Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:39 (GMT +7)
Kỷ niệm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11) Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch
Chủ nhật, 21/11/2021 | 07:27:39 [GMT +7] A A
Di sản thiên nhiên và văn hóa được coi là nguồn tài nguyên vô giá tạo nên sức hút du lịch riêng cho mỗi quốc gia. Thực tế chứng minh, di sản văn hóa đã và đang tạo sức hấp dẫn cho mỗi điểm đến du lịch. Khai thác nguồn tài nguyên quý giá này, những năm qua, Quảng Ninh đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển du lịch.
Đánh thức giá trị di sản
Quảng Ninh có hệ thống di sản văn hóa phong phú và độc đáo. Toàn tỉnh hiện có 632 di tích lịch sử (DTLS) văn hóa và danh lam thắng cảnh (DLTC). Trong đó, có 5 khu di tích quốc gia đặc biệt (DLTC vịnh Hạ Long, DTLS Bạch Đằng, DTLS và DLTC Yên Tử, DTLS Khu di tích Nhà Trần tại Đông Triều và DTLS Đền Cửa Ông - Cặp Tiên).
Cùng với đó, có trên 360 di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê với 6 di sản nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Nghi lễ Then cổ của người Tày ở Bình Liêu, hát nhà tơ (hát, múa cửa đình), lễ hội đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả), lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên), lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái), lễ hội đình Quan Lạn (Vân Đồn). Riêng thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam mà Quảng Ninh có đại diện là Then của người Tày ở Bình Liêu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây chính là nguồn tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong và ngoài nước đến Quảng Ninh.
Trung tuần tháng 11 vừa qua, tại Bình Liêu đã diễn ra Hội Mùa vàng Bình Liêu năm 2021 với nhiều hoạt động đặc sắc như: Trải nghiệm, check-in ruộng bậc thang, lễ mừng cơm mới, dù lượn bay trên mùa vàng, những tiết mục văn nghệ tái hiện hình ảnh lao động của bà con dân tộc vào ngày mùa... thu hút đông đảo du khách về dự hội. Đây là chương trình được huyện tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2020 nhằm giới thiệu, quảng bá, đồng thời tạo ra những sản phẩm du lịch mới dựa trên khai thác nét đẹp cảnh sắc thiên nhiên, hình ảnh ruộng bậc thang nơi vốn gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa, tập quán canh tác, phong tục tín ngưỡng lâu đời của người dân Bình Liêu.
Đặc biệt, năm 2020, khi ruộng bậc thang Lục Hồn được công nhận là di tích - danh thắng cấp tỉnh, Bình Liêu được công nhận là Khu du lịch (KDL) cấp tỉnh đã trở thành cơ sở quan trọng để tiếp tục đánh thức giá trị di sản, mở ra những cơ hội mới cho Bình Liêu trong phát triển du lịch.
Cùng với Bình Liêu, toàn tỉnh còn có 4 khu du lịch cấp tỉnh khác gồm: KDL Quan Lạn - Minh Châu (Vân Đồn), KDL Cái Chiên (Hải Hà), KDL hồ Yên Trung (TP Uông Bí), KDL Cô Tô (Cô Tô) và 1 KDL quốc gia Trà Cổ (TP Móng Cái). Tất cả các KDL cấp tỉnh, cấp quốc gia đều là nơi có các DTLS, DLTC được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Giai đoạn trước năm 2020 khi chưa chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, trung bình mỗi năm, các khu DTLS văn hóa ở Quảng Ninh thu hút khoảng 4-5 triệu lượt khách du lịch, khu DLTC thu hút 7-8 triệu lượt, doanh thu từ thu phí tham quan đạt xấp xỉ 1.500 tỷ đồng/năm.
Theo báo cáo của Sở Du lịch, hiện khoảng 120 DTLS, DLTC đã nằm trong các điểm tour, tuyến du lịch cố định của Quảng Ninh, trong đó có những di tích được các đơn vị lữ hành lựa chọn để thiết kế nhiều sản phẩm riêng, trọn gói để đưa vào khai thác. Vào dịp Tết Nguyên đán mỗi năm (từ mồng 1-6/1 âm lịch), Quảng Ninh đón khoảng 70-100 vạn du khách, thì 70% trong đó là lượng du khách có mặt tại các di tích, di sản trên địa bàn. Điều này cho thấy, di sản văn hóa đã và đang là thành tố rất quan trọng tạo nên sức hút đặc biệt cho du lịch Quảng Ninh.
Tạo động lực cho phát triển du lịch
Di sản văn hóa và du lịch có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Chính nhờ các di tích, danh thắng, di sản văn hóa khi được công nhận cấp tỉnh, quốc gia hay quốc tế đã được quan tâm trùng tu, tôn tạo tốt hơn, trở thành tiền đề quan trọng để du lịch phát triển. Ở chiều ngược lại, du lịch phát triển đã tạo nguồn lực đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản cũng như mang đến lợi ích kinh tế, xã hội cho cộng đồng.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong ba khâu đột phá và trong bốn nhiệm vụ trọng tâm có nhiệm vụ “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh”.
Do đó, để đưa văn hóa thật sự trở thành động lực, là nguồn lực chính của sự phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, trong những năm qua tỉnh đã quan tâm bố trí từ nguồn ngân sách và các nguồn xã hội hóa hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư tôn tạo, tu bổ các DTLS, DLTC trên địa bàn tỉnh.
Trong hai năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, hầu hết các hoạt động văn hóa, lễ hội không được tổ chức, các di tích, thắng cảnh một thời gian dài không mở cửa đón khách. Tận dụng thời gian này, tỉnh và các địa phương đã đẩy mạnh công tác đầu tư tôn tạo các di tích, danh thắng, nhằm tạo nên những điểm nhấn, sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đặc trưng cho Quảng Ninh khi hoạt động du lịch sôi động trở lại.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện lập hồ sơ khoa học quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới; phối hợp với TP Hải Phòng tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) - quần đảo Cát Bà (TP Hải Phòng) trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới; triển khai xây dựng hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đối với quần thể di tích thương cảng Vân Đồn (huyện Vân Đồn).
Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá; quan tâm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật quý của từng vùng để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của du khách; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch…
Với hoạch địch bài bản, cụ thể, tin tưởng Quảng Ninh đã, đang và sẽ khai thác, phát huy hiệu quả giá trị của di sản văn hóa cho phát triển du lịch bền vững.
Chung tay gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa
Ông Tô Đình Hiệu, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu: “Khôi phục những lễ hội truyền thống tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo” Bình Liêu là địa phương với trên 96% là đồng bào các dân tộc thiểu số, vì vậy, các lễ hội văn hóa nói riêng và các phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa nói chung của cộng đồng nơi đây rất phong phú và đa dạng. Nhằm góp phần thực hiện công tác bảo tồn, hằng năm huyện đều chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức các lễ hội như lễ hội đình Lục Nà, Hội hát Tháng ba, Hội Kiêng gió, tích cực phục dựng, tái hiện các nghi lễ văn hóa truyền thống của các dân tộc như trích đoạn nghi lễ Lảu Then của người Tày, lễ Cấp sắc của người Dao, lễ cưới của người Sán Chỉ.... Qua đó, không chỉ giúp người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu hơn về văn hóa quê hương mà còn tạo nên những sản phẩm du lịch rất độc đáo, những trải nghiệm ấn tượng cho du khách về dấu ấn riêng có của du lịch Bình Liêu. |
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh: “Tăng cường hợp tác giữa các địa phương để bảo tồn các di sản văn hoá” Để phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa hiện nay, vấn đề tăng cường hợp tác giữa các địa phương, bảo tồn các di sản liên hoàn, liên tỉnh là rất cần thiết và đang được tỉnh tập trung thực hiện trong thời gian qua. Tiêu biểu như việc lập hồ sơ khoa học cho quần thể di tích danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới... Qua đó, sẽ góp phần mở rộng không gian di sản, giảm tải sức ép cho di sản về nhiều mặt, cũng như huy động thêm nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Cùng với đó, việc tăng cường hợp tác, phối hợp giữa các địa phương sẽ tạo liên kết hình thành các tuyến điểm du lịch, mang đến những sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần phát triển các loại hình du lịch đặc trưng ở mỗi địa phương. |
Ông Phạm Thành Trung, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông – Cặp Tiên: “Phát triển du lịch gắn với khai thác di sản văn hoá phải có nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng trước khi triển khai” Trong những năm qua, tỉnh đã dành sự quan tâm, đầu tư cho công tác bảo tồn di sản văn hóa nói chung. Nhiều lễ hội truyền thống được nghiên cứu phục dựng, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đều được tôn tạo, tu bổ vẫn giữ nguyên được giá trị song vừa tạo ra sự hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng, không gian cảnh quan khang trang, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan. Song trước sức ép của hoạt động du lịch sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến di sản văn hoá nếu không làm tốt công tác quản lý. Vì vậy tôi cho rằng, cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương. Đặc biệt, những dự án phát triển du lịch gắn với khai thác di sản phải có nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng trước khi triển khai để không làm tổn hại đến di sản. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa cho các tầng lớp nhân dân và du khách. |
Nguyễn Dung
- Tăng cường bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Tràng An
- Phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam
- Cộng đồng chung tay giữ gìn di sản văn hóa
- Thêm 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- "Quảng Ninh đã rất trân trọng giá trị các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa"
- Tràng Lương gìn giữ di sản hát then - đàn tính
Liên kết website
Ý kiến ()