Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 07:54 (GMT +7)
Khắc khoải những câu thơ về than của Trần Đình Nhân
Thứ 3, 05/10/2021 | 10:09:08 [GMT +7] A A
Trần Đình Nhân bước lên từ đáy mỏ, văn chương của ông là văn chương lấm láp đời sống, tiếng nói của người lao động.
Nhà thơ Trần Đình Nhân sinh ngày 8/9/1957, nguyên quán ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, từng là thợ mỏ Công ty CP Than Cọc Sáu. Những ai biết ông qua thơ ngoài cảm ông về tài năng còn phục ông về ý chí và nghị lực. Năm Trần Đình Nhân mới 11 tháng tuổi, ông bị cảm nắng suýt chết, rồi may mắn khiến cậu bé sống lại, nhưng di chứng suốt đời là giọng nói không còn lưu loát nữa. Cũng vì thế mà thành thơ: “Ta cô đơn từ trong bụng mẹ/ Đứa trẻ đầu thai giữa thế kỷ hai mươi/ Cất tiếng chào đời đã biết mình ngọng nghịu/ Một lần bó chiếu/ Đem chôn/ Ta/ Trở lại mặt trời/ Biết ơn người say rượu/ ông đã ngả lưng vào trời thẳm/ mơ giấc mơ của triệu tinh cầu/ khi tỉnh giấc thấy ta ngọ nguậy/ Mẹ ta khóc đến không còn nước mắt…”. (Cuối trời mây trắng)
Sau khi học xong lớp 7 trường làng, Trần Đình Nhân theo người thân ra Vùng mỏ lập nghiệp. Công việc đầu tiên của ông lúc đó là đi gom ty buộc cáp, choòng khoan, làm thợ sửa ô tô. Và cũng từ đây, Trần Đình Nhân bắt đầu bén duyên với văn chương. Ông quanh quẩn ghi chép những sự việc xung quanh mình và gửi cho Đài truyền thanh nội bộ của Mỏ Cọc Sáu rồi chuyển sang viết cho báo tường, đồng thời gửi cho Báo Quảng Ninh.
Ông cũng bắt đầu sáng tác thơ ca, viết truyện ngắn. Từ bài thơ “Đợi” lần đầu được đăng trên Báo Hạ Long năm 1987, người ta tiếp tục biết đến cái tên Trần Đình Nhân qua những tác phẩm như tập thơ đầu tay mang tên “Vàng thu”, Nhà xuất bản Văn học 1997, tập truyện “Chú mèo hoang” - Nhà xuất bản Kim Đồng năm 2000. Năm 2002, Trần Đình Nhân cho ra mắt tập truyện dài “Truyện ở làng”. Năm 2003, nhân một chuyến về thăm Mỏ than Cọc Sáu, Chủ tịch Hội đồng quản trị TKV Đoàn Văn Kiển quyết định gửi Trần Đình Nhân về văn phòng Mỏ để chuyên tâm cho sự nghiệp sáng tác.
Khoảng thời gian sau đó, Trần Đình Nhân đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm như: Tập ký “Dấu chân ở lại” (2009), tập truyện ngắn “Chú khỉ mồ côi và ông thầy lang” (2013). Trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức từ 2010 đến 2014, Quảng Ninh có 4 người được trao giải. Trần Đình Nhân được giải tư với chùm thơ “Người ở mỏ”. Sau đó tuyển tập “Thơ tình Trần Đình Nhân” (2015) cùng với nhiều tập sách khác nữa đã ra mắt độc giả.
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 80 năm truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than, Trần Đình Nhân đã cho ra mắt tuyển tập thơ “Tôi và Than” (Nhà xuất bản Văn học năm 2016) với 80 bài thơ nói lên vẻ đẹp quê hương vùng mỏ cùng những nét đẹp trong lao động của những người thợ mỏ. 80 bài được tác giả tuyển chọn một cách có chủ ý như một sự tri ân, bày tỏ tình yêu mãnh liệt của Trần Đình Nhân với Vùng than và thợ mỏ. Tập sách là tình yêu cháy bỏng mà Trần Đình Nhân đã viết cho mình, cho đồng nghiệp, cho mảnh đất, con người vùng Than.
Từng là người trong cuộc cho nên nhà thơ Trần Đình Nhân thấu suốt sự vất vả, lam lũ như đã ngấm vào máu, vào hơi thở và đã thành ý chí, thành tinh thần bất khuất của người thợ mỏ. Sống ở nơi mênh mang gió bụi, vật vã và thơ mộng, không mấy ai như cựu thợ mỏ Trần Đình Nhân tái hiện được tất cả tình yêu ấy qua những trang thơ.
Trần Đình Nhân khắc hoạ cuộc sống thực tại một cách chân thực: “Đêm cuối năm tầng mỏ trắng hơi sương/ Đêm thao thức bốn mùa như trở lại/ Cái nóng vùng than, mồ hôi không kịp chảy/ Cái rét vùng than, rét sẫm bờ lau trắng/ Cơn mưa vùng than thác dội từ trời/ Cái khốc liệt ngấn vàng khoé mắt/ Lo toan dày bàn tay...”. Thơ Trần Đình Nhân có nhiều sự đúc kết về người thợ mỏ: “Thợ mỏ ít lời hoa mỹ/ Tiếng thường lớn như chiều động biển/ Thẳng như tiếng búa, tiếng đe...”. Hoặc: “Luôn phải ngược chiều gió/ Mở vách những đường lò/ Luôn phải ngược chiều gió/ Đi tiếp tầm moong sâu/ Thợ mỏ.../ Chưa bao giờ dừng bước/ Ngay trước chiều bão giông...” v.v..
Vì quá yêu thương, vì quá gắn bó với vùng than, với người thợ mỏ, nên thơ Trần Đình Nhân mang âm hưởng ngợi ca. Nhà thơ Vũ Ngọc Thấn, nguyên Chánh Văn phòng Công ty CP Than Cọc Sáu, chia sẻ: Cuộc sống của Trần Đình Nhân nhọc nhằn vất vả với 25 năm lao động trực tiếp trên tầng mỏ. Nhưng anh sống thật, lương thiện và thẳng thắn, thậm chí có cả chút ngang tàng, gai góc. Có lẽ chính cá tính này đã làm nên một Trần Đình Nhân hôm nay: Ta làm ngôi sao lạc/ Ta đi giữa các thiên hà. Mãi năm 2003, anh mới có cơ may về văn phòng mỏ để chuyên tâm việc sáng tác. Nhưng tôi dám chắc nếu không có những năm tháng lăn lộn trên tầng mỏ, anh sẽ không có được tài sản thi ca ngày hôm nay. Tôi đã thấy tình yêu của anh lắng đọng với mảnh đất mà anh đã cả đời lam lũ, khắc khoải ngay cả với những tháng năm nhọc nhằn của mình”.
Phải có vốn sống sâu sắc mới viết được những câu thế này: "Đường xuống moong ngày một sâu hơn/ Trời cũng thế, trời cao thêm mãi/ Mỗi mùa than, một lần mê mải/ Bớt đói nghèo! Đâu bớt gian lao”. Hay như: "Có nắng nơi nào như nắng nơi đây/ Nắng đến nỗi tưởng chừng chui từ đáy mỏ/ Đến ngọn gió cũng mỏng tang như lá cỏ/ Cô liêu tựa kiếp không nhà... Ai đã qua mùa nắng nơi đây/Mới thấy hết tình yêu khắc nghiệt/ Mới thấy hết dòng than thao thiết/ Bàn tay người trong nắng xối chang chang" (Nắng mỏ). Mùa hạ đã vậy, mùa đông ở mỏ cũng khắc nghiệt chẳng kém: "Mùa đông về ở mỏ lạnh tê vai/ Cái khắc nghiệt nằm trong từng mắt lá/ Mỗi hòn than mang một màu buốt giá/ Lại nồng nàn như nỗi nhớ sang nhau” Hay như: "Có thể nào kể hết không em/ Mùa đông ở mỏ như hồng hoang ở lại/ Anh khao khát một thời dù xa ngái/ Làm câu thơ ngược gió chặn đêm hàn”.
Nhà thơ Nguyễn Thị Xuân, nguyên thợ mỏ Công ty Than Cẩm Phả, chia sẻ: Các tác phẩm của Trần Đình Nhân đều thấm đẫm mồ hôi người thợ và lấp lánh trí tuệ của người sáng tạo. Đã có không ít ý kiến cho rằng, thơ về đề tài công nghiệp thường xù xì, gai góc, thô ráp. Thơ về đề tài công nghiệp khó viết, khó đọc, khó vào. Tuy nhiên, bằng những thi phẩm ra đời từ chiều sâu cảm xúc và nghệ thuật thi ca đích thực, Trần Đình Nhân đã chứng minh điều ngược lại. Nhiều bài thơ thuần túy về đề tài công nghiệp của anh đã chịu được sự thử thách của thời gian, luôn ám ảnh và có sức lan tỏa. Chính bút pháp cao tay, cách sử dụng ngôn ngữ tinh tế, hàm súc cùng những hình ảnh thơ mới lạ, có chọn lọc đã làm nên sức hấp dẫn đặc biệt của những tác phẩm thơ Trần Đình Nhân, khiến bài thơ viết về đề tài khô cứng, thô ráp trở nên giàu cảm xúc, thấm đẫm chất nhân văn.
Đến nay, Trần Đình Nhân vẫn mải miết theo đuổi mảng đề tài thợ mỏ. Năm 2020, ông là hội viên thứ 14 của Quảng Ninh được kết nạp trở thành hội viên hội nhà văn Việt Nam. Đây là một ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực, miệt mài sáng tác của ông. Thơ Trần Đình Nhân được bạn đọc thích, có lẽ do ông viết, cũng như ông sống vậy, rất hết mình. Và nếu tách ra ở một môi trường khác, không khéo lại lạc điệu, Trần Đình Nhân chỉ viết hay khi đắm đuối với than: "Mùa than cũng nhặt cũng thưa/ Cũng chông chênh bão, sớm trưa mặt người/ Cũng trong đục cũng khóc cười/ Cũng chờ cũng đợi đứng ngồi với than/ Mùa than sậm cả gió ngàn/ Còn trông sóng cả biển gần sông xa”.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()