Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:11 (GMT +7)
Khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
Thứ 3, 04/01/2022 | 17:58:51 [GMT +7] A A
Ngày 4/1, tại Hà Nội, Quốc hội khóa XV đã tổ chức phiên khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất theo hình thức trực tuyến tới 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố. Dự phiên khai mạc tại điểm cầu Nhà Quốc hội có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.
Tại điểm cầu Quảng Ninh có các đồng chí: Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Vi Ngọc Bích, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong bối cảnh năm 2021 và nhất là quý III/2021, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc đã lây lan nhanh, mạnh, diễn biến hết sức phức tạp, tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhờ vào sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc chuyển hướng chiến lược nhiệm vụ phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Trên cơ sở yêu cầu cấp thiết của đất nước, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách như: Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, xem xét, thông qua Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Điện lực; Luật Doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Buổi chiều, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, trong nội dung dự thảo, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về một số chính sách tài khóa, tiền tệ như: Tăng bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) để có nguồn thực hiện Chương trình với tổng số tiền là 240.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023; trong đó năm 2022 khoảng 102.800 tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi NSNN lên 5,08% GDP (tăng thêm khoảng 1,1% GDP so với dự toán NSNN năm 2022 đã được Quốc hội thông qua). Cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%. Quốc hội giao Chính phủ xây dựng phương án phân bổ dự toán NSNN và phương án bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các chương trình, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đủ thủ tục theo quy định. Đồng thời, tiếp tục miễn, giảm thuế khoảng 64.000 tỷ đồng trong năm 2022 và tính vào bội chi NSNN tương ứng.
Thảo luận tại tổ về các nội dung của dự thảo, các Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Ninh đều thống nhất cao với nội dung dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc, chấp nhận bội chi NSNN ở mức cao hơn; mạnh dạn miễn một số loại thuế, miễn bảo hiểm xã hội trong khoảng thời gian mà doanh nghiệp chịu ảnh hưởng năng nề thay vì giảm hay chuyển sang kỳ tới; miễn giảm đóng bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn thay vì chỉ là hoãn thời gian.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét một số giải pháp điều chỉnh các lãi suất hiện hành, cho phép sự cạnh tranh nhất định về cung cấp tín dụng ở các nhóm ngân hàng tốt; thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay đối với một số ngành nghề và lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; đơn giản thủ tục và điều kiện bảo lãnh để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn một cách kịp thời. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình sử dụng hiệu quả khoản tăng bội chi ngân sách, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm.
Dự kiến, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra đến hết ngày 11/1/2022.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()