2 năm 2014, 2015, MTTQ tỉnh đã tổ chức giám sát độc lập tại một số địa phương, cơ sở về việc thực hiện Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20-4-2007 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; kết quả triển khai xây dựng Đề án 25 của tỉnh; kết quả triển khai cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; chương trình xây dựng nông thôn mới; công tác cứu trợ; việc quản lý và sử dụng các loại quỹ do MTTQ triển khai phát động; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị sau đợt tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo Chỉ thị số 23/CT-TTg, ngày 27-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ. MTTQ các cấp trong tỉnh đã thực hiện giám sát và phối hợp giám sát hàng trăm cuộc theo kế hoạch. Đồng thời, MTTQ đã phối hợp đẩy mạnh và duy trì có hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Thực hiện việc phát huy dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát kiểm tra”, 5 năm qua, Ban Thanh tra nhân dân đã phát hiện, kiến nghị 1.363 vụ việc và đã có 1.219 vụ việc được xem xét giải quyết; ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 3.744 công trình, phát hiện 514 vụ việc vi phạm đề nghị cơ quan có liên quan giải quyết. Qua các hoạt động giám sát đã kịp thời phát hiện và đề xuất kiến nghị với cơ quan chức năng giải quyết các vụ việc có vi phạm, sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn bất cập, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, củng cố tình làng nghĩa xóm, tăng cường đoàn kết ở khu dân cư, hạn chế vu việc khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Ban công tác Mặt trận khu dân cư đã chú trọng xây dựng công tác tự quản trong nhân dân, trong đó đã duy trì tốt 1.680 tổ hoà giải ở cơ sở với 9.011 hoà giải viên, các tổ hoà giải trên toàn tỉnh đã tham gia hoà giải gần 3.000 vụ việc, trong đó vụ việc hoà giải thành công đạt 85%.
Đối với công tác phản biện xã hội, đây là một nhiệm vụ mới còn nhiều khó khăn. MTTQ tỉnh đã thành lập Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật và Hội đồng tư vấn Dân tộc tôn giáo, thông qua các Hội đồng tư vấn, MTTQ đã tranh thủ được nhiều ý kiến tham gia góp ý kiến xây dựng pháp luật và vận động nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật. Trong thời gian qua, MTTQ đã tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý vào hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh và văn bản quy phạm pháp luật, các đề án ở địa phương. Đặc biệt là việc tổ chức lấy ý kiến sâu, rộng trong các tầng lớp nhân dân tham gia vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự thảo sửa đổi Luật Đất đai năm 2003, Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp… MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong tỉnh đã phối hợp tổ chức tốt để các tầng lớp nhân dân tham gia góp ý, phát huy dân chủ, thu hút được sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ, trí thức tham gia. Năm 2015, Uỷ ban MTTQ tỉnh cùng các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã và đang tổ chức triển khai thực hiện phản biện dự thảo Chương trình việc làm tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2016-2020...
Có thể thấy rõ nội dung hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ các cấp trong tỉnh đang từng bước đi vào đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là tính chủ động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở một số địa phương, cơ sở chưa cao. Chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát còn thấp, chưa đáp ứng mong đợi và những đòi hỏi của nhân dân. Việc tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đặc biệt là vai trò giám sát, tham gia góp ý kiến của nhân dân ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa huy động được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Hoạt động phản biện xã hội chưa được phát huy tích cực, có địa phương, cơ sở còn lúng túng trong triển khai; nội dung và hình thức pháp luật về phản biện xã hội còn gặp nhiều vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho chủ thể thực hiện phản biện xã hội.
- Vậy đâu là nguyên nhân của những tồn tại hạn chế này, thưa đồng chí?
+ Tình trạng nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể nhận định rằng: Đội ngũ cán bộ MTTQ và đoàn thể các cấp hiện nay tuy đông đảo, bám sát cơ sở, nhưng chưa đồng đều về trình độ, một bộ phận trình độ, năng lực còn hạn chế. Với các vấn đề mang tính chuyên ngành, Mặt trận cũng chưa tập hợp, phát huy được nguồn “chất xám” của đội ngũ chuyên gia để tăng tính hiệu quả của công tác giám sát, phản biện. Trong khi yêu cầu của công tác giám sát, phản biện xã hội ngày càng cao, song Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể mới chỉ động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát, tham gia giám sát cùng cơ quan dân cử, chứ chưa có cơ chế giám sát, phản biện đầy đủ. Bên cạnh đó, công tác nắm tình hình nhân dân chưa thực sự sâu sát, tuyên truyền giải thích về quyền giám sát, phản biện, việc vận động nhân dân thực hiện quyền phát hiện vấn đề, quyền giám sát, kiến nghị, phản biện chưa được chú trọng...
- Thưa đồng chí, để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, đưa công tác giám sát và phản biện xã hội thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn cần tập trung vào những nội dung gì?
+ Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, tiếp tục phát huy tốt vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội, thực hiện có kết quả Quyết định 217 của Bộ Chính trị, cần tập trung một số nội dung trọng tâm sau:
Trước hết, phải làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là hệ thống cán bộ mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội hiểu đúng, đầy đủ về công tác giám sát và phản biện xã hội, nhất là về Hiến pháp năm 2013 và Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị để từ đó giúp nhân dân hiểu đúng và tự giác tham gia thực hiện.
Tiếp tục nâng cao tính chủ động, tăng cường công tác tham mưu, đề xuất của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội với cấp uỷ trong thực hiện chương trình giám sát, phản biện xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao. MTTQ và các đoàn thể phải tự đổi mới trong thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội; chủ động tiến hành làm từng bước, làm cơ sở mở rộng các hình thức thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Cần có các biện pháp nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ về mọi mặt; xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất, đạo đức, có tư duy độc lập, thực sự có “tâm”, nắm và hiểu được nguyện vọng chính đáng của dân và có đủ năng lực chứng kiến, phản biện. Cần có cơ chế để huy động nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia cho công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể. Mặt trận các cấp cần huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, nhất là phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, các cá nhân tiêu biểu, thành viên các Hội đồng tư vấn của Uỷ ban MTTQ (ở cấp tỉnh), Ban tư vấn (ở cấp huyện), Tổ tư vấn (ở cấp xã), lực lượng cộng tác viên và đoàn viên, hội viên để có cơ sở giám sát và phản biện xã hội. Huy động ngày càng nhiều người dân thực hiện tốt vai trò thành viên giám sát trong cộng đồng...
Đối với cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp: Đề nghị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với việc triển khai thực hiện Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị; lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sát sao, đồng thời có cơ chế để bắt buộc người đứng đầu các cơ quan chức năng tiếp thu ý kiến phản biện của người dân, của MTTQ và các đoàn thể. Các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội giám sát, phản biện và góp ý xây dựng theo chương trình đã được cấp uỷ phê duyệt. Thường xuyên cung cấp thông tin và công khai những nội dung trong chương trình giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Sau khi tiếp thu ý kiến, góp ý, kiến nghị và giao cho các cấp, các ngành thực hiện cần thông báo kết quả giải quyết đến tổ chức tham gia góp ý, kiến nghị để tiếp tục giám sát.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Minh Thu (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()