Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:48 (GMT +7)
Kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 4, HĐND khoá XII
Thứ 5, 10/05/2012 | 14:16:48 [GMT +7] A A
Căn cứ Báo cáo số 312/BC-HĐND ngày 22-12-2011 của Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp ý kiến của cử tri với Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XII, văn bản số 314/HĐND ngày 23-12-2011 về đề nghị giải quyết kiến nghị cử tri với Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII và văn bản số 40/HĐND-TTDN2 ngày 07/3/2012 về đề nghị báo cáo công tác giải quyết các kiến nghị của cử tri và đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu tại hội nghị ngày 23-4-2012 của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết một số kiến nghị của cử tri nhiều địa phương quan tâm gửi tới Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá XII như sau:
I. KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN; XÂY DỰNG CƠ BẢN:
1.1Hiện nay còn một số dự án về đầu tư để sản xuất kinh doanh và dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng không còn tính khả thi, một số nhà đầu tư không đủ năng lực thi công. Đề nghị tỉnh kiểm tra, rà soát thu hồi những dự án không triển khai hoặc do năng lực yếu đã quá thời gian gia hạn; có biện pháp xử lý đối với các dự án triển khai chậm, đầu tư cầm chừng; tổ chức kiểm tra và đánh giá thực chất về hiệu quả đầu tư công của các dự án được điều chỉnh quy hoạch. (Kiến nghị của cử tri các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên và Đông Triều)
UBND tỉnh đã có văn bản số 5512/UBND-QLĐĐ1 ngày 30/12/2011 “V/v kiểm tra, rà soát và xử lý các dự án có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” chỉ đạo UBND các huyện, thị xã và thành phố chủ động tiến hành rà soát, lập báo cáo UBND tỉnh các dự án sử dụng đất chậm triển khai thực hiện
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 13/01/2012 “Về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra, rà soát các dự án sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hạ Long” để tiến hành rà soát lại thủ tục đầu tư và quá trình đầu tư của các dự án có sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hạ Long. Đoàn kiểm tra đã thực hiện xong và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh vào ngày 19/4/2012.
Với các địa phương còn lại, căn cứ vào báo cáo kết quả rà soát và kiến nghị của các địa phương, UBND tỉnh sẽ xem xét, tiếp tục thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra đối với tất cả các dự án có sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh. Dự kiến hoàn thành công tác kiểm tra, rà soát và xử lý đối với tất cả các dự án trên địa bàn toàn tỉnh trong quý II/2012.
Trong tháng 3/2012 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành kiểm tra và đang hoàn tất thủ tục thu hồi đất đối với một số dự án như: Dự án Khu vui chơi giải trí của Công ty Đầu tư Thương mại Đông Phương Hồng, Dự án Khu du lịch Khách sạn Hạ Long Xanh của Công ty TNHH Hạ Long Xanh, Dự án Trung tâm du lịch và thương mại của Công ty CP Du lịch Hạ Long, dự án Khách sạn của Công ty CP Đầu tư XD và Thương mại du lịch 108...
1.2 Trên địa bàn thành phố Uông Bí, một số doanh nghiệp sử dụng đất đã lâu nhưng đến nay chưa có hợp đồng thuê đất, hoặc hợp đồng đã hết nhưng chưa được gia hạn; một số đơn vị chia tách, sát nhập nhưng chưa sang tên, đổi chủ như Công ty Cổ phần than Vàng Danh Vinacomin 7,70 ha, Công ty TNHH 1TV than Uông Bí 15,46ha... Đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, Ngành chức năng tăng cường hơn nữa công tác quản lý đối với các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. (Kiến nghị của cử tri thành phố Uông Bí)
Các doanh nghiệp sử dụng đất mà chưa có hợp đồng thuê đất, hoặc hợp đồng thuê đất đã hết hạn nhưng chưa gia hạn hầu hết là các doanh nghiệp thuộc nghành Than. Trong năm 2011, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra và đã có kết luận đối với các vi phạm này. Căn cứ kết luận của Thanh tra, Uỷ ban nhân dân đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 718/TNMT-KHTC ngày 09/4/2012 yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt nam chỉ đạo các đơn vị này khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý sử dụng đất theo nội dung kiến nghị của Thanh tra, thời gian hoàn thành trong quý II/2012
Về việc các đơn vị chia tách, sáp nhập nhưng chưa sang tên, đổi chủ như Công ty Cổ phần than Vàng Danh Vinacomin 7,7 ha; Công ty TNHH 1TV than Uông Bí 15,46 ha…: Uỷ ban nhân dân đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản yêu cầu và hướng dẫn các đơn vị nghành than khi chuyển đổi đất cho nhau theo các quyết định của Tập đoàn Công nghiệp than và Khoáng sản Việt Nam phải làm thủ tục trả đất (đối với các đơn vị sử dụng đất cũ) và thuê đất (đối với đơn vị sử dụng đất mới). Cụ thể về các đơn vị được nêu trên như sau:
- Đối với Công ty Than Vàng Danh: Công ty đang làm thủ tục hoàn nguyên môi trường để trả đất với diện tích 7.992,5 m2; phần diện tích còn lại (trong đó có một phần diện tích nhận bàn giao của Công ty Thương mại Than), Công ty đang làm thủ tục gia hạn và thuê mới.
- Đối với Công ty Than Uông Bí: Công ty đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện việc trả đất và Uỷ ban nhân dân tỉnh đã cho các đơn vị thành viên khác thuê đất như: Công ty Than Đồng Vông đã được thuê 11.970 m2 đất (chuyển từ Công ty TNHH MTV Than Hồng Thái), Công ty CP Cơ khí Ô tô TKV đã được thuê 13.757 m2 (chuyển từ Công ty TNHH MTV Than Hồng Thái), phần còn lại đang làm hồ sơ trả đất để cho Xí nghiệp Sàng tuyển và cảng thuê.
1.3. Đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công Tỉnh lộ 329 thông xe vào tháng 6/2012; nâng cấp tuyến đường nhánh 334 và hệ thống cống rãnh thoát nước (từ Hạt Kiểm lâm vào xã Đoàn Kết, Bình Dân, Đài Xuyên); sửa chữa 4 tuyến đê ngăn mặn thuộc xã Đài Xuyên. (Kiến nghị của cử tri các địa phương: Cẩm Phả, Vân Đồn)
- Về tiến độ thi công Tỉnh lộ 329 thông xe vào tháng 6/2012;
Dự án đầu tư nâng cấp Tỉnh lộ 329 được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt ngày 29/12/2006 và phê duyệt điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư ngày 13/5/2009; Kế hoạch đấu thầu được phê duyệt ngày 29/6/2009.
Sau khi triển khai các thủ tục đấu thầu và ký hợp đồng xây lắp với các nhà thầu, dự án được khởi công xây dựng từ cuối năm 2009. Dự án được chia làm 03 gói thầu xây lắp, gồm:
+ Gói thầu số 02 (từ Km0-Km16): Nhà thầu là Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC).
+ Gói thầu số 03 (từ Km16-Km31): Nhà thầu là Liên danh Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) và Công ty cổ phần Tân Thành.
+ Gói thầu số 04 (xây dựng 02 cầu tại Km12+173 và Km23+554): Nhà thầu là Công ty TNHH MTV Xây dựng cầu 75.
(Gói thầu số 01 là tư vấn khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán)
Theo tiến độ hợp đồng Chủ đầu tư đã ký với các nhà thầu như sau:
+ Gói thầu số 02: Ký hợp đồng ngày 16/10/2009. Tiến độ hợp đồng là 27 tháng (đến ngày 16/02/2012).
+ Gói thầu số 03: Ký hợp đồng ngày 18/5/2010. Tiến độ hợp đồng là 27 tháng (đến ngày 18/8/2012).
+ Gói thầu số 04: Ký hợp đồng ngày 27/10/2010. Tiến độ hợp đồng là 855 ngày (đến ngày 28/2/2013).
Trong thời gian qua, đặc biệt là các tháng cuối năm 2011 và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, các nhà thầu đã tập trung thi công phấn đấu hoàn thành dự án theo tiến độ Tỉnh chỉ đạo là hoàn thành trước ngày 30/6/2012.
Kết quả đến nay như sau:
* Gói thầu 02:
+ Nền đường: Đã thi công cơ bản xong 15,6/ 15,6km nền đường (những vị trí còn lại chỉ đắp nhỏ lẻ trên đoạn tuyến). Đạt 95%.
+ Móng đường: Rải được 5,9km/ 15,6km. Đạt 38% (trong đó: Móng cấp phối suối được 0,8km, móng cấp phối đá dăm rải được 5,1km).
+ Mặt đường: Rải được 4,6km (1/2 mặt đường)/ 15,6km. Đạt 29%.
+ Thi công xong 52/ 65 cống các loại. Đạt 80%.
* Gói thầu 03:
+ Nền đường: Đã thi công được 16,3/16,6km nền đường (xen kẽ những đoạn hoàn thiện và chưa hoàn thiện). Đạt 98%.
+ Móng đường: Rải được 8,98km/ 16,6km. Đạt 54%.
+ Mặt đường: Rải được 7,2km/ 16,6km. Đạt 43%.
+ Thi công xong 68/ 73 cống các loại. Đạt 93%.
+ Đã lắp dựng xong trạm trộn bê tông để chuẩn bị cho việc thi công mặt đường.
* Gói thầu 04: Đã thi công xong và đang hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông.
Dự án còn vướng mắc giải phóng mặt bằng ở 3 điểm nhỏ lẻ tập trung ở phạm vi của thành phố Cẩm Phả (2 điểm liên quan đến đường dân sinh của dân phải bổ sung và 1 điểm bổ sung sân cống).
Về tiến độ cấp vốn: Nguồn vốn của dự án là Trái phiếu Chính phủ, tính đến hết năm 2011, dự án được cấp là 153.900 triệu đồng, so với tổng mức đầu tư là 283.839 triệu đồng, tiến độ cấp vốn đến nay mới đạt 55%. Năm 2012, dự án được Trung ương cấp 30.000 triệu đồng. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, ứng nguồn của tỉnh cấp cho dự án 50. 000 triệu đồng để tổng vốn cấp dự án đến năm 2012 sẽ là 233.900 triệu đồng, đạt 82%; đảm bảo đủ điều kiện để các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, cơ bản hoàn thành trong tháng 8/2012.
- Về nâng cấp tuyến đường nhánh 334 và hệ thống cống rãnh thoát nước (từ Hạt Kiểm lâm vào xã Đoàn Kết, Bình Dân, Đài Xuyên);
Căn cứ quy định tại Quyết định số 4170/2011/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư và hướng dẫn quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhiệm vụ đầu tư thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân huyện Vân Đồn. Yêu cầu Uỷ ban nhân dân huyện Vân Đồn cần thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư đảm bảo theo quy định và cân đối nguồn vốn được tỉnh giao để đầu tư công trình.
- Về sửa chữa 4 tuyến đê ngăn mặn thuộc xã Đài Xuyên, hiện nay đã xuống cấp.
Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống đê xã Đài Xuyên, huyện Vân Đồn được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3887/QĐ-UBND ngày 01/12/2009 với tổng mức đầu tư là 5.350 triệu đồng. Công trình thuộc danh mục các dự án vốn ngân sách tập trung giao về địa phương theo Quyết định số 4170/2011/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư và hướng dẫn quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư trên địa bàn tỉnh và Quyết định số 4168/QĐ-UBND ngày 28/12/2011 về việc giao Kế hoạch năm 2012. Yêu cầu Uỷ ban nhân dân huyện Vân Đồn kiểm tra, xem xét tính cấp thiết của dự án để tự cân đối, bố trí vốn cho công trình từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh năm 2012.
II. VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG.
2.1. Đề nghị UBND tỉnh có giải pháp quản lý và yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc xả thải, xả bụi gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất điện và xi măng trên địa bàn thành phố Cẩm Phả. (Kiến nghị của cử tri các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Hoành Bồ)
UBND tỉnh đã có văn bản số 3419/UBND-MT ngày 31/8/2011 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát bụi, khí thải tại các nhà máy xi măng, nhiệt điện trên địa bàn tỉnh, trong đó giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các nhà máy xi măng, nhiệt điện trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, các nhà máy xi măng, nhiệt điện đã đầu tư hệ thống xử lý khói, bụi. Tuy nhiên, nồng độ khói, bụi xả thải ra môi trường ở một số nhà máy vẫn vượt tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân là do chất lượng thiết bị và tay nghề lắp đặt của công nhân không cao, gây nên các sự cố ngoài ý muốn, làm chậm tiến độ và kéo dài thời gian vận hành thử nghiệm.
Năm 2011, xảy ra sự cố đối với hệ thống lọc bụi của Nhà máy Xi măng Lam Thạch II, hệ thống rót Cliker của Công ty xi măng Thăng Long, Công ty xi măng Hạ Long gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu các đơn vị dừng hoạt động sản xuất để khắc phục sự cố.
Ngày 23/12/2011 UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp cùng với các sở, ngành làm việc với đại diện các nhà máy xi măng, nhiệt điện và các đơn vị khai thác đá trên địa bàn tỉnh và yêu cầu các đơn vị:
- Rà soát lại các công nghệ xử lý và bảo vệ môi trường của doanh nghiệp; Cải tiến công nghệ cũ, thay thế công nghệ lạc hậu và bổ sung những công nghệ còn thiếu như công nghệ phun sương giảm thiểu ô nhiễm bụi tại khu đập, nghiền đá của các nhà máy xi măng…; Thay thế một số công nghệ sản xuất cũ, lạc hậu như công nghệ sản xuất xi măng lò đứng...
- Chủ động lắp đặt hệ thống phun nước chống bụi nội bộ tại các doanh nghiệp, nhà máy; Quan tâm việc xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường.
- Quy trình chế biến đá phải được thực hiện trong nhà kín, có hệ thống phun sương để chống phát tán bụi ra ngoài môi trường, hoàn thành trước tháng 6/2012.
- Tăng cường trồng cây xanh trong khuôn viên nhà máy, bổ sung trồng cây tại những khu vực trống để tạo cảnh quan và giảm thiểu bụi, khí tải phát tán ra ngoài môi trường.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các nhà máy xi măng, nhiệt điện phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động 24/24giờ để theo dõi thường xuyên các thông số môi trường tại ống khói nhà máy; đồng thời điều chỉnh mạng điểm quan trắc môi trường, bổ sung các điểm quan trắc gần các nhà máy xi măng và nhiệt điện để kịp thời phát hiện và có những biện pháp xử lý. Đồng thời, đã chỉ đạo triển khai điều chỉnh, bổ sung mạng điểm quan trắc hiện trạng môi trường năm 2012 và các năm tiếp theo để đảm bảo quan trắc, giám sát mức độ ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn tại khu vực lân cận xung quanh các nhà máy xi măng, nhiệt điện và các vị trí nhạy cảm về môi trường trên địa bàn tỉnh, dự kiến trong quý II/2012 sẽ phê duyệt.
Với địa bàn thành phố Cẩm Phả, dự kiến điều chỉnh bổ sung một số điểm tại Nhà máy Xi măng Cẩm Phả và Nhiệt điện Cẩm Phả cụ thể như sau:
- Về môi trường không khí: Quan trắc bổ sung tại khu dân cư phường Cẩm Thạch, phía Tây Bắc Nhà máy Xi măng Cẩm Phả để đánh giá chất lượng không khí chịu tác động của hoạt động sản xuất xi măng. Quan trắc bổ sung tại khu dân cư thuộc Khu 3, phường Cẩm Thịnh để đánh giá chất lượng không khí chịu tác động của Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả.
- Về môi trường nước biển ven bờ: Quan trắc bổ sung nước biển ven bờ khu vực phường Quang Hanh và giữ nguyên điểm quan trắc cũ đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại khu vực từ Nhà máy Xi măng Cẩm Phả đến cảng Km6 để đánh giá chất lượng nước biển ven bờ chịu tác động của hoạt động sản xuất xi măng. Quan trắc bổ sung nước biển ven bờ khu vực từ Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả đến cảng Vũng Đục và khu vực Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả đến cảng Cửa Ông để đánh giá chất lượng nước biển ven bờ chịu tác động của nhà máy nhiệt điện.
2.2 Hiện nay, nạn khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trên địa bàn một số phường Cao Xanh, Hà Khánh, Cao Thắng, Hà Lầm... vẫn diễn biến phức tạp, hệ quả hiện nay phường Cao Xanh đã có nhiều nơi sụt lún gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Đề nghị tỉnh kiến nghị với Chính phủ kịp thời ban hành các chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép. (Kiến nghị của cử tri thành phố Hạ Long)
Trong thời gian gần đây, hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, duy trì được trật tự, chỉ còn một số “điểm nóng” tại địa bàn thành phố Hạ Long và một số khu vực thuộc khai trường Công ty Việtmindo, Công ty Than Thống Nhất, khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Yên Lập thuộc địa bàn huyện Hoành Bồ song cũng đã gây hậu quả xã hội rất đáng chú ý như: hiện tượng lún, nứt nhà dân tại một số tổ dân cư thuộc phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long; hiện tượng lún, nghiêng cột điện số 2, lộ 475-E52 của Chi nhánh điện Hạ Long (Công ty Điện lực Quảng Ninh) và cột số 3 đường điện cao thế 110 KV-175, 176 E52-E5.10 nhánh rẽ trạm Hà Tu (Chi nhánh lưới điện cao thế miền Bắc) ở khu vực đồi rừng thuộc khu 2, phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long; các vụ sụt lò khai thác than trái phép làm chết người tại tổ 13, khu 2 và tổ 28, khu 5, phường Hà Khánh, thành phố Hạ Long...
Để chủ động giải quyết tình hình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, trong đó chủ lực là lực lượng Công an chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân gắn với ra quân quyết liệt, phát hiện xử lý nghiêm khắc các hành vi khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép, nhất là tại các “điểm nóng” nên đã cơ bản ổn định tình hình, không để phát sinh phức tạp kéo dài.
Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than vẫn còn tiềm ẩn một số vấn đề đáng chú ý sau:
- Qua khảo sát ở Hạ Long cho thấy: Tại thời điểm đầu năm 2011, toàn thành phố có 229 điểm lò khai thác than trái phép tại địa bàn 9/20 phường thuộc ranh giới quản lý tài nguyên của 7 doanh nghiệp ngành than. Từ đó đến nay, các đoàn kiểm tra liên quan đã kiểm tra, san lấp và triệt phá trên 1.140 lượt, giải tỏa hầu hết các điểm này, những người lao động làm thuê đã trở về địa phương song khả năng tái khai thác tại các điểm lò nằm xen lẫn trong khu dân cư thuộc các phường Cao Thắng, Hà Lầm, Hà Khánh và tại các khu đồi cao, hẻo lánh tại các phường Đại Yên, Việt Hưng vẫn còn rất cao.
UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 5204/UBND-CN ngày 16/12/2011, trong đó quy định kể từ ngày 16/12/2011, than vận chuyển bằng các phương tiện trên quốc lộ, tỉnh lộ là than lậu, phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Văn bản này đã làm căn cứ để các ngành chức năng kiểm tra, xử lý các phương tiện lén lút vận chuyển than trái phép.
Trong thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo xử lý kiên quyết các đối tượng liên quan tới nạn khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trên địa bàn tỉnh, cụ thể từ chỉ từ 01/12/2011 đến 20/4/2012, đã thụ lý 21 vụ (với 120 bị can), trong đó, tạm giam 59 bị can; truy nã 13 bị can.
* Công an đã kết thúc điều tra 15 vụ (với 97 bị can) và đề nghị truy tố 85 bị can; Tạm đình chỉ điều tra: 12 bị can (lý do bị can bỏ trốn, đã ra quyết định truy nã).
* Viện kiểm sát đã truy tố chuyển Toà án 12 vụ (với 43 bị can) và hiện đang hoàn thiện các thủ tục truy tố 3 vụ (với 42 bị can).
* Đang điều tra 6 vụ (với 23 bị can).
* Đã xét xử 3 vụ (với 3 bị can) và trong tháng 5/2012, Viện kiểm sát tỉnh phối hợp với Toà án tỉnh đưa vụ án: Nguyễn Văn Long cùng đồng bọn (12 bị can) - phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên ra xét xử lưu động tại phường Hà Khánh.
Về việc kiến nghị với Chính phủ ban hành các chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than trái phép:
UBND tỉnh đã có văn bản số 1069/UBND-CN ngày 21/3/2012 đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu, sửa đổi và đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, Thông tư số 04/2007/TT-BCT ngày 22/10/2007 của Bộ Công thường về hướng dẫn điều kiện kinh doanh than theo quy định của Nghị định số 59/2006/NĐ-CP, Thông tư số 05/2007/TT-BCT ngày 22/10/2007 của Bộ Công thương về hướng dẫn xuất khẩu than theo hướng kiểm soát chặt sẽ các tổ chức được hoạt động chế biến, kinh doanh than và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất để có những chế tài xử lý cho phù hợp với thực tiễn hơn.
Ngoài ra tỉnh đã chủ động giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh.
III. VỀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI.
3.1. Đề nghị tỉnh rà soát và điều chỉnh phương án giá các loại đất, đảm bảo sát với giá thị trường để hạn chế hiện tượng tiêu cực trong mua bán đất đai, đồng thời tránh thiệt thòi cho người dân bị thu hồi đất làm dự án khi xây dựng phương án bồi thường giải phóng mặt bằng. (Kiến nghị của cử tri thành phố Hạ Long)
Theo quy định của Luật Đất đai 2003, Nghị định 188/2004/NĐ-CP và Nghị định 123/2007/NĐ-CP của Chính phủ, giá các loại đất do UBND cấp tỉnh ban hành, công bố và thực hiện từ ngày 01/01 hàng năm phải tuân thủ nguyên tắc nằm trong khung giá Chính phủ quy định và chỉ được phép tăng giảm so với khung giá 20% nhưng không được vượt quá 20% giá tối đa, không thấp hơn 20% giá tối thiểu. Khung giá đất Chính phủ theo Nghị định 123/2007/NĐ-CP quy định đối với đất ở tại đô thị loại II (Thành phố Hạ Long) tối đa là 30.000.000đ/m2, cộng thêm 20% cho phép thì được quy định mức giá không quá 36.000.000đ/m2. Bảng giá đất ở tại đô thị năm 2011, 2012 của Thành phố Hạ Long đã xây dựng và quy định ở mức giá tối đa Chính phủ cho phép: 36.000.000đ/m2 tại vị trí bám Quảng Trường Chợ Hạ Long I, các vị trí còn lại căn cứ vào điều kiện cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh doanh thương mại và các yếu tố khác để xây dựng mức giá cho phù hợp.
Về giá đất để tính bồi thường: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 11, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ và Điểm b, Khoản 1, Điều 9 Quyết định số 499/2010/QĐ-UB ngày 11/02/2010 của UBND tỉnh thì giá đất để tính bồi thường là giá đất UBND tỉnh quy định và công bố hàng năm. Trường hợp giá đất UBND tỉnh công bố chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường tại thời điểm có quyết định thu hồi đất thì UBND cấp huyện xây dựng phương án giá đất báo cáo UBND tỉnh quyết định. Giá đất do UBND tỉnh quy định trong trường hợp này không bị giới hạn bởi khung giá Chính phủ quy định. Căn cứ các quy định trên, trong thời gian vừa qua tỉnh cũng đã ban hành rất nhiều quyết định điều chỉnh giá bồi thường sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường cho nhiều dự án trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát và đề nghị của UBND các địa phương, trong đó có thành phố Hạ Long để đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất.
3.2. Các nội dung kiến nghị theo Báo cáo số 109/ĐĐBQH ngày 18/10/2011 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh):
3.2.1 Cử tri các địa phương đề nghị Tỉnh có chính sách tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất và yêu cầu các doanh nghiệp nhận đất, ưu tiên giải quyết việc làm cho người dân địa phương bị thu hồi đất. Đồng thời đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.
- Về chính sách tạo việc làm cho người dân bị thu hồi đất:
Khi bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động trên địa bàn tỉnh được các chính sách hỗ trợ sau:
a) Được hỗ trợ theo tỷ lệ % diện tích đất bị thu hồi để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm theo quy định tại Quyết định số 499/2010/QĐ-UBND ngày 11/02/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh “Về chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp”, cụ thể:
- Hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại Khoản 1, Điều 22, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP được hỗ trợ bằng tiền để chuyển đổi nghề và tạo việc làm như sau:
+ Đối với đất trồng cây hàng năm, đất làm muối: hỗ trợ bằng 2,5 lần giá của loại đất đó;
+ Đối với các loại đất nông nghiệp còn lại: hỗ trợ bằng 2 lần giá của các loại đất nông nghiệp đó.
+ Diện tích được hỗ trợ quy định trên là diện tích đất thực tế bị thu hồi nhưng tối đa không quá hạn mức giao đất nông nghiệp của địa phương.
- Đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp được giao mà người trong độ tuổi lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu được học nghề thì được hỗ trợ 01 lần kinh phí để học một nghề bằng hình thức cấp thẻ học nghề (không chi trả trực tiếp bằng tiền cho người lao động).
Ủy ban nhân dân cấp cấp huyện phê duyệt kinh phí hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề đồng thời cùng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Kinh phí hỗ trợ chuyển về quỹ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề của tỉnh (qua Sở Lao động thương binh và xã hội) để được cấp thẻ học nghề cho người lao động.
b) Được ưu tiên cho vay vốn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động đối với lao động vùng bị thu hồi đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp theo Quyết định số 71/2005/QĐ-TTg ngày 5/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của quỹ quốc gia về việc làm.
c) Được hỗ trợ học nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.
d) Đối với người lao động có hộ khẩu thường trú tại Quảng Ninh từ đủ 12 tháng trở lên sẽ được nhận hỗ trợ chi phí học ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết; chi phí học nghề; chi phí khám sức khỏe khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 428/2012/QĐ-UB ngày 29/02/2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về chính sách đối với người lao động tỉnh Quảng Ninh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2011 - 2015.
Các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm đối với người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp ở trên cơ bản đầy đủ để giúp cho người lao động học nghề, vay vốn giải quyết việc làm trong nước hoặc tham gia xuất khẩu lao động. Ngoài ra, người lao động có thể tham gia tìm kiếm cơ hội việc làm tại sàn giao dịch việc làm được tổ chức một tháng 02 lần vào ngày 10 và 25 hàng tháng tại Trụ sở Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Ninh và tổ chức vào ngày 10 tại Chi nhánh Trung tâm Giới thiệu việc làm Quảng Ninh ở thành phố Móng Cái.
- Về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã được Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh hết sức quan tâm. Ngay từ những tháng đầu năm 2012, Tỉnh uỷ và UBND tỉnh đã thành lập các Đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các tổ chức trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
- Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 533-QĐ/TU ngày 04/01/2012 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn. Đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp trong việc quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 đến năm 2011. Kết quả Đoàn đã làm việc với 16 Đảng ủy gồm 14 huyện, thị xã, thành phố, Đảng ủy Than Quảng Ninh và Ban quản lý Vịnh Hạ Long, đồng thời kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 37 đơn vị, doanh nghiệp và 03 khu vực thuộc Vịnh Hạ Long (gồm: Thị xã Quảng Yên 03 đơn vị; huyện Hoành Bồ03 đơn vị; thành phố Cẩm phả 05 đơn vị; huyện Vân Đồn 03 đơn vị; huyện Hải Hà 01 đơn vị; huyện Đông Triều 03 đơn vị; huyện Tiên Yên 03 đơn vị; thành phố Hạ Long 07 đơn vị; thành phố Uông Bí 03 đơn vị; Đảng ủy Than Quảng Ninh 03 đơn vị; Ban quản lý Vịnh Hạ Long 03 khu vực thuộc Vịnh Hạ Long).
- Ngoài ra trong năm 2012, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trườngg đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra (Kế hoạch số 115/KH-TTr ngày 30/11/2011), trong đó tập trung thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước trong hoạt động khai thác khoáng sản (than), sản xuất thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh. Kiểm tra việc xử lý chất thải của các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra việc xử lý nước thải của các chợ thuộc địa bàn thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả. Hậu kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lĩnh vực khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường đối với các đơn vị có hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh (Việc thực hiện các yêu cầu kiến nghị của Đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập theo Quyết định số 2947/QĐ-UBND ngày 19/9/2011 của UBND tỉnh).
- UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trườngg xây dựng kế hoạch phối hợp với Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), Ban quản lý Vịnh Hạ Long kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn toàn tỉnh và trên Vịnh Hạ Long.
- Để nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo việc lập Quy hoạch bảo vệ môi trường chi tiết cho 14 huyện, thị xã, thành phố; lập Quy hoạch bảo vệ môi trường tổng thể tỉnh Quảng Ninh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; lập mới Quy hoạch tổng thể bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long. Xây dựng; củng cố và hoàn thiện hệ thống mạng điểm quan trắc môi trường của tỉnh, trước mắt ưu tiên đầu tư xây dựng mạng điểm quan trắc môi trường tự động (24/24 giờ) ở các vùng kinh tế, dân cư trọng điểm của tỉnh.
Trên đây là kết quả giải quyết một số kiến nghị của cử tri nhiều địa phương quan tâm gửi tới Kỳ họp thứ 4, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XII, Uỷ ban nhân dân tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
Liên kết website
Ý kiến ()