Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:06 (GMT +7)
Iran tấn công tên lửa vào Israel: Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam lo Tết mất vui
Thứ 5, 03/10/2024 | 22:02:49 [GMT +7] A A
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), những năm qua thủy sản xuất khẩu sang Israel luôn tăng. Câu chuyện Iran tấn công tên lửa vào Israel, VASEP lo ảnh hưởng đến ngành hàng, còn doanh nghiệp lo ngừng đi đơn những tháng cuối năm.
Ngày 3/10, trao đổi với PV, ông Trương Đình Hòe - tổng thư ký VASEP - cho biết trong top 100 thị trường xuất khẩu của thủy sản Việt Nam, năm 2024 thị trường Israel đứng thứ 16. Trong khi năm 2023, thị trường này ở vị trí thứ 22.
Cụ thể, theo số liệu VASEP, năm 2022 thủy sản xuất khẩu sang Israel mang về hơn 80 triệu USD, và đến ngày 15-9 năm nay đạt hơn 79,4 triệu USD; trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ hơn 55,4 triệu USD.
"Ở đây tôi muốn nói thị trường Israel rất tiềm năng. Mặc dù Trung Đông lâu nay luôn xảy ra nhiều cuộc xung đột nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng, nhất là những căng thẳng dọc biên giới Lebanon - Israel đã leo thang đầu tháng 10-2023, cách đây đúng 1 năm.
Cuộc tấn công mới đây, hiện chưa có doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản báo cáo những ảnh hưởng. Tương lai chưa biết thế nào nhưng tôi nghĩ ngành hàng ở thị trường Israel sẽ có ít nhiều chao đảo, rủi ro. Vì Trung Đông có 90% là người Hồi giáo, họ rất thích ăn hải sản Việt Nam", ông Hòe nhìn nhận.
Trung Đông là khu vực trung tâm của 3 châu lục: châu Á, châu Âu, châu Phi, nên theo ông Hòe, nếu lo là lo tắc nghẽn vận tải biển, trong đó có vịnh Aden là tuyến đường ngắn nhất giữa châu Âu và châu Á.
"Trao đổi thương mại quốc tế qua tuyến đường chiến lược này chiếm tới 12-13% tổng thương mại thế giới, thủy sản Việt Nam xuất khẩu cũng đi qua vịnh này, qua Biển Đỏ.
Có lo lắng nhưng cũng chưa thể nói được, vì khách hàng Israel mua hàng có khi xuất sang nước thứ 3", ông Hòe nói thêm.
Israel được đánh giá là thị trường tiềm năng, ngoài dệt may, da giày thì thủy sản là mặt hàng Israel có nhu cầu lớn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hoàng (doanh nghiệp xuất khẩu chính là cá ngừ sang Israel) chia sẻ: "Năm nay thị trường nội địa, cá ngừ nguyên liệu khó thu mua hơn các năm vì vướng kích thước đánh bắt, doanh nghiệp phải mua từ các nước. Giá cao hơn vì gánh thêm chi phí vận chuyển, tài chính ở hết trong nguồn hàng.
Chưa kể, cả một năm đâu đâu cũng khó khăn, hàng bán giảm 50-60% so với các năm, chỉ trông vào quý cuối. Nếu tắc nghẽn thị trường Israel, tôi rất lo vì mọi thứ dồn hết trong kho hàng, ăn Tết mất vui", ông Hoàng nói.
Trước đó, ngày 25-7-2023, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết đã tạo rất nhiều thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh, nhất là thủy sản.
Israel từng là thị trường đứng thứ 4 nhập khẩu cá ngừ Việt Nam Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mỗi năm có trên dưới 70 diện mặt hàng của Việt Nam được xuất khẩu sang Israel. Riêng thủy sản, năm 2022 các mặt hàng thủy sản xuất khẩu đạt 80,4 triệu USD và thủy sản trở thành mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Israel. Trong đó, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 36,63 triệu USD và Israel đứng thứ 4 trong số 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam (sau Mỹ, Canada và Nhật Bản). Tiếp đến, xuất khẩu mực đông lạnh đạt 23,22 triệu USD, chiếm tỉ trọng 1,7% xuất khẩu mặt hàng này của cả nước và Israel đứng thứ 8 trong số 10 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc hàng đầu của Việt Nam. Về tôm, xuất khẩu tôm đông lạnh đạt khoảng 21 triệu USD và Israel đứng thứ 20. |
Theo Tuoitre.vn
- Tổng thống Iran: Vòm Sắt Israel thất bại trước tên lửa đạn đạo
- Israel nhắm vào nhà máy lọc dầu của Iran để trả đũa
- Israel, Iran đấu khẩu tại Hội đồng Bảo an
- Israel thừa nhận tên lửa Iran đánh trúng căn cứ quân sự
- Iran nhắm vào căn cứ không quân Israel, nói 90% tên lửa bắn trúng mục tiêu
- Thủ tướng Israel: Iran đã phạm sai lầm lớn và sẽ trả giá
- Iran phóng hơn 180 tên lửa đạn đạo vào Israel
Liên kết website
Ý kiến ()