Tổng thống Zelensky rời Washington với lời hứa của Mỹ về khoản hỗ trợ an ninh 1,85 tỷ USD, nhưng đối mặt áp lực chứng minh hiệu quả trên chiến trường.
Khi tới Mỹ tuần này trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi chiến sự bùng nổ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhận được nhiều cam kết mạnh mẽ từ người đồng cấp Joe Biden lẫn sự ủng hộ nồng nhiệt từ đa số giới lập pháp Mỹ.
Với chuyến thăm được lên kế hoạch trong10 ngày, ông Zelensky đã nhận được đảm bảo rằng dòng viện trợ vũ khí chủ lực cho Ukraine từ Mỹ sẽ được duy trì, ít nhất là trong vài tháng tới.
Nhà Trắng cũng đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới trị giá1,85 tỷ USDcho Kiev, trong đó có một khẩu đội tên lửa phòng không Patriot, được kỳ vọng sẽ củng cố năng lực phòng không cho Ukraine và đối phó chiến thuật tập kích của Nga nhắm vào hạ tầng năng lượng nước này.
Phát biểu trước quốc hội Mỹ, ông Zelensky đã chọn nói bằng tiếng Anh mà không cần qua phiên dịch, nhằm truyền tải thông điệp trực tiếp đến cử tri Mỹ. Ông gửi đến các nghị sĩ Mỹ lá cờ Ukraine có chữ ký của binh sĩ từ thành phố tiền tuyến Bakhmut. Ở Nhà Trắng, ông gửi tới Tổng thống Biden huân chương từ một quân nhân Ukraine và tuyên bố Kiev đang đấu tranh vì những giá trị "dân chủ và tự do" như tinh thần của phương Tây.
Những hành động mang tính biểu tượng này đều nhằm tạo ấn tượng Ukraine không phải là một chiến trường xa lạ với người dân Mỹ, qua đó duy trì mức ủng hộ trong dư luận Mỹ dành cho Ukraine.
Tuy nhiên, cũng tại buổi phát biểu của ông Zelensky trước quốc hội Mỹ, số nghị sĩ Cộng hòa tham dự ít hơn kỳ vọng. Đây được coi là một trong những tín hiệu có thể khiến lãnh đạo Ukraine lo lắng, trong bối cảnh đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ vào tháng sau.
Trong hai năm tới, chính quyền Tổng thống Biden sẽ phải thông qua mọi gói ngân sách tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, kể cả những đề xuất chuyển vũ khí cho Ukraine. Một số nghị sĩ Cộng hòa trong vài tháng qua đã lên tiếng phản đối tăng viện trợ cho Ukraine, do tổng giá trị viện trợ đến nay đã quá lớn.
Washington tính đến nay đã cung cấp các khoản hỗ trợ ước tính 50 tỷ USD, trong đó có khoảng 20 tỷ USD hỗ trợ an ninh, nhằm giúp Ukraine đối phó chiến dịch quân sự của Nga.
Ngoài một tổ hợp Patriot, Tổng thống Zelensky đã không thể thuyết phục được Mỹ cung cấp các loại vũ khí tấn công có hỏa lực mạnh hơn cho Ukraine. Tổng thống Biden từ lâu đã không mặn mà với ý tưởng chuyển giao những khí tài có thể khiến căng thẳng với Nga leo thang ngoài tầm kiểm soát.
Quốc hội Mỹ lẫn chính quyền Biden không muốn bổ sung vào danh sách viện trợ nhiều khí tài uy lực lớn mà Ukraine yêu cầu, trong đó có máy bay không người lái (UAV) hỏa lực mạnh như Reaper và Grey Eagle, tiêm kích F-16 hay Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Bộ binh (ATACMS) tầm xa.
"Tôi đã dành hàng trăm tiếng trao đổi trực tiếp với các đồng minh châu Âu. Tôi đã trình bày vì sao các nước nên tiếp tục hỗ trợ Ukraine nhằm bảo vệ lợi ích của chính họ. Họ đều hiểu rõ điều này, song không ai muốn bước vào một cuộc xung đột trực tiếp với Nga", ông Biden chia sẻ trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine.
Giới lập pháp Mỹ cũng từ chối đề nghị của Ukraine đưa Nga vào danh sách "quốc gia tài trợ khủng bố". Thay vào đó, Washington dự kiến thông qua đạo luật xem Nga là "quốc gia hung hăng", động thái vừa tăng mức chỉ trích Moskva, vừa không phá bỏ hoàn toàn mọi cơ hội đàm phán giữa hai phía.
Những động thái trên cho thấy sự ủng hộ của Mỹ dành cho Ukraine cũng có giới hạn nhất định, theo giới chuyên gia. Kiev do đó cần phải chứng minh được hiệu quả tác chiến trên chiến trường để có thể duy trì dòng viện trợ của phương Tây, cũng như làm giảm áp lực ngồi vào bàn đàm phán với Moskva trong thế bất lợi.
"Trong vài tháng tới, Ukraine vẫn có lợi thế về hỗ trợ tài chính từ Mỹ lẫn các đồng minh và đối tác châu Âu", Luke Coffey, chuyên gia quốc phòng thuộc Viện Hudson của Mỹ, nhận định. "Dù vậy, chúng ta cần nhận thức rằng cuộc chiến này sẽ được tính bằng năm, chứ không chỉ kéo dài thêm vài tháng. Các bên sẽ cần lập kế hoạch phù hợp".
Coffey dự báo rằng trong thời gian tới, quân đội Ukraine có thể mở đợt tiến quân mới thọc sâu vào vùng lãnh thổ Nga đang kiểm soát, hướng đến thành phố Melitopol ở phía nam. Nếu chiến dịch phản công này đạt kết quả tốt, ông Zelensky có thể tiếp tục kỳ vọng vào nguồn viện trợ lâu dài từ phương Tây.
Theo Michael Horowitz, trưởng nhóm phân tích tình báo tại tổ chức tư vấn an ninh LeBeck International, những đồng minh của Ukraine đang lo ngại liệu mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ Nga đang kiểm soát mà ôngZelenskytheo đuổi có khả thi hay không.
Nga cũng đang khoét sâu vào tâm lý hoài nghi đó bằng nhiều chiến thuật, trong đó có cắt giảm nguồn năng lượng tới phương Tây và tăng cường tập kích hạ tầng dân sự ở Ukraine.
"Trong khi chiến dịch quân sự của Nga có dấu hiệu chững lại, Tổng thống Vladimir Putin đang đánh cược vào tâm lý mệt mỏi vì chiến sự, tồn tại cả trong lẫn ngoài Ukraine, để cuối cùng buộc Kiev phải chấp nhận thỏa hiệp", Horowitz phân tích. "Điều Ukraine cần nhất trong vài tháng tới là thắng lợi quân sự. Chiến thắng sẽ là cách duy nhất để khắc chế tâm lý mệt mỏi".
Nhưng chuyên gia Luke Coffey cảnh báo tìm kiếm thắng lợi trên chiến trường không phải nhiệm vụ dễ dàng cho Kiev. Cục diện chiến trường đang trở nên bế tắc giữa hai bên, điển hình là những gì đang diễn ra ở chiến trường Bakhmut thuộc vùng Donbass.
Nga vài tháng qua dồn lực tấn công Bakhmut nhưng không đạt được bước tiến đáng kể. Giới lãnh đạo quân sự Ukraine muốn mở một mũi phản công mới ở phía bắc Bakhmut để giải tỏa áp lực cho thành phố, nhưng địa hình lầy lội đang cản trở đà tiến của họ
Mykola Bielieskov, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia của Ukraine, cho rằng với cục diện hiện nay, cuộc chiến sẽ kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, trước khi các bên có thể tung ra đòn đánh mang tính quyết định nhắm vào đối phương.
Seth Jones, chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) tại Washington, cho rằng những gì Tổng thống Zelensky đạt được từ chuyến thăm Mỹ là rất đáng khích lệ, nhưng chưa đủ để thay đổi tình hình. Nga đang hướng đến mục tiêu kéo dài chiến sự qua mùa đông và sẵn sàng dồn mọi nguồn lực cho tính toán này. Cuộc chiến càng kéo dài, mức ủng hộ dành cho Ukraine càng dễ suy giảm ở phương Tây.
"Chúng ta không đặt ra giới hạn về ngân sách quốc phòng. Đất nước và chính phủ sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của quân đội Nga", Tổng thống Putin ngày 22/12 tuyên bố, trong khi ông Zelensky đang ở thăm Mỹ.
Ý kiến ()