Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:48 (GMT +7)
Kết nối các di tích để xây dựng hồ sơ Yên Tử
Chủ nhật, 24/07/2022 | 08:31:48 [GMT +7] A A
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là một hệ thống hơn 70 điểm di tích, được cấu thành từ 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Do đó, để xây dựng hồ sơ quần thể di tích, danh thắng Yên Tử trình UNESCO công nhận Di sản thế giới cần phải kết nối chặt chẽ các điểm di tích, các di sản văn hóa.
Bốn cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Khu di tích lịch sử nhà Trần (Quảng Ninh); Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương). Đấy là chưa kể, liên quan đến các di tích nhà Trần còn có di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng.
Về tổng thể, các điểm di tích có sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên với các công trình kiến trúc, nghệ thuật có giá trị đặc biệt. Đây là nơi có hệ thống các chùa tháp, di tích cùng sự kỳ vĩ của rừng, núi liên quan đến sự hình thành Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần, như: Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bí Thượng, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Lân, chùa Giải Oan, vườn tháp Hòn Ngọc, khu tháp Tổ, chùa Hoa Yên, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, chùa Vân Tiêu, chùa Đồng.
Sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để lại cho hậu thế những bản kinh văn và các bản sách quý giá, những sách dạy cho các tăng môn và dân chúng như: Thiền tâm thiết chuỷ ngữ lục, Đại Hương Hải ấn thi tập, Tăng già Toái sự, Thạch thất Mỹ Ngữ, Truyền Đăng Lục, Thượng Sĩ hành trang… Đây là những di sản văn hoá phi vật thể quý giá đang đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc.
Yên Tử hình thành nên không gian tôn giáo, văn hóa đặc trưng của Thiền phái Trúc Lâm. Bên cạnh đó, Yên Tử còn là nơi bảo tồn được rất nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính, trầm mặc của chùa tháp, là sự thơ mộng của suối nước, trời mây chen trong cây cỏ hoa lá và chim muông, là sự phong phú của thảm thực vật đa dạng.
Đến nay, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo khoa học nhằm làm rõ những giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Cùng với việc đảm bảo tiến độ nộp hồ sơ, các địa phương cũng đặc biệt quan tâm tới chất lượng của hồ sơ trình UNESCO xem xét, công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là Di sản thế giới.
Tại Hội thảo khoa học thống nhất tiêu chí xếp hạng quần thể di tích và danh thắng Yên Tử tổ chức cuối tháng 6 vừa qua ở Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hải Dương mời các chuyên gia quốc tế như: GS Paul R.Dingwall đến từ Newzealand; GS Uneno Kunikazu đến từ Nhật Bản; TS Radhika Dhumal đến từ Ấn Độ; các chuyên gia trong nước; đại biểu đại diện Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan.
Các chuyên gia quốc tế, trong nước đánh giá cao những giá trị địa chất địa mạo, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Để hoàn thiện hồ sơ công nhận Di sản thế giới, các đại biểu, chuyên gia tập trung thảo luận về việc xác định các tiêu chí xếp hạng, không gian văn hóa, lựa chọn danh mục, hạng mục di tích; mô hình quản lý di sản mang tính liên tỉnh - một mô hình mới trong quản lý di sản tại Việt Nam.
Các chuyên gia đề xuất nên lựa chọn 3 tiêu chí phù hợp nhất theo tuyên bố của UNESCO nhằm tạo thành nền tảng để biện luận cho giá trị toàn cầu của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, bao gồm: Tiêu chí III là chứa đựng một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng hết sức khác biệt về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh hiện vẫn đang tồn tại hoặc đã diệt vong.
Tiêu chí V là ví dụ nổi bật về truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng đất hoặc sử dụng biển, đại diện cho một hay nhiều nền văn hóa, hoặc quá trình tương tác giữa con người với môi trường, đặc biệt khi môi trường đó trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những thay đổi không thể đảo ngược.
Tiêu chí VI có liên hệ trực tiếp hoặc có thể nhận thấy được với những sự kiện hay các truyền thống sinh hoạt, với các tư tưởng, hay các tín ngưỡng, với các công trình nghệ thuật hay văn học có ý nghĩa nổi bật toàn cầu. Cùng với đó, hội thảo cũng đã đề xuất 18 hạng mục di tích để từ đó xây dựng câu chuyện kết nối các tiêu chí trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.
Giáo sư Paul R.Dingwall, Chuyên gia UNESCO, đến từ Newzealand, nhận định: Cần xây dựng tổng thể 18 hạng mục di tích cụ thể với các chương riêng biệt, rõ ràng để làm rõ được từng hạng mục. Trong đó, cần tập trung thực hiện làm rõ 4 thông điệp về các vấn đề: Vị trí địa chất của danh thắng, giá trị văn hóa con người; nguồn gốc của thiền phái văn hóa Trúc Lâm Yên Tử; lan tỏa, phát triển văn hóa Trúc Lâm Yên Tử gắn liền với cuộc sống của xã hội, tinh thần và bảo vệ lãnh thổ. Đây là những yếu tố quan trọng để làm nên một Yên Tử với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()