Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 06:34 (GMT +7)
Huy động xã hội phòng chống lao
Thứ 3, 23/03/2010 | 00:04:59 [GMT +7] A A
Bệnh lao trước kia là một trong “tứ chứng nan y” mà khi nhắc đến bất kỳ ai cũng phải sợ hãi. Nhưng gần đây, căn bệnh nguy hiểm này đã có phác đồ điều trị thành công. Tuy nhiên, hiện nay bệnh lao vẫn được y học ghi nhận như một vấn đề y tế - sức khoẻ cộng đồng vì đặc điểm lây lan của bệnh.
Nhân ngày Thế giới phòng chống lao (24-3) năm nay, Chương trình chống lao Việt Nam đưa ra chủ đề “Đổi mới tư duy của mỗi người để kiểm soát bệnh lao được tốt hơn”. Với chủ đề này, Chương trình kêu gọi và mong muốn mọi người nâng cao hiểu biết về những tác hại của bệnh lao và cùng chống lao; người dân không nên kỳ thị bệnh nhân lao vì nguy cơ lây lan của căn bệnh này được ngăn ngừa ngay sau khi người bệnh được điều trị.
Ở tỉnh ta, một tỉnh có công nghiệp khai thác than, sản xuất vật liệu xây dựng lớn, đồng thời cũng là một tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV cao, do đó diễn biến của bệnh lao rất phức tạp, tỷ lệ bệnh nhân lao khá cao, với 108/100.000 dân (năm 2009). Nhận thức rõ vấn đề này, công tác phòng chống bệnh lao trên địa bàn đã được tỉnh và ngành Y tế hết sức coi trọng, là một trong những chương trình y tế ưu tiên và được đầu tư nguồn lực. Nhờ có mạng lưới chống lao trong toàn tỉnh, chúng ta đã áp dụng thành công chiến lược DOTS trong công tác phòng, chống lao, nhất là thực hiện việc điều trị bệnh nhân có kiểm soát. Tuy vậy, theo đánh giá của ngành Y tế, hiện nay chương trình chống lao trên địa bàn tỉnh đang gặp phải một số khó khăn. Đó là sự hiểu biết của người dân về bệnh lao còn hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên trách chống lao tuyến cơ sở còn thiếu và yếu; việc điều trị bệnh nhân có kiểm soát ở một số cơ sở còn hạn chế. Những tồn tại này đang được ngành Y tế tập trung khắc phục nhằm từng bước nâng cao hiệu quả của chương trình.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia chống lao, ngoài sự nỗ lực của mạng lưới phòng chống lao, hiệu quả của chương trình phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ cũng như sự tham gia của cộng đồng. Điều đó không chỉ nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao mà còn kêu gọi các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia tích cực vào hoạt động phòng chống bệnh lao. Chính vì vậy đầu tư cho hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ là một trong những giải pháp đảm bảo sự phát triển bền vững của chương trình phòng, chống lao.
Liên kết website
Ý kiến ()