Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 09:25 (GMT +7)
Khai mạc Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XIII
Thứ 2, 07/12/2020 | 08:27:17 [GMT +7] A A
Sáng 7/12, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh (TP Hạ Long), HĐND tỉnh khoá XIII tổ chức khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 21 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2020.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Vũ Hồng Thanh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Quang cảnh kỳ họp. |
* 8h05': Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: * Quảng Ninh hoàn thành "mục tiêu kép" của năm Covid -19. Năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là trong các ngành dịch vụ, du lịch... Song, với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, Chính quyền, hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang, Nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh; đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, nhạy bén, khoa học, quyết liệt của Tỉnh ủy- HĐND- UBND tỉnh, của các cấp, các ngành đã luôn luôn bám sát thực tiễn và sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Quốc hội; phát huy ý chí tự lực, tự cường, chung sức, đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, nhất quán, kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”. Ưu tiên cao nhất là công tác phòng, chống dịch COVID-19, chăm lo bảo đảm an toàn sức khỏe nhân dân và khách du lịch, công nhân lao động các ngành sản xuất, chưa để bất kỳ người dân nào bị nhiễm Covid-19; vừa tập trung chuẩn bị tốt và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, có nhiều đổi mới, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng; vừa ổn định kinh tế - xã hội, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng. Tăng trưởng GRDP cả năm ước đạt 10,05%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 49.300 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và dự toán đầu năm, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; khởi công mới và hoàn thành nhiều công trình, dự án giao thông có ý nghĩa chiến lược và các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo mang tính động lực. An sinh, phúc lợi xã hội được chăm lo, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, diện mạo thành thị và nông thôn thay đổi rõ rệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng được cũng cố, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký phát biểu khai mạc Kỳ họp. |
Nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng, những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ năm 2021, đồng chí Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh có nhiệm vụ rất quan trọng, sẽ xem xét các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết, thảo luận và quyết nghị những vấn đề quan trọng của tỉnh. Trong đó có: Đánh giá sâu sắc tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 trước tác động của đại dịch Covid-19; triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; triển khai khâu đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 xác định; dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2021 và quyết định một số cơ chế, chính sách quan trọng về hỗ trợ kích cầu du lịch, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động KHCN, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ một số đối tượng trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh,...; HĐND tỉnh sẽ nghe báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh về công tác xây dựng chính quyền năm 2020 và những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp.
Các đại biểu dự họp thực hiện nghi thức chào cờ. |
Với tinh thần khẩn trương, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp, thời gian qua, Thường trực, các ban HĐND tỉnh đã tích cực phối hợp với UBND tỉnh cùng các cơ quan liên quan tích cực, chủ động chuẩn bị khá chu đáo các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo Nghị quyết nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục theo Luật định để trình kỳ họp; trong đó, có nhiều nội dung về cơ chế chính sách đã được HĐND tỉnh tiến hành giám sát, khảo sát, thẩm tra rất công phu, kỹ lưỡng để các đại biểu HĐND tỉnh xem xét, thảo luận, quyết định. Các tài liệu cũng đã gửi sớm đến các vị đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu khách mời để có thời gian nghiên cứu và công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để nhân dân, cử tri quan tâm theo dõi, tham gia đóng góp ý kiến.
Chủ toạ kỳ họp. |
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu tham dự kỳ họp đề cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ nghiên cứu kỹ các tờ trình, đề án, dự thảo nghị quyết, các báo cáo thẩm tra trình kỳ họp, sôi nổi thảo luận tại tổ và hội trường đi thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm; dân chủ, bàn bạc và thống nhất quyết nghị thông qua các nghị quyết.
-----------------------------------***--------------------------------------
Tiếp tục chương trình kỳ họp, chiều 7/12, các đại biểu đã nghe một số báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh thuộc thẩm quyền; chia tổ thảo luận về một số nội dung trọng tâm đã đề ra tại Kỳ họp.
-----------------------------------***--------------------------------------
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khoá XIII, chiều 7/12, các đại biểu đã chia 5 tổ thảo luận. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ toạ Kỳ họp, định hướng nội dung thảo luận.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, thời gian qua, Thường trực, các ban HĐND tỉnh đã tích cực phối hợp với UBND tỉnh cùng các cơ quan liên quan tích cực, chủ động chuẩn bị khá chu đáo các báo cáo, tờ trình, đề án, dự thảo Nghị quyết nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục theo Luật định để trình kỳ họp. Trong đó, có nhiều nội dung về cơ chế chính sách đã được HĐND tỉnh tiến hành giám sám đánh giá các cơ chế chính sách liên quan, khảo sát, thẩm tra rất công phu, kỹ lưỡng để trình các đại biểu HĐND tỉnh xem xét, thảo luận và quyết định.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ toạ Kỳ họp, định hướng nội dung thảo luận. |
Đồng chí đề nghị, các đại biểu trên tinh thần làm việc nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung đánh giá sâu sắc những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020. Làm rõ những kinh nghiệm, bài học trong thực hiện nhiệm vụ năm 2020, để xây dựng phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2021, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu cao hơn, theo tinh thần chủ đề công tác năm 2021 là “Giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng”. Trong đó, tiếp tục tìm dư địa phát triển để đạt tăng trưởng GRDP năm 2021 cao hơn, nhất là dư địa các lĩnh vực dịch vụ cảng biển, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, phát triển nông nghiệp công nghệ cao,… Cùng với đó, cần thảo luận các chỉ tiêu nhiệm vụ về ngân sách; chương trình xây dựng Nông thôn mới, đảm bao an sinh xã hội,…
Liên quan đến các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Kỳ họp, đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận vào tính pháp lý, cơ sở thực tiễn để ban hành nghị quyết; chú trọng vào các nội dung của nghị quyết như: Đối tượng chịu tác động, các cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện... Đồng thời, quan tâm thảo luận một số kiến nghị, đề xuất qua thẩm tra của các ban HĐND tỉnh.
13h46’: Đồng chí Bùi Thị Hương, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh: Nội dung báo cáo, tờ trình đảm bảo chặt chẽ, đúng luật, phù hợp với quá trình phát triển của tỉnh
Đồng chí Bùi Thị Hương, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh. |
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã xem xét, thẩm tra các báo cáo, tờ trình do UBND tỉnh trình, bao gồm: Tình hình phát triển KT-XH năm 2020, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021 và dự thảo nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Quy định phân cấp nhiệm vụ chi phát triển, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025; Dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương, phương án phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2021; Phê chuẩn tổng quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2019; Một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động Khoa học và Công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025; Thông qua danh mục các dự án, chương trình trọng điểm ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; Chủ trương đầu tư các dự án triển khai trong Kế hoạch đầu tư công năm 2021; Một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2021; Danh mục nhà, đất phải di dời theo quy hoạch trên địa bàn TX Đông Triều, TP Uông Bí và huyện Vân Đồn; Việc sửa đổi, điều chỉnh Nghị quyết số 119/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của HĐND tỉnh về việc thông qua điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (đối với quy hoạch mỏ cát san lấp tại phường Bình Ngọc, thành phố Móng Cái); Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để thực hiện dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đợt 4 năm 2020; Tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và Kế hoạch đầu tư công năm 2021; Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp năm 2021…
Qua thẩm tra, các báo cáo, tờ trình đều đảm bảo chặt chẽ, đúng luật, phù hợp với quá trình phát triển của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, mục tiêu, giải pháp thực hiện được các báo cáo, tờ trình đề cập. Đề nghị HĐND tỉnh xem xét, ban hành các Nghị quyết theo đúng luật định.
13h30': Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Huệ: Các nghị quyết mới phải sát với thực tế, có ý nghĩa thiết thực, có thể nhanh chóng triển khai và sớm đi vào cuộc sống.
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Huệ trình bày trước HĐND tỉnh tóm tắt báo cáo thẩm tra của Ban về một số nội dung. |
Cụ thể, tại Kỳ họp, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Huệ đã trình bày tóm tắt các báo cáo thẩm tra của Ban thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh giao. Gồm: Báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2021. Báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp năm 2021. Báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tham gia tố tụng giải quyết các vụ án hành chính năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp năm 2021. Thẩm tra báo cáo của UBND tỉnh về tình hình, kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021, hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021:
Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh trong quá trình xây dựng các dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh quyết định phải đảm bảo chặt chẽ quy trình, trình tự, thủ tục ban hành nghị quyết theo quy định của pháp luật; định kỳ hàng năm phải quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, kịp thời khắc phục hạn chế, vướng mắc; thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện, kịp thời đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ để đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và quản lý nhà nước của địa phương...
Đối với việc Thẩm tra 4 nghị quyết thuộc thẩm quyền của Ban:
- Về thông qua biên chế khối đảng, đoàn thể; quyết định giao biên chế công chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Quảng Ninh năm 2021.
Theo đó, trên cơ sở số biên chế được Trung ương giao, thẩm định năm 2021 và hiện trạng quản lý, sử dụng biên chế năm 2020 của tỉnh, thống nhất số liệu như nội dung trình UBND tỉnh và dự thảo nghị quyết, cụ thể: Biên chế khối đảng, đoàn thể: 1.409 chỉ tiêu; biên chế công chức khối cơ quan hành chính nhà nước: 2.360; viên chức: 24.450; hợp đồng 68: 549; số lượng định biên giao cho các Hội đặc thù: 79.
- Về hỗ trợ kinh phí nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị sửa tên Dự thảo nghị quyết là: “Nghị quyết quy định về một số nhiệm vụ giải pháp nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025". Đồng thời góp ý một số nội dung về bố cục, kết cấu của Dự thảo nghị quyết.
Đối với 2 Dự thảo nghị quyết về việc quy định mức phụ cấp, trợ cấp đối với lực lượng dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh; và việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở tách từ Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Quảng Ninh.
Ban Pháp chế HĐND tình cơ bản đồng tình với nội dung các Dự thảo nghị quyết; đề nghị sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện một số vấn đề liên quan đến văn phong, cách trình bày, bố cục...
-----------------------------------***--------------------------------------
11h55': Đồng chí Trần Thị Thu Hoài, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh: Nhất trí với 3 tờ trình về chính sách hỗ trợ học nghề, chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cơ chế chính sách đặc thù đối với đội bóng chuyền nữ
Đồng chí Trần Thị Thu Hoài, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh. |
Cụ thể, sau khi thẩm tra nội dung 3 tờ trình: Tờ trình về chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ kinh phí, học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Tờ trình về chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; Tờ trình về việc ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đối với huấn luyện viên, vận động viên, nghệ nhân tỉnh Quảng Ninh; cơ chế chính sách đặc thù đối với đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh, giai đoạn 2021 - 2025. Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đồng tình thống nhất, kính trình HĐND tỉnh xem xét, thảo luận và thống nhất thông qua.
Hết phiên làm việc buổi sáng 7/12.
11h45': Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trình bày Tờ trình về Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh năm 2021, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh: Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ trong năm 2021 của HĐND tỉnh gồm: Kỳ họp thường lệ giữa năm dự kiến diễn ra vào tháng 7/2020 và sẽ xem xét thông qua 2 báo cáo, 7 Nghị quyết. Kỳ họp thường lệ cuối năm 2021 dự kiến diễn ra vào tháng 12/2021 và sẽ xem xét thông qua 1 báo cáo, 9 Nghị quyết quan trọng.
Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, trình bày báo cáo, tờ trình tại kỳ họp. |
11h40’: Đồng chí Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch: Chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch hết sức cần thiết để góp phần phục hồi ngành du lịch, dịch vụ
Trình bày tờ trình về một số giải pháp hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2021, đồng chí Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động KT-XH của cả nước nói chung, trên địa bàn Quảng Ninh nói riêng, đặc biệt là đối với ngành kinh tế du lịch và dịch vụ. Để du lịch vượt qua khó khăn, việc ban hành các nghị quyết nhằm kích cầu, từng bước khôi phục lại hoạt động của ngành trong trạng thái bình thường mới là hết sức cần thiết.
Đồng chí Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch. |
Qua đó, nội dung tờ trình đã đề xuất HĐND tỉnh ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch tỉnh Quảng Ninh năm 2021 gồm: Miễn, giảm giá vé thu phí vào điểm tham quan và tham quan lưu trú vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh (TP Hạ Long), Khu di tích và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) được quy định tại Nghị quyết số 62/2016/NQ - HĐND ngày 7/12/2016 và Nghị quyết số 88/2017/NQ - HĐND ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh; hỗ trợ vé tuyến xe buýt từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Hạ Long đến Dốc Đỏ (phường Phương Đông, TP Uông Bí) và ngược lại.
11h35': Đồng chí NguyễnThanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao: Xem xét tăng mức thưởng đối với HLV, VĐV lập thành tích cao trong các giải đấu
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao. |
Trình bày tóm tắt tờ trình về việc ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đối với huấn luyện viên, vận động viên, nghệ nhân tỉnh Quảng Ninh; cơ chế chính sách đặc thù đối với đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh, giai đoạn 2021 - 2025, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở văn hóa- Thể thao nhấn mạnh: Về đối tượng áp dụng chính sách cần quy định cụ thể hơn về đối tượng đội bóng chuyền nữ Quảng Ninh, nhất là đội bóng chuyền nữ hạng đội mạnh quốc gia tỉnh Quảng Ninh. Mức thưởng bằng tiền cho HLV, VĐV lập thành tích tại Đại hội Thể thao toàn quốc được tăng lên so với Nghị quyết số 66/2012/NQ-HĐND. Cụ thể: Huy chương vàng tăng từ 10,0 lần lên 15,0 lần; huy chương bạc từ 7,0 lần lên 10,0 lần; huy chương đồng từ 4,0 lần lên 5,0 lần. Thực hiện điều chỉnh như vậy là bởi Đại hội Thể thao toàn quốc được tổ chức 4 năm/lần với sự tham gia của tất cả các VĐV thể thao thành tích cao của tất cả các tỉnh, thành, ngành trên toàn quốc, nhằm đánh giá, xếp hạng phong trào thể thao của mỗi tỉnh, thành, ngành. Đạt được huy chương Đại hội Thể thao toàn quốc là cả quá trình tập luyện gian khổ, thi đấu hết mình của các HLV, VĐV.
Bên cạnh đó, bỏ chính sách thu hút nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú về Quảng Ninh công tác và làm việc, bởi hầu hết nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú đều tuổi cao, nơi ở, sinh hoạt, gia đình, thu nhập đều đã ổn định, họ không muốn thay đổi để đến nơi mới sinh sống và làm việc.
Khai toán kinh phí thực hiện giai đoạn 2021-2025 là trên 40,98 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện từ ngày 01/01/2021.
11h30’: Đồng chí Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở KH&CN: Xem xét mức hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động KH&CN cao nhất đến 600 triệu đồng
Trình bày tóm tắt tờ trình đề nghị ban hành một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, đồng chí Hoàng Bá Nam cho biết: Theo nội dung của tờ trình và dự thảo nghị quyết, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tham gia hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm: Phát triển tài sản sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa; hoạt động sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới và chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ được hỗ trợ 1 lần sau đầu tư.
Đồng chí Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở KH&CN. |
Trong đó, nhiều chính sách, cơ chế, mức hỗ trợ mới sẽ được áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, như:
- Hỗ trợ hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ có mức hỗ trợ cao nhất 100 triệu đồng (đối với giống cây trồng mới được cấp văn bằng bảo hộ); thấp nhất là 20 triệu đồng (đối với nhãn hiệu gắn với địa danh tỉnh Quảng Ninh, được cấp văn bằng bảo hộ).
- Hỗ trợ trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng có mức hỗ trợ cao nhất, tối đa không quá 300 triệu/hợp đồng/tổ chức, doanh nghiệp (hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến ISO điện tử); thấp nhất 20 triệu đồng/sản phẩm (sản phẩm được tiếp nhận công bố hợp chuẩn sản phẩm hàng hóa); hỗ trợ sản phẩm đoạt giải thưởng chất lượng Quốc tế - Châu Á Thái Bình Dương 100 triệu đồng...
- Hỗ trợ trong lĩnh vực công nghệ và thị trường công nghệ: Cao nhất là 20% giá trị hợp đồng, tối đa 600 triệu đồng/hợp đồng chuyển giao công nghệ có giá trị trên 1 tỷ đồng; hỗ trợ 30% tổng mức phí của bài báo công bố kết quả nghiên cứu khoa học không sử dụng ngân sách nhà nước được áp dụng, triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đăng trên một tạp chí khoa học quốc tế uy tín.
Hồ sơ hỗ trợ được công khai trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh.
Kinh phí thực hiện được trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm của tỉnh.
Chính sách mới sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2025.
11h18': Đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: Cần thiết ban hành các chính sách để hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng
Đối với tờ trình về việc ban hành Nghị quyết Quy định về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021 – 2025, đồng chí Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. |
Việc ban hành nghị quyết nhằm góp phần từng bước ngăn chặn tiến tới đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội; hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do tội phạm và tệ nạn xã hội gây ra; tạo môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh, an toàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh, bảo vệ cuộc sống hạnh phúc và bình yên của nhân dân. Qua đó, tờ trình đặt ra các mục tiêu cụ thể về: Phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mại dâm; phòng, chống mua bán người.
Trong đó, tờ trình cũng đặt ra các giải pháp cụ thể: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý các loại tội phạm. Định kỳ hoặc đột xuất, có kế hoạch mở các đợt cao điểm tập trung đấu tranh tấn công trấn áp các loại tội phạm. Tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện. Tăng cường hiệu quả hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm; Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh.
Đối với tờ trình về việc ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng chí nhấn mạnh hiện còn khoảng 400 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chưa được hưởng chính sách của Trung ương, của tỉnh. Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, việc tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết.
Qua đó, tờ trình đã đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trong đó hỗ trợ về: Hỗ trợ học phí và chi phí học tập cho trẻ đang đi học; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ thường xuyên hằng tháng; hỗ trợ đột xuất.
Đối tượng áp dụng là: Trẻ em mắc bệnh hiếm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày; trẻ em có cha mẹ ly hôn, cha hoặc mẹ nuôi dưỡng trẻ bị chết thuộc nhóm trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em có cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù giam hoặc trong thời gian chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang trong thời gian cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện và người còn lại thuộc hộ nghèo hoặc thuộc hộ cận nghèo.
Đối với tờ trình về việc ban hành Nghị quyết chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2021-2025, đồng chí Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, để tiếp tục làm tốt công tác phân luồng, thu hút học sinh vào học nghề kết hợp học văn hóa THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên thì việc hỗ trợ học phí học nghề và học phí học văn hóa cho học sinh là cần thiết để giảm bớt khó khăn cho người học nghề.
Trên cơ sở kết quả khảo sát thực tiễn trên địa bàn tỉnh hiện nay cho thấy nhu cầu lao động qua đào tạo tại hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn là trên 132.000 người. Xuất phát từ thực tiễn trên, việc ban hành chính sách nhằm tiếp tục khuyến khích người học tham gia học nghề, nhất là đối với những nghề tỉnh đang cần thu hút đáp ứng cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025; nhằm phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Chính sách hỗ trợ học nghề quy định tại Nghị quyết này áp dụng trong phạm vi tỉnh Quảng Ninh. Đối tượng là học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh học hệ chính quy trình độ trung cấp hoặc cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh; học sinh sau tốt nghiệp THCS tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh học tiếp lên trình độ trung cấp hoặc trình độ cao đẳng kết hợp học văn hóa THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên.
11h10': Đồng chí Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Đề nghị điều chỉnh quy mô, công suất khai thác, rút ngắn thời gian khai thác mỏ cát san lấp tại Bình Ngọc (TP Móng Cái)
Đồng chí Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. |
Trình bày Tờ trình về việc sửa đổi, điều chỉnh Nghị quyết số 119/2018/NQ-HĐND ngày 13/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (đối với quy hoạch mỏ cát san lấp tại phường Bình Ngọc, TP Móng Cái), Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Để đáp ứng yêu cầu khai thác sử dụng vật liệu san lấp trên địa bàn khu vực KKT cửa khẩu Móng Cái phục vụ phát triển KT-XH trong thời gian tới; gắn với việc nạo vét các luồng hàng hải vào khu vực Cảng Vạn Gia theo định hướng quy hoạch chung. Đồng thời, để hạn chế tối đa các tác động của hoạt động khai thác cát đến dân sinh, môi trường theo kiến nghị của cử tri trên địa bàn, cần thiết phải rà soát, xem xét điều chỉnh lại quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để điều chỉnh quy mô, công suất khai thác, rút ngắn thời gian khai thác mỏ cát san lấp tại Bình Ngọc, Móng Cái đáp ứng nhu cầu thực hiện thời gian tới. UBND tỉnh kính trình HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh thông tin mỏ cát san lấp tại phường Bình Ngọc trong nghị quyết 119, với nội dung: điều chỉnh diện tích khai thác từ 242,2ha xuống 167,6ha; trữ lượng tài nguyên từ 17,7 triệu m3 xuống còn 9,5 triệu m3. Lộ trình chấm dứt khai thác vào năm 2025.
Đối với Tờ trình về việc đề nghị thông qua danh mục công trình, dự án thu hồi đất để thực hiện dự án công trình đợt 4 trên địa bàn tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XIII – Kỳ họp thứ 21. Theo đó, UBND tỉnh báo cáo đề nghị HĐND tỉnh xem xét thông qua danh mục dự án thu hồi đất để phát triển KT-XH đối với công trình nút giao (tại Km6+700) đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng thuộc dự án Đường nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng (tại km6+700) đến đường tỉnh 338 – giai đoạn 1 để cập nhật, bổ sung vào Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TX Quảng Yên. Địa điểm thực hiện tại phường Tân An, xã Hoàng Tân; diện tích quy hoạch là 77,66ha; diện tích thu hồi đất là 64,27ha.
11h05’: Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Tuấn: Di dời 9 cơ sở nhà, đất là tài sản công để phù hợp với quy hoạch phát triển mới
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Tuấn. |
Theo đó, căn cứ Luật Quy hoạch đô thị năm 2009; Luật Đất đai năm 2013; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, UBND tỉnh kính trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về việc thông qua danh mục 9 cơ sở nhà, đất là tài sản công phải di dời theo quy hoạch tại các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Vân Đồn:
+ Thị xã Đông Triều:
- Tên cơ sở nhà đất di dời: Nhà văn hóa khu Vĩnh Quang 1, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều
- Diện tích đất: 2.286,2 m2; gồm 03 ngôi nhà cao 01 tầng; diện tích xây dựng: 359,4 m2.
- Hiện trạng công trình: Đang sử dụng.
- Lý do di dời: Nằm trong ranh giới Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu dân cư tại khu Vĩnh Quang 1, phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều đã được UBND TX Đông Triều phê duyệt.
+ Thành phố Uông Bí
- Tên cơ sở nhà đất: Nhà văn hóa khu Lạc Thanh và Sân bóng Lạc Thanh, phường Yên Thanh, thành phố Uông Bí.
- Diện tích đất: 6887 m2; gồm 5 ngôi nhà cao 01 tầng; diện tích xây dựng: 327,86 m2.
- Hiện trạng công trình: Hiện không sử dụng.
- Lý do di dời: Nằm trong ranh giới quy hoạch Tuyến đường Trần Hưng Đạo kéo dài đấu nối với tuyến đường tránh phía nam thành phố Uông Bí và Khu tái định cư, dân cư hai bên tuyến đường tránh Trần Hưng Đạo kéo dài tại phường Yên Thanh thành phố Uông Bí, đã được UBND TP Uông Bí phê duyệt.
+ Huyện Vân Đồn
- Xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (06 cơ sở nhà, đất)
(1) Trụ sở UBND xã Vạn Yên: Diện tích đất: 2528,3 m2; gồm 01 ngôi nhà 03 tầng; diện tích xây dựng: 348 m2;
(2) Khu vui chơi thanh thiếu niên xã Vạn Yên: Diện tích đất: 2003,5 m2; gồm 01 ngôi nhà 01 tầng; diện tích xây dựng: 24 m2;
(3) Nhà bia tưởng niệm: Diện tích đất: 253 m2; gồm 01 ngôi nhà 01 tầng; diện tích xây dựng: 200 m2;
(4) Trạm Y tế xã Vạn Yên (mới): Diện tích đất: 1464,6 m2; gồm 01 ngôi nhà 01 tầng; diện tích xây dựng: 250 m2;
(5) Trường PTCS xã Vạn Yên: Diện tích đất: 3282,5 m2; gồm 01 ngôi nhà 02 tầng; diện tích xây dựng: 168 m2;
(6) Trường Mầm non xã Vạn Yên: Diện tích đất: 7950 m2; gồm 01 ngôi nhà 01 tầng; diện tích xây dựng: 1047 m2.
* Hiện trạng các công trình: Hiện đang sử dụng.
* Lý do di dời: Nằm trong ranh giới quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn - Khu Nam và một phần Khu Đông tại xã Vạn Yên, Khu Kinh tế Vân Đồn đã được Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phê duyệt.
- Xã Bình Dân, huyện Vân Đồn (01 cơ sở nhà, đất)
* Tên cơ sở nhà đất: Nhà văn hóa thôn Đồng Dọng, xã Bình Dân
* Diện tích đất: 688,8 m2; gồm 01 ngôi nhà cao 01 tầng; diện tích xây dựng: 60 m2
* Hiện trạng công trình: Hiện đang sử dụng.
* Lý do di dời: Nằm trong ranh giới quy hoạch hồ Đồng Dọng.
11h00': Đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chuyển mục đích sử dụng đối với 67,48ha đất rừng để phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội
Trình bày tờ trình về việc đề nghị thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh để thực hiện dự án, công trình trên địa bàn tỉnh đợt 4 năm 2020, đồng chí Giám đốc Sở NN&PTNT báo cáo HĐND tỉnh xem xét thông qua danh mục các dự án, công trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đợt 4 năm 2020 theo quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp năm 2017; điều 1 Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Trong đó gồm 6 dự án, công trình đủ điều kiện trình HĐND tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; với tổng diện tích là 138,62 ha; tổng diện tích rừng đề nghị phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 67,48 ha rừng trồng (gồm: 64,39 ha rừng sản xuất; 3,09 ha rừng phòng hộ), cụ thể:
1. Dự án Nhà máy xử lý chất thải tại khu 9, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả, với tổng diện tích thực hiện dự án 9,01 ha; diện tích rừng đề nghị phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 6,51 ha rừng sản xuất và rừng trồng; hiện trạng rừng chưa bị tác động.
2. Dự án Hạ tầng khu tái định cư, khu hành chính tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, với tổng diện tích thực hiện dự án là 21,61 ha; diện tích rừng đề nghị phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 17,74 ha rừng trồng quy hoạch sản xuất; hiện trạng rừng chưa bị tác động.
3. Dự án mở rộng đường 334 đoạn từ sân Golf Ao Tiên đến nút giao giữa đường 334 và đường vào Công viên phức hợp Khu kinh tế Vân Đồn với tổng diện tích thực hiện dự án là 42,13 ha; diện tích rừng đề nghị quyết định phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 3,02 ha rừng trồng là rừng sản xuất.
4. Xây dựng doanh trại Ban CHQS huyện Bình Liêu, tại xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh với tổng diện tích thực hiện dự án là 7,59 ha; diện tích rừng đề nghị quyết định phê duyệt chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 3,4 ha rừng trồng sản xuất.
5. Dự án Đường giao thông Nà Làng - Khe Và nối ra đường tuần tra biên giới khu vực Mốc 1301, xã Tình Húc (nay là thị trấn Bình Liêu), huyện Bình Liêu với tổng diện tích thực hiện dự án là 33,08 ha; diện tích rừng đề nghị phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là 21,48 ha rừng trồng.
6. Dự án khu dân cư đồi ngân hàng tại phường Hồng Hải, phường Cao Thắng, TP Hạ Long với tổng diện tích thực hiện dự án là 25,20 ha; diện tích rừng đề nghị quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác: 15,33 ha rừng trồng sản xuất.
10h46’: Đồng chí Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ: Giảm biên chế, số lượng người làm việc, định biên giao năm 2021 ở khối Đảng, đoàn thể, Khối chính quyền
Tờ trình đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về việc thông qua biên chế khối Đảng, đoàn thể; quyết định giao biên chế công chức, hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; phê duyệt tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Quảng Ninh năm 2021. Theo đó, tổng số biên chế, số lượng người làm việc, định biên giao năm 2021 của khối Đảng, đoàn thể là 1.409 người, giảm 51 người so với năm 2020. Trong đó, có 1.173 biên chế công chức, giảm 44 công chức so với năm 2020; 165 người làm việc, giảm 4 người làm việc so với năm 2020; 71 hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, giảm 2 hợp đồng so với năm 2020 và giảm 1 định biên chuyển từ Hội Văn học nghệ thuật về Trung tâm Truyền thông tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ. |
Tổng số biên chế công chức, số lượng người làm việc năm 2021 ở khối chính quyền là 26.810 người, giảm 378 người so với năm 2020; 549 chỉ tiêu hợp đồng, giảm 33 người so với năm 2020. Trong đó, có 2.360 công chức, giảm 23 biên chế so với năm 2020; 24.450 người làm việc, giảm 355 người so với năm 2020 và tiếp tục chuyển 40 người làm việc sang khối Đảng.
Tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết về việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở tách từ Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thành lập 4 phòng trực thuộc; Văn phòng UBND tỉnh thành lập 8 phòng chuyên môn, 1 Ban Tiếp công dân và 2 đơn vị sự nghiệp. Biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh có 44 người (34 biên chế công chức và 10 hợp đồng 68); biên chế của Văn phòng UBND tỉnh có 88 người, gồm 68 biên chế công chức và 20 hợp đồng 68. Hai đơn vị sự nghiệp của Văn phòng UBND tỉnh có 26 biên chế viên chức và 90 người làm việc.
Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết quy định mức phụ cấp, trợ cấp đối với lực lượng Dân quân tự vệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nội dung cơ bản của Nghị quyết quy định mức phụ cấp hàng tháng cho thôn, khu đội trưởng bằng 745.000 đồng/người/tháng; mức trợ cấp ngày công lao động cho dân quân khi được huy động làm nhiệm vụ bằng 178.800 đồng/người/ngày; mức trợ cấp ngày công tăng thêm đối với trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ là 59.600 đồng/người/ngày. Các chế độ chính sách này được thực hiện kể từ ngày 1/1/2021.
10h15': Đồng chí Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính: Kiên định mục tiêu cơ cấu lại ngân sách; phấn đấu năm 2021 tổng thu đạt 53.700 tỷ đồng
Được UBND tỉnh ủy quyền, đồng chí Trần Văn Lâm trình bày tóm tắt tờ trình về dự toán thu - chi ngân sách năm 2020; phương án phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh và cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách năm 2021; tờ trình về việc phê chuẩn tổng quyết toán thu NSNN và thu - chi ngân sách địa phương năm 2019.
Giám đốc Sở Tài chính Trần Văn Lâm trình bày tóm tắt các tờ trình liên quan đến nội dung thu - chi ngân sách. |
Theo đó, năm 2020, trong điều kiện thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm mạnh do tác động của dịch COVID-19, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, công tác điều hành linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực chủ động của Cục Thuế, Cục Hải quan, sự phối hợp của các Sở, ban, ngành,tổng thu NSNN ước thực hiện cả năm: 49.300 tỷ đồng, bằng 103% dự toán, tăng 7% cùng kỳ. Thu nội địa: 37.000 tỷ đồng hoàn thành dự toán HĐND giao, thu xuất nhập khẩu: 12.300 tỷ đồng, vượt 12% dự toán. Tính đến ngày 15/11/2020, tỉnh Quảng Ninh vẫn duy trì vị trí thứ 6 toàn quốc về thu nội địa, đứng thứ 7 về thu NSNN.
Đánh giá theo đơn vị thu, số thu do Cục Thuế thu: Dự toán 26.100 tỷ đồng, thực hiện đến 30/11/2020: 22.911 tỷ đồng, bằng 88% dự toán, bằng 100% cùng kỳ; ước thực hiện cả năm: 25.915 tỷ đồng, bằng 99% dự toán, tăng 4% cùng kỳ. Số thu do cấp huyện thu: Dự toán 10.900 tỷ đồng, thực hiện đến 30/11/2020: 9.587 tỷ đồng, bằng 88% dự toán, bằng 118% cùng kỳ; ước thực hiện cả năm: 11.086 tỷ đồng, bằng 102% dự toán, bằng 115% cùng kỳ.
Về thực hiện chi ngân sách địa phương thực hiện đến 30/11/2020: 20.958 tỷ đồng, bằng 72% dự toán, tăng 16% so cùng kỳ. Ước thực hiện cả năm: 29.816 tỷ đồng, bằng 102% dự toán, tăng 33% cùng kỳ.
Về thu ngân sách địa phương được hưởng ước thực hiện cả năm 2020 (không bao gồm ghi thu, ghi chi): đạt 28.109 tỷ đồng, tăng 295 tỷ đồng so dự toán.
Giám đốc Sở Tài chính Trần Văn Lâm nhấn mạnh: Trong năm, kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách ở các cấp tiếp tục được tăng cường. Công tác điều hành ngân sách linh hoạt, đảm bảo nguồn thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nguồn lực tập trung cho đầu tư, về cơ bản đã đảm bảo cho các nhiệm vụ chi, nhất là đối với các dự án quan trọng và động lực. Tiến độ triển khai thực hiện và tiến độ giải ngân được cải thiện hơn so với cùng kỳ. Công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành của các sở, ban, ngành và các địa phương đã có nhiều cố gắng, chuyển biến tích cực. Công tác triển khai các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đã được tập trung chỉ đạo, đạt tỷ lệ cao đối với các kiến nghị tài chính.
Từ nay đến cuối năm, để phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu thu NSNN: 48.300 tỷ đồng (thu nội địa 37.000 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 12.300 tỷ đồng), UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể theo Kết luận số 01-KL/TU ngày 03/10/2020 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về tình hình kết quả công tác 9 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm quý IV năm 2020...
Năm 2021, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tỉnh Quảng Ninh vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, mục tiêu công tác thu - chi ngân sách đặt ra là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương gắn việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.
Cụ thể: Dự toán tổng thu ngân sách nhà nước 51.000 tỷ đồng, bằng 115% dự toán Trung ương giao (44.222 tỷ đồng), bằng 103% so với ước thực hiện năm 2020; phần NSĐP được hưởng: 32.391 tỷ đồng. Về chi ngân sách địa phương: Chi cân đối ngân sách địa phương: 30.603 tỷ đồng (đã bao gồm chi từ nguồn cải cách tiền lương cấp huyện: 315 tỷ đồng). Chi từ nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu: 2.094 tỷ đồng. Bổ sung cân đối, bổ sung mục tiêu cho các địa phương: 3.170 tỷ đồng, giảm 185 tỷ đồng so với năm 2020. Dự toán trả nợ gốc: 6,4 tỷ đồng (Vốn vay WB thực hiện Dự án nước sạch 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng).
Căn cứ dự toán được HĐND tỉnh giao, trong quá trình điều hành ngân sách, UBND tỉnh xem xét sẽ giao số phấn đấu thu NSNN: 53.700 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa: 40.700 tỷ đồng, tăng 10% so ước thực hiện năm 2020; thu xuất nhập khẩu: 13.000 tỷ đồng, tăng 6% so ước thực hiện năm 2020 theo trình tự, thủ tục quy định. Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiếp tục: Kiên định mục tiêu cơ cấu lại NSNN; tăng cường quản lý nợ công; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước.
Tại tờ trình tiếp theo về phê chuẩn tổng quyết toán thu NSNN và thu - chi ngân sách địa phương năm 2019:
Tổng thu NSNN: 55.268.343 triệu đồng (Năm mươi lăm nghìn, hai trăm sáu tám tỷ, ba trăm bốn mươi ba triệu đồng). Tổng thu NSNN giảm 1.296.432 triệu đồng so với số liệu tại Báo cáo Kiểm toán NSĐP năm 2019, do thời điểm kiểm toán khi tổng hợp quyết toán chưa loại trừ thu chuyển giao.
Tổng thu NSĐP: 36.425.989 triệu đồng (Ba mươi sáu nghìn, bốn trăm hai mươi lăm tỷ, chín trăm tám chín triệu đồng), bằng thu NSĐP tại Báo cáo kiểm toán NSĐP năm 2019 của Kiểm toán Nhà nước.
Tổng chi ngân sách địa phương: 33.455.044 triệu đồng (Ba mươi ba nghìn, bốn trăm năm mươi lăm tỷ, không trăm bốn mươi bốn triệu đồng), giảm 2.389 triệu đồng so với số liệu tại Báo cáo kiểm toán NSĐP năm 2019 (33.457.433 triệu đồng), bao gồm:
Giảm chi đầu tư vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giải ngân theo cơ chế tài chính ngoài nước năm 2018 chuyển nguồn không thanh toán hết trong năm 2019 số tiền: 1.830,5 triệu đồng (bao gồm vốn trung ương cấp phát là 1.830,18 triệu đồng; vốn ngân sách tỉnh vay lại của Chính phủ 0,33 triệu đồng) Kho bạc Nhà nước Quảng Ninh đang hạch toán trên tài khoản tạm ứng.
Kết dư ngân sách địa phương tăng 2.389 triệu đồng so với kết quả kiểm toán (trong đó: kết dư ngân sách cấp tỉnh tăng 1.830,5 triệu đồng; ngân sách cấp huyện tăng 558,5 triệu đồng), tương ứng với số liệu giảm chi ngân sách địa phương.
Đối với số kết dư ngân sách cấp tỉnh: 1.208.838 triệu đồng: Ghi thu ngân sách cấp tỉnh năm 2020 số tiền: 1.172.784 triệu đồng (Tiếp tục theo dõi để thu hồi nguồn vốn ngân sách tỉnh đã ứng vốn cho các dự án, chương trình và các địa phương 1.133.814 triệu đồng; Hoàn trả ngân sách trung ương kinh phí còn dư, hết nhiệm vụ chi: 38.970 triệu đồng). Xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 72 của Luật NSNN: 36.054 triệu đồng.
Đối với kết dư ngân sách cấp huyện, xã: 1.762.107 triệu đồng: Ghi thu ngân sách cấp huyện: 1.506.754 triệu đồng; Ghi thu ngân sách cấp xã: 255.353 triệu đồng. Tổng số ghi thu ngân sách địa phương năm 2020 từ số kết dư ngân sách địa phương năm 2019 là: 2.952.918 triệu đồng.
* 9h40': Đồng chí Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2020-2025 đạt khoảng 10%/năm
Trình bày Tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Mục tiêu tổng quát của kế hoạch 5 năm là huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đưa ra các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường. Cụ thể, về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD. Cơ cấu kinh tế năm 2025: Công nghiệp - xây dựng 49 - 50%; Dịch vụ 46 - 47%; Nông, lâm nghiệp, thủy sản 3 - 5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%/năm... Về xã hội: Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt 87,5%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 52%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4,1%. Đạt 61 giường bệnh/1 vạn dân; 15 bác sỹ/1 vạn dân; 3 dược sỹ đại học/1 vạn dân; trên 25 điều dưỡng/1 vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ giảm nghèo duy trì mức giảm trung bình 0,8%/năm... Về môi trường: Tỷ lệ sử dụng nước sạch của dân cư thành thị đạt 98%, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt trên 99%. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt trên 99%...
Đồng thời đề ra 5 giải pháp chủ yếu: Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược; Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh; Phát triển văn hóa con người, đảm bảo an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, tăng cường bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tại; Tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Đồng chí Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trình bày tóm tắt 6 tờ trình. |
Cũng tại kỳ họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày 5 tờ trình. Đối với Tờ trình Nghị quyết về phân cấp nhiệm vụ chi phát triển, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021- 2025 tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, về phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025, nguyên tắc phân cấp sẽ bám sát quy định của pháp luật, đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN, Luật đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung phân cấp quy định rõ nhiệm vụ chi đối với cấp tỉnh và cấp huyện.
Về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021- 2025 tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công ngân sách tỉnh sẽ phân bổ cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể của tỉnh. Phân bổ tối đa không quá 25% tổng số vốn chi xây dựng cơ bản vốn tập trung trong nước trung ương giao đầu năm để hỗ trợ cho các huyện chưa tự cân đối ngân sách. Đối với nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công ngân sách tỉnh bổ sinh có mục tiêu cho các huyện, nguyên tắc phân bổ bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng trong việc phân bổ vốn đầu tư công; bảo đảm hợp lý giữa các huyện trên địa bàn tỉnh; phân bổ vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho các huyện chưa tự cân đối ngân sách đảm bảo theo thứ tự ưu tiên. Tiêu chí và định mức phân bổ sẽ dựa trên 5 tiêu chí: dân số, trình độ phát triển, diện tích; đơn vị hành chính cấp xã, tiêu chí bổ sung đô thị loại V.
Đối với Tờ trình danh mục các dự án, chương trình trọng điểm ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, danh mục dự án trọng điểm ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025, như sau: Các dự án trọng điểm chuyển tiếp và hoàn thành trong năm 2021, gồm: đường cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên; cầu Cửa Lục 1; cầu Cửa Lục 3; Đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả giai đoạn 2. Các dự án khởi công mới, gồm: Đường ven sông kết nối với đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều; Đường dẫn và cầu ra cảng tổng hợp Hòn Nét – Con Ong; đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đến cảng Vạn Ninh; cầu Bến Rừng và đường dẫn; Cầu Cửa Lục 2 và đường kết nối từ cầu Cửa Lục 2 đến thôn Đông Trà, xã Đồng Lâm; Trụ sở Trung tâm Truyền thông tỉnh; hoàn thiện Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2; Trường cao đẳng nghề Việt Hàn Quảng Ninh giai đoạn 2; Dự án bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh.
Việc phê duyệt danh mục các dự án, chương trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 được ưu tiên đầu tư nhằm tập trung nguồn lực đảm bảo tiến độ đầu tư, tạo bước phát triển đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng với một số công trình hiện đại, tập trung vào hạ tầng giao thông chiến lược công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, y tế, giáo dục, văn hóa – thể thao và bảo vệ môi trường.
Đối với Tờ trình về việc đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án trong Kế hoạch đầu tư công ngân sách tỉnh Quảng Ninh năm 2021. Cụ thể có 11 dự án triển khai trong kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh trong năm 2021 đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư. Bao gồm: Dự án xây dựng cầu thay thế đường tràn qua lối mở Bắc Phong Sinh (Việt Nam) – Lý Hỏa )Trung Quốc; Dự án dò tìm, xử lý bom mìn, vật liệu nổ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt – Trung; Dự án nâng cấp, mở rộng, bổ sung một số hạng mục công trình tại Trung tâm Thể thao tỉnh Quảng Ninh; Dự án đầu tư xây dựng bổ sung mái che, cải tạo mặt sân vận động TP Cẩm Phả; Dự án cải tạo, nâng cấp, xây mới một số hạng mục công trình Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh; Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh; Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng bệnh viện bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh; Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Ninh; Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh năm học 2020-2021; Dự án công viên Tùng tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô; Dự án mua sắm bổ sung trang thiết bị phục vụ tập luyện và thi đấu thể dục thể thao tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Quảng Ninh. Tổng mức đầu tư dự kiến của 11 dự án khoảng 1.043 tỷ đồng.
Đối với Tờ trình về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công 2020 và Kế hoạch đầu tư công năm 2021. Cụ thể, tổng kế hoạch chi đầu tư công năm 2020 đến ngày 15/11/2020 là 15.230 tỷ đồng, tăng 1.064 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm, chiếm 52,2% tổng chi ngân sách địa phương. Tính đến ngày 15/11/2020, giải ngân đạt 76,6% kế hoạch. Về tình hình nợ đọng xây dựng cơ bản của tỉnh là gần 863 tỷ đồng, giảm gần 677 tỷ đồng so với năm 2019. Về công tác thu hồi vốn ứng, số vốn ứng đã thu hồi trong năm tính đến hết tháng 10/2020 là 747 tỷ đồng, tổng số vốn ứng còn lại đến tháng 11 phải thu hồi là gần 657 tỷ đồng. Đánh giá về tình hình triển khai kế hoạch đầu năm 2020 cho thấy, nguồn lực tập trung cho đầu tư về cơ bản đã đảm bảo cho các nhiệm vụ chi, nhất là đối với các dự án quan trọng và động lực. Tiến độ triển khai thực hiện và tiến độ giải ngân được cải thiện hơn so với cùng kỳ. Công tác thu hồi vốn ứng và xử lý nợ đọng XDCB từng bước được xử lý dứt điểm.
Đối với kế hoạch đầu tư công năm 2021, tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến trong năm 2021 là 16.609 tỷ đồng, gồm: Ngân sách Trung ương là 1.955 tỷ đồng; tổng nguồn vốn ngân sách tỉnh dành cho đầu tư năm 2021 là 9.687 tỷ đồng; ngân sách huyện là gần 5.000 tỷ đồng. Riêng đối với nguồn cải cách tiền lương năm 2021 là 1.500 tỷ đồng, dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân bổ cho dự án đường cao tốc Vân Đồn – Tiên Yên. Đối với phần tăng thu tiền sử dụng đất, UBND tỉnh sẽ báo cáo HĐND tỉnh phương án phân bổ cho các công trình, dự án giao thông động lực.
Đối với Tờ trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, có 16 dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách tỉnh giai đoạn 2016-2020 trình HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư. Bao gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 231 từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong sinh giai đoạn 2; Dự án khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá loại I tại Vân Đồn; Dự án Kè chắn sóng kết hợp đường cơ động mũi Tràng Vỹ, Trà Cổ, Móng Cái; Dự án cầu qua cặp cửa khẩu Hoàng Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc); Đầu tư cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng cao cấp tỉnh về thủy sản tại Đầm Hà; Đường giao thông Nà Làng – Khe Và nối ra đường tuần tra biên giới khu vực mốc 1301 (Bình Liêu); Đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ của Cảnh sát PCCN tỉnh giai đoạn 2016-2020; Đường nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng với KCN Nam Tiền Phong (TX Quảng Yên); Dự án căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ tỉnh; 7 dự án của ngành y tế.
9h33': Đồng chí Hoàng Văn Tiền, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh: Đề nghị tăng thẩm phán cho tòa án nhân dân 2 cấp của Quảng Ninh.
Đồng chí Hoàng Văn Tiền, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh, báo cáo tóm tắt về công tác của Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh năm 2020. |
Trong năm 2020, Tòa án Nhân dân tỉnh 2 cấp của tỉnh đã thụ lý 6.620 vụ, việc (giảm 148 vụ việc so với năm 2019). Trong đó, có 1.489 vụ án hình sự, với 2.523 bị cáo; 5.131 vụ việc hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động. Đến nay, Tòa án Nhân dân tỉnh đã giải quyết, xét xử 5.370 vụ việc, đạt tỷ lệ 81,1% (1.313 vụ án hình sự; 4.057 vụ việc hành chính, dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại và lao động). Số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời hạn luật định và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Tòa án Nhân dân tỉnh tiếp tục đề nghị Tòa án Nhân dân tối cao bổ sung biên chế, tăng thẩm phán cho tòa án nhân dân 2 cấp của tỉnh; đầu tư nâng cấp các trụ sở tòa án nhân dân cấp huyện đã xuống cấp. Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán tòa án nhân dân 2 cấp; đề nghị UBND các cấp tăng cường công tác phối hợp trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ và tích cực tham gia tố tụng theo quy định pháp luật để nâng cao hiệu quả việc giải quyết các loại án dân sự, án hành chính của tòa án nhân dân 2 cấp…
9h20': Đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng Viện KSND tỉnh: Tình hình tội phạm tăng cả về số vụ và bị can, mặc dù còn phức tạp, nhưng không có diễn biến bất thường.
Đồng chí Lương Phúc Sơn, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, trình bày tóm tắt báo cáo kết quả công tác năm 2020 của ngành Kiểm sát Quảng Ninh. |
Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho biết: Năm 2020, số án mới khởi tố trong toàn tỉnh là 1.444 vụ/2.380 bị can, tăng 51 vụ (3,66%) và 367 bị can (18,2%). Năm 2020, tình hình tội phạm tăng cả về số vụ và bị can, mặc dù còn phức tạp, nhưng không có diễn biến bất thường. Tội phạm xâm phạm sở hữu còn xảy ra do ý thức coi thường pháp luật của người phạm tội, một phần là do sơ hở, mất cảnh giác. Tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe còn do xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Đáng báo động là nhiều vụ giết người thân trong gia đình, mâu thuẫn vợ chồng không được giải quyết triệt để, công tác hòa giải chưa được quan tâm đúng mức. Các tội xâm hại tình dục đối với trẻ em nguyên nhân chính là sự suy đồi về nhân cách đạo đức. Tội phạm tham nhũng, chức vụ một phần do sơ hở trong quản lý dẫn đến các đối tượng có chức vụ, quyền hạn lợi dụng để phạm tội. Bên cạnh đó công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật chưa thực sự hiệu quả.
Lãnh đạo VKSND tỉnh đã báo cáo kết quả công tác thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành là thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp ở cả 2 cấp kiểm sát. Viện kiểm sát đã thực hiện quyền công tố và kiểm sát tư pháp trong lĩnh vực hình sự giải quyết 977/1.135 tin báo, đạt 86,1%. Bên cạnh đó, kiểm sát 4.769 vụ, 841 việc sơ thẩm, phúc thẩm, án dân sự, hành chính kinh doanh thương mại, lao động. Kiểm sát việc thi hành án hình sự 2.133 trường hợp.
Công tác phối hợp với ban ngành, địa phương trong công tác phòng chống vi phạm, tội phạm cũng được tăng cường và triển khai thực hiện hiệu quả.
Viện trưởng Viện KSND tỉnh, khẳng định: Năm 2020, mặc dù tình hình vi phạm, tội phạm có diễn biến phức tạp, song Viện KSND tỉnh Quảng Ninh đã tranh thủ sự lãnh đạo của ngành, của tỉnh, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu Quốc hội và ngành giao; đảm bảo việc giải quyết án đúng pháp luật, không xảy ra oan; nhiều vụ án lớn, phức tạp đã được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh. Qua kiểm sát hoạt động tư pháp đã ban hành 89 kháng nghị vi phạm và 563 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và phòng ngừa. Làm tốt công tác tham mưu trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn có vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, chất lượng tranh tụng đã được nâng lên nhưng vẫn có một số kiểm sát viên tại phiên tòa còn hạn chế.
Các đại biểu HĐND nghiên cứu các tờ trình, dự thảo nghị quyết... |
Để đảm bảo pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trong năm tới, Viện KSND tỉnh kiến nghị Quốc hội và các cơ quan tư pháp Trung ương: Có lộ trình sửa đổi, bổ sung các đạo luật về tư pháp, nhất là những vấn đề còn chưa rõ trong Bộ luật hình sự, Bộ luật TTHS, luật tố tụng hành chính... Trong thời gian chờ sửa đổi Luật, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Liên ngành Trung ương có hướng dẫn để thống nhất thực hiện. Hướng dẫn về việc tham gia tố tụng hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị theo hướng cho phép được ủy quyền cho Người đứng đầu các sở, ngành chuyên môn tham gia đối thoại, giải quyết các việc tại các giai đoạn tố tụng hành chính.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh: Chỉ đạo tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, chú trọng việc đối thoại, giải quyết các kiến nghị của nhân dân, nhất là từ khi triển khai các dự án để giảm thiểu việc khiếu kiện khi có quyết định hành chính. Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo về công tác thi hành án hình sự cho cán bộ UBND các phường, xã nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, tha tù trước thời hạn có điều kiện và quản lý chặt chẽ các đối tượng hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù tại địa phương. Kịp thời thông báo với cơ quan chức năng xem xét đưa đi thi hành án các đối tượng hoãn, tạm đình chỉ khi đủ điều kiện thi hành án. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí để ngành Kiểm sát Quảng Ninh đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp. Đề nghị với Quốc hội, Chính phủ có cơ chế cho các tỉnh vượt thu ngân sách hỗ trợ kinh phí để xây dựng trụ sở, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan tư pháp ở địa phương để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
* 9h10’: Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Cử tri và nhân dân tin tưởng, phấn khởi trước sự đổi mới, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Năm 2020 bám sát chỉ đạo chung của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ động triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các trọng tâm công tác. Trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, Nhà nước và của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Đặc biệt là việc thực hiện “mục tiêu kép ” vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống đại dịch Covid-19.
Ủy ban MTTQ tỉnh đã thực hiện tốt việc nắm dư luận xã hội, tình hình nhân dân, tình hình sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Qua đó, vận động nhân dân đồng thuận bàn giao sớm mặt bằng đảm bảo tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, động lực của tỉnh, đặc biệt là Dự án đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái (sau điều chỉnh); Dự án đường nối từ khu công nghiệp Cái Lân qua khu công nghiệp Việt Hưng tới đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn; Dự án đường bao biển Hạ Long-Cẩm Phả....
Đồng chí Nguyễn Văn Hồi, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, trình bày báo cáo kết quả công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền năm 2020 và những ý kiến, kiến nghị của cử tri. |
Các cấp MTTQ trong tỉnh đã tích cực phát huy dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Trong đó, phối hợp triển khai tốt các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh năm 2020 phù hợp với tình hình phòng, chống đại dịch Covid-19 và quy định về giãn cách xã hội; kịp thời tổng hợp và phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý kiến kiến nghị của cử tri, nhân dân đến các cấp, ngành. MTTQ tỉnh phối hợp chỉ đạo và tổ chức tốt việc bầu trưởng thôn, khu phố cũng như tổ chức thành công đại hội chi bộ tại các thôn, khu dân cư theo phương châm “Dân tin - Đảng cử”.
Qua hiệu quả các mặt công tác, cử tri và nhân dân trong tỉnh tin tưởng, phấn khởi trước sự đổi mới, kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 nhất là về tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện; các công trình trọng điểm được thực hiện đúng tiến độ. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt; các hoạt động văn hoá-xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh; công tác tiếp công dân, trách nhiệm giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và giải quyết khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh của công dân được quan tâm tập trung thực hiện...
Bên cạnh những kết quả đạt được cử tri và nhân dân trong tỉnh còn những băn khoăn: Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực; đời sống của một bộ phận người lao động, người dân còn gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, môi trường còn có những bất cập.
Tại kỳ họp này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo tập trung giải quyết dứt điểm các ý kiến kiến nghị của cử tri và nhân dân đã phản ánh tại các kỳ họp trước chưa được giải quyết; đồng thời báo cáo trước kỳ họp những nhóm ý kiến, kiến nghị mà cử tri nhiều địa phương kiến nghị như sau:
Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại kỳ họp. |
Thứ nhất, về quản lý nhà nước trên các lĩnh vực trật tự đô thị, giao thông: nghiên cứu lắp hệ thống đèn chiếu sáng các tuyến đường từ tiếp giáp từ phường Hà Khánh (Hạ Long) đến đường rẽ vào cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; từ ngã 3 đường tránh từ QL18A đến đường nối 333 đi Bến Đụn; điều chỉnh quy hoạch bãi thải xỉ số 2 của Công ty nhiệt điện Mông Dương 1 (TP Cẩm Phả) và bố trí đường vận chuyển chuyên dụng để các phương tiện không đi vào đường trục chính của xã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và cảnh quan, môi trường.
Thứ hai, về lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường, quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng: Cử tri và nhân dân TP Cẩm Phả, Đông Triều đề nghị tỉnh có ý kiến với TKV cần hạ độ cao các bãi thải ngoài để giảm thiểu phát tán bụi, ô nhiễm môi trường và nguy cơ mất an toàn cho nhân dân khu vực dưới chân bãi thải; tỉnh có ý kiến chỉ đạo Công ty Điện lực Quảng Ninh khảo sát và có kế hoạch hạ ngầm tuyến đường điện 35KV chạy dọc phía nam quốc lộ 18A, do tuyến đường điện đã được xây dựng từ lâu, rất thấp không đảm bảo an toàn cho nhân dân đang sinh sống dưới đường điện; cử tri và nhân dân TP Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả đề nghị tỉnh sớm xem xét việc quy hoạch, triên khai thực hiện quy hoạch Bệnh viện Việt Nam-Thuỵ Điển; quan tâm đầu tư đồng bộ trong cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị Bệnh viện đa khoa khu vực Cẩm Phả, Bệnh viện đa khoa 2 Hạ Long để duy trì, nâng cao hơn nữa chất lượng và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp trong khám chữa bệnh cho nhân dân.
Thứ ba, về lao động, việc làm, an sinh xã hội: Cử tri và nhân dân các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đề nghị tỉnh sớm triển khai các Đề án tiếp nối sau Đề án 196 và chương trình 135 của Chính phủ để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội góp phần giảm khoảng cách chênh lệch về mức sống và thu nhập giữa vùng miền núi và đô thị thực hiện Nghị Quyết số 88- NQ/QH1, ngày 18/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.
* 8h25', đồng chí Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh: Quyết tâm trong "năm bản lề" 2021.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn báo cáo tóm tắt về tình hình phát triển KT-XH, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh năm 2020 và nhiệm vụ giải pháp năm 2021. |
Trong báo cáo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, năm 2020, KT-XH mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COViD-19, song với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đúng đắn, tích cực, chủ động, sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, các cấp, ngành đã luôn bám sát thực tiễn và sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Quốc hội; tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, kiểm soát tốt tình hình và giữ vững địa bàn an toàn, chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân dân; chuẩn bị tốt và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, có nhiều đổi mới; vừa ổn định kinh tế - xã hội, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng.
GRDP cả năm ước đạt 10,05%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 49.300 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và dự toán đầu năm, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. An sinh, phúc lợi xã hội được chăm lo; lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao, lao động, việc làm được quan tâm; hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Công tác quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường được tăng cường; công tác GPMB, triển khai các dự án trọng điểm, động lực cả trong và ngoài ngân sách được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng được củng cố, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, tuyệt đối không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2021, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2021 là năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, vẫn còn những khó khăn, thách thức, đặc biệt là đại dịch COVID-19 dự báo tiếp tục có diễn biến phức tạt. Do vậy, đòi hỏi các cấp, ngành, doanh nghiệp cần vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thành công, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu, định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.
Các đại biểu dự kỳ họp tuân thủ nghiêm quy định phòng, chống dịch. |
Do vậy, các cấp, ngành tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó mục tiêu hàng đầu là tập trung thực hiện quyết liệt, có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng cao, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Trong đó, một số mục tiêu cụ thể được đặt ra và sẽ quyết tâm thực hiện, như: (1) Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trên 10%. (2) Thu ngân sách nội địa phấn đấu mức tăng cao nhất, tỷ lệ tăng thu tương ứng với mục tiêu tăng trưởng; thu xuất nhập khẩu đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 51.000 tỷ đồng. (3) Tổng vốn đầu tư xã hội tăng trên 10%. (4) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 10%. (5) Thành lập mới trên 2.000 doanh nghiệp. (6) Tỷ lệ đô thị hóa đạt 66,3%. (7) Giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI. (8) Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 85,5%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 46%. (9) Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị 3,7%. (10) Đạt 55 giường bệnh/1 vạn dân; 14,85 bác sỹ/1 vạn dân; 2,6 dược sỹ đại học/1 vạn dân; trên 23 điều dưỡng/1 vạn dân; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% dân số. (11) Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,09%. (12) Có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. (13) Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống họp vệ sinh đạt trên 98,85%. (14) Tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ được thu gom và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt trên 96,5%. (15) Giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% và nâng cao chất lượng rừng.
Trong bối cảnh còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, các cấp, ngành cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phân đấu thực hiện thành công, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV.
* Trung tâm Truyền thông tỉnh tiếp tục cập nhật về Kỳ họp...
Nhóm PV
Liên kết website
Ý kiến ()