Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 10:59 (GMT +7)
Khả năng giá điện sẽ vượt 2.000 đồng/kWh
Thứ 7, 08/04/2023 | 14:59:17 [GMT +7] A A
Để bằng với giá thành sản xuất năm 2022, mức giá bán lẻ điện bình quân sẽ phải tăng 167,82 đồng/kWh, tương ứng mức giá bán lẻ là 2.032,26 đồng/ kWh. Như vậy, mức tăng giá điện bán lẻ bình quân khoảng 9%.
Áp lực tăng giá điện lên EVN lớn cỡ nào?
Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng rất cao, giá bán lẻ điện bình quân nhiều năm chưa được điều chỉnh khiến EVN mất cân đối tài chính, chỉ giữ được khoản lỗ năm 2022 ở mức 26.235,78 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cho biết, khoản lỗ năm 2022 chủ yếu là chi phí mua điện đầu vào giá cao.
Thực tế cho thấy, giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện như than, khí, dầu tăng rất cao so với năm 2020. Đặc biệt là than, giá tăng gấp 3 lần, có thời điểm tăng 4 - 5 lần. Giá dầu tăng gấp đôi. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến đầu vào mua điện tăng cao.
Trước khó khăn này, EVN đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, đặc biệt là cắt giảm chi phí sửa chữa lên đến 30%; tiết kiệm trong các khâu sản xuất được 10.000 tỉ đồng; tối ưu hệ thống vận hành nguồn thủy điện để có chi phí hợp lý.
"Các yếu tố đầu vào, đặc biệt là nhiệt điện than giá cao gấp nhiều lần dẫn tới khoản lỗ 36.294,15 tỉ đồng. Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, bản thân EVN phải nỗ lực rất lớn, để cuối cùng lỗ hơn 26.235 tỉ đồng" - ông Nguyễn Xuân Nam nói.
Theo ông Nam, tình hình tài chính của EVN hiện nay rất khó khăn và tập đoàn đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành để có tháo gỡ. Bởi theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ thì với chi phí sản xuất điện hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân phải được điều chỉnh. Nhưng trong 4 năm qua, giá bán lẻ điện bình quân không được điều chỉnh, trong khi giá nhiều nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao.
Theo Bộ Công Thương, đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN gồm đại diện các bộ, ngành Trung ương, căn cứ trên các tài liệu do tập đoàn và các đơn vị thành viên cung cấp. Trong đó, có báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán bởi Công ty TNHH Deloitte Việt Nam; báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán.
Qua kiểm tra, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 419.031 tỉ đồng, năm 2022 là hơn 493.265 tỉ đồng, bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành.
Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2021 là 1.859,90 đồng/kWh, tăng 1,84% so với năm 2020. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đồng/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.
Theo kết quả kiểm tra được Bộ Công Thương công bố, sản lượng, doanh thu bán điện thương phẩm của EVN trong năm 2021 và 2022 đều tăng nhưng tập đoàn này liên tiếp lỗ nặng.
Giá điện tăng thế nào?
Dựa trên những số liệu về chi phí sản xuất, kinh doanh điện, Bộ Công Thương và EVN sẽ tính toán, đề xuất điều chỉnh giá bán lẻ điện trong năm nay. Với kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của EVN vừa được công bố và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân mới ban hành (1.826,22 - 2.444,09 đồng/kWh), vậy phương án tăng giá điện sẽ là bao nhiêu?
Năm 2019, khi Chính phủ cho tăng giá điện từ ngưỡng 1.721 đồng/kWh vào năm 2018 lên 1.864,44 đồng/kWh (từ tháng 3.2019), giá điện bình quân tăng tương đương 8,36%.
Tuy nhiên, giá thành sản xuất điện năm 2019 so với năm 2018 cũng chỉ tăng trên 7,03%, thấp hơn nhiều của năm 2022 so với năm 2021 (9,27%).
Nếu trường hợp giá điện tăng bằng với mức 8,36% như hồi năm 2019 sau khi đã tính toán bù trừ các chi phí khác, giá điện bán lẻ sẽ tăng thêm 155,87/kWh, tương ứng mức giá bán lẻ bình quân năm 2023 dự đoán sẽ vào khoảng 2.020,31 đồng/kWh. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn so với giá thành sản xuất năm 2022.
Trường hợp để bằng với giá thành sản xuất năm 2022, mức giá bán lẻ điện bình quân sẽ phải tăng 167,82 đồng/kWh, tương ứng mức giá bán lẻ là 2.032,26 đồng/ kWh. Như vậy, mức tăng giá điện bán lẻ bình quân khoảng 9%.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()