Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 19:14 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XIV: Các đại biểu thảo luận tại hội trường
Thứ 6, 27/08/2021 | 10:18:35 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XIV, sáng 27/8, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh, các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại hội trường.
10h': Gợi ý thảo luận tại hội trường, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu: Các vị đại biểu HĐND tỉnh tập trung trí tuệ, nghiên cứu kỹ các nội dung tại các Tờ trình, qua đó phân tích, tham gia ý kiến hoàn thiện các Tờ trình đảm bảo đúng luật định, dễ triển khai thực hiện.
Trong đó, đồng chí lưu ý cần tập trung nghiên cứu sâu về một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập, từ năm học 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh.
11h20: Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kết luận, thống nhất một số nội dung thảo luận.
Trong đó, đối với việc tham gia ý kiến vào tờ trình, dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid -19, thống nhất xây dựng chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế đã nghỉ hưu, sinh viên các trường y tế tham gia chống dịch với quy trình UBND cấp xã huy động, Chủ tịch UBND cấp huyện xác nhận và chịu trách nhiệm cấp kinh phí chi trả.
Thống nhất hỗ trợ học phí cho học sinh các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập bao gồm cả trường có vốn đầu tư nước ngoài với một mức chung.
Với mục hỗ trợ 100% chi phí xét nghiệm sàng lọc bắt buộc cần phải quy định rõ người có thẩm quyền chỉ định xét nghiệm và trách nhiệm chi trả. Đồng thời, thống nhất hỗ trợ cho những người làm nhiệm vụ mai táng, hỏa táng với mức hỗ trợ cao nhất.
Đối với quy định về khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ bán trú cho hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh, đồng chí cho rằng ngành Giáo dục và UBND tỉnh xem xét chỉ đạo trên tinh thần công khai, minh bạch, chặt chẽ và thống nhất.
11h10: Đại biểu Trần Văn Lâm, Giám đốc Sở Tài chính, tiếp thu các ý kiến, đề nghị của các đại biểu HĐND tỉnh, hoàn thiện các tờ trình, dự thảo nghị quyết.
Đồng thời, giải trình, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến Quy định một số chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Do đặc thù nhiệm vụ tại 4 trạm chốt (cầu Bạch Đằng, Đá Bạc, Km15-Móng Cái, Cổng tỉnh tại đầu cầu Vàng Chua, TX Đông Triều) với tại trạm chốt ở đèo Hạ My-Tân Dân, TP Hạ Long, khác nhau, do đó mức bồi dưỡng, tiền ăn cũng phải có sự điều chỉnh, phù hợp với thực tế.
Về việc hỗ trợ mai táng phí, trong tờ trình, dự thảo nghị quyết đã nêu rõ căn cứ quy phạm pháp luật. Nếu các văn bản quy định pháp luật điều chỉnh mức hỗ trợ cao hơn thì phí hỗ trợ mai táng phí, phụ cấp cho bảo quản tử thi người bệnh Covid-19 cũng sẽ được thực hiện theo quy định. Đối với kinh phí để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xét nghiệm Covid-19, đồng chí nhấn mạnh ngân sách chỉ hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định…
11h06: Đại biểu Lê Cao Long, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả:
Đề nghị xem lại nội dung hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh, để phòng ngừa trục lợi; đề xuất chỉ hỗ trợ đối với các nhà trường giữ nguyên mức thu học phí như năm học 2020-2021.
Cũng liên quan đến nội dung này, đại biểu đề xuất nên áp dụng cho cả các trường có vốn đầu tư nước ngoài, bởi đây là chính sách hỗ trợ cho học sinh, việc loại bỏ nhóm đối tượng này là sự phân biệt đối xử, đi ngược lại chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước ta, gây ảnh hưởng xấu đến chính sách thu hút đầu tư của tỉnh nhà.
11h00: Tham gia vào tờ trình, dự thảo Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Nghiêm Xuân Cường, Tổ đại biểu TP Uông Bí, thống nhất cao với các nội dung được đề cập trong tờ trình, dự thảo Nghị quyết.
Đồng thời, đề nghị HĐND tỉnh xem xét một số từ ngữ như: Bỏ từ “giám sát cách ly xã hội” tại điểm b; quy định rõ việc hỗ trợ chi phí xét nghiệm với đối tượng phải xét nghiệm sàng lọc là doanh nghiệp trên tinh thần chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp khó khăn; quy định rõ hỗ trợ chi phí xét nghiệm với đối tượng không tự nguyện đi xét nghiệm kèm theo nội dung không có khả năng chi trả…
10h55: Đại biểu Tô Văn Hải, Tổ Đại biểu Cô Tô-Vân Đồn:
Đại biểu nhất trí với 9 nhóm giải pháp nêu tại tờ trình và dự thảo nghị quyết về một số giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Đại biểu đề nghị bổ sung thêm về đối tượng hỗ trợ là những người được huy động phục vụ tại các khu cách ly tập trung như: Nấu cơm, đưa cơm. Bởi, trong trường hợp có nhiều người phải cách ly tập trung ở địa bàn khó khăn không có các địa điểm cách ly công dân mà phải trưng dụng các cơ sở lưu trú tư nhân để làm khu cách ly bắt buộc thường cách xa nhau nên việc phục vụ gặp khó khăn, cần thành lập các tổ phục vụ như nấu cơm, đưa cơm. Do đó, đề nghị có chính sách hỗ trợ cho đối tượng này; đề xuất với HĐND tỉnh có cơ chế thanh toán cho cơ sở cách ly tập trung từ đầu năm 2021.
+ 10h43: Đại biểu Lưu Văn Thường, Tổ đại biểu Hải Hà:
Tham gia ý kiến vào Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về quy định một số giải pháp, chính sách đặc thù phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đại biểu Lưu Văn Thường, nhất trí với đề xuất của UBND tỉnh về mức bồi dưỡng đối với người được cơ quan có thẩm quyền huy động làm nhiệm vụ ở các Trạm chốt kiểm soát, giám sát việc cách lý xã hội tại các các cửa ngõ ra, vào tỉnh, các tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, địa bàn giáp ranh và các tuyến biển, tuyến sông được cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh, cấp huyện, xã thành lập trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước theo địa bàn.
Đối với các trạm, chốt còn lại nên cân nhắc xem xét đến đối tượng người không hưởng lương khi được cấp có thẩm quyền huy động tham gia các trạm, chốt. Vì khi có dịch xảy ra trên địa bàn khu dân cư, thôn, bản hoặc xã, thị trấn, lực lượng được huy động tham gia chủ yếu là cán bộ ở thôn, bản, khu phố, lực lượng dân quân, công an bán chuyên trách, đoàn viên, hội viên đều là đối tượng không hưởng lương. Thời gian huy động theo thời gian dãn cách xã hội (có thể 14 ngày hoặc 1- 2 tháng) và cũng phải trực 24/24/7. Mặc dù đây là những người tình nguyện, song với thời gian huy động dài ngày ít nhiều cũng ảnh hưởng đến đời sống của bản thân và gia đình họ. Vì vậy ngoài tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày, thì mức bồi dưỡng đối với đối tượng không hưởng lương nên ở mức cao hơn là 150.000 đồng/người/ngày (so với dự thảo Nghị quyết là mức 130.000 đồng/người/ngày)
Ngoài các đối tượng nêu trong tờ trình, đề nghị xem xét bổ sung thêm đối tượng là lực lượng công an, dân quân, đoàn viên, hội viên tham gia vận động, hướng dẫn, phân luồng trong thực hiện tiêm chủng diện rộng. Qua thực tiễn tại các huyện Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái, khi thực hiện tiêm chủng diện rộng và theo hình thức cuốn chiếu thì rất cần có sự tham gia của các lực lượng trên từ việc đi đến từng nhà, từng đối tượng vận động.
Về nội dung hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS- CoV-2, cần xem xét hỗ trợ 100% chi phí vận chuyển mẫu xét nghiệm từ địa điểm lấy mẫu xét nghiệm đến các đơn vị làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 trong tỉnh như: CDC tỉnh, Bệnh viện Bãy Cháy, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế Móng Cái (thực tế hiện nay các trung tâm y tế huyện đang phải chi trả nguồn kinh phí này).
Về nội dung hỗ trợ mai táng phí, cần xem xét mức hỗ trợ cho người trực tiếp làm nhiệm vụ mai táng, hỏa táng đối với người chết do mắc Covid-19 bằng mức người tham gia bảo quản tử thi người bệnh là 200.000 đồng/người/ngày theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid- 19.
Về hỗ trợ các cơ sở lưu trú ngoài công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền huy động, chỉ định làm cơ sở cách ly y tế tập trung cho người bắt buộc cách ly y tế tập trung, đề nghị Kỳ họp xem xét cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương khi cách ly y tế các đối tượng theo quy định mà không thu được phí; có cơ chế hỗ trợ xử lý rác thải tại các cơ sở khi được huy động làm khu cách ly tập trung và các cơ sở y tế thực hiện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Về hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người cách ly tại khu vực phong tỏa: Về đối tượng và mức hỗ trợ, nhất trí theo tờ trình, song bổ sung thêm đối tượng có mức sống trung bình không có nguồn thu nhập trong thời gian cách ly tại khu vực phong tỏa.
10h40: Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Nga, Tổ đại biểu TX Quảng Yên:
Đại biểu cho rằng: Việc ban hành Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh rất quan trọng và cần thiết, góp phần hỗ trợ, động viên lực lượng tham gia phòng chống dịch an tâm làm việc, bảo đảm cuộc sống cho những đối tượng khó khăn…
Đối với dự thảo Nghị quyết về quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn tỉnh, đại biểu đề xuất: Đối với các khoản thu dịch vụ phục vụ theo quy định ở giáo dục mầm non ngoài giờ như đón sớm, trả muộn, ngày thứ 7, trong thời gian nghỉ hè…, cần xem xét, thảo luận quy định mức tối đa nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa các cơ sở giáo dục.
10h35: Đại biểu Phạm Duy Thanh, Tổ đại biểu TP Cẩm Phả, tham gia ý kiến vào tờ trình, nghị quyết quy định việc xử lý đối với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực.
Đại biểu cơ bản nhất trí với những nội dung tờ trình, dự thảo Nghị quyết đưa ra, nhất là các nhóm giải pháp xử lý vấn đề còn vướng mắc trong thực tế như phương án thay thế trong trường hợp không bố trí được đường giao thông cho xe chữa cháy; trường hợp không thể cải tạo khoảng cách giữa các công trình theo quy định cũng như trường hợp các khách sạn, nhà nghỉ không đảm bảo thang thoát nạn, các công trình không đảm bảo khoang ngăn cháy.
Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị HĐND tỉnh xem xét thảo luận để thống nhất thêm 2 nội dung khác. Đó là số lượng các cơ sở thuộc phạm vi điều chỉnh, nếu đúng là 52 cơ sở thì cần ban hành kèm theo nghị quyết danh mục của 52 cơ sở này. Đồng thời, cũng nên có hướng mở để có thể bổ sung các đơn vị, cơ sở mới nếu có phát sinh. Đại biểu cũng đề nghị xem xét thêm thời gian hiệu lực thi hành theo hướng giao cho cơ quan tổ chức thực hiện ban hành danh mục, thời gian cụ thể cho từng cơ sở theo điều kiện cụ thể với tinh thần rút ngắn tối đa thời gian thực hiện, trường hợp khó khăn vướng mắc có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 24 tháng.
+ 10h29: Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Tổ đại biểu Bình Liêu:
Việc xây dựng và ban hành Đề án Tổ chức lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho dân quân tự vệ (DQTV) trong giai đoạn 2021-2025 là hết sức cần thiết, quan trọng góp phần tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh, huyện tinh nhuệ, chính quy, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nội dung của Đề án đã bao quát, thể hiện đầy đủ các nội dung về tổ chức, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng DQTV của tỉnh, phù hợp với Luật DQTV và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật DQTV, cũng như sát với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu đề xuất bổ sung một số ý kiến như sau:
Tại Tiết 4, điểm a, khoản 4, mục I, phần II của Đề án, cần quy định rõ số lượng Phó chỉ huy trưởng cấp xã trên địa bàn tỉnh là bao nhiêu (cụ thể như xã nào bố trí 2 đồng chí, xã nào bố trí 1 đồng chí), để phù hợp với khoản 1, Điều 4, Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.
Tại Điểm a, khoản 1, Mục II, phần II: Về phân cấp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nên quy định rõ cấp tỉnh tổ chức tập huấn cho khẩu đội trưởng hỏa lực nào, cấp huyện tập huấn cho khẩu đội trưởng hỏa lực nào, không nên nêu chung như tại điểm a, dẫn đến chồng chéo trong tổ chức thực hiện. Đồng thời cũng đề nghị bổ sung thêm phần phân cấp bồi dưỡng cán bộ cho phù hợp với điểm c, khoản 1, Điều 4, Thông tư số 69/2020/TT-BQP ngày 15/6/2020, vì tập huấn khác với bồi dưỡng.
Tại Mục V, phần II có nêu bảo đảm chế độ chính sách cho lực lượng DQTV, nên nghiên cứu bổ sung thêm phần quy định mức hưởng các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho lực lượng dân quân thường trực, để bảo đảm thống nhất triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh và phù hợp với Khoản 4, Điều 12, Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.
Về tiến độ của Đề án, huyện Bình Liêu cũng hoàn toàn nhất trí, song đề nghị trong triển khai thực hiện đặc biệt là tổ chức xây dựng chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới, trên địa bàn huyện xây dựng 6/13 chốt của cả tỉnh, trong đó kinh phí địa phương của huyện còn khó khăn. Vì vậy khi triển khai thực hiện đề nghị tỉnh bố trí kinh phí, nguồn vốn bảo đảm cho xây dựng các chốt trên địa bàn huyện để bảo đảm tiến độ.
10h23: Đại biểu Đào Biên Thùy, Tổ đại biểu Đầm Hà: Đồng tình, nhất trí cao với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết được trình tại Kỳ họp.
Đối với dự thảo Nghị quyết về việc ban hành, chính sách thu hút đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao Đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh gắn với quy mô nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung thêm đối tượng thanh niên tham gia phát triển KT-XH tại các đơn vị kinh tế quốc phòng đóng tại các địa bàn dân tộc thiểu số, vùng núi khó khăn, biên giới, hải đảo như: Cô Tô, Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu, sau khi hoàn thành nhiệm vụ về địa phương tiếp tục theo học tại các trường trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách này.
Đề nghị xem xét bổ sung thêm đối tượng thanh niên tham gia phát triển KT-XH tại các đơn vị kinh tế quốc phòng đóng tại các địa bàn dân tộc thiểu số, vùng núi khó khăn, biên giới, hải đảo, sau khi hoàn thành nhiệm vụ về địa phương tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh cam kết khi tốt nghiệp về làm việc từ đủ 36 tháng trở lên tại các xã khu vực I vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được hưởng chính sách hỗ trợ quy định.
Đối với danh mục các ngành đào tạo trình độ đại học đề nghị cần phải có giải pháp tuyên truyền, định hướng thu hút học tập ngành nuôi trồng thủy sản; đề nghị Trường Cao đẳng Việt-Hàn Quảng Ninh xem xét đề nghị bổ sung đào tạo cho nhóm ngành nghề dệt, may.
Đối với tờ trình về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, đề xuất bổ sung thêm giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch của cấp ủy, chính quyền; giám sát thường xuyên của các Ban, Tổ, đại biểu HĐND tỉnh đối với các cấp, ngành, địa phương nơi mình ứng cử trong việc tham gia thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Đại biểu đề nghị Sở TN&MT hướng dẫn quy trình thủ tục hồ sơ trình thông qua danh mục dự án chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất để đảm bảo theo đúng quy định.
10h20: Đại biểu Hà Hải Dương, Tổ đại biểu Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên: Tham gia vào tờ trình, dự thảo Nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập.
Đại biểu cho rằng cần phải ghi rõ tổ chức bán trú tuần tại trường hay tổ chức bán trú ngày tại trường. Đồng thời, đề nghị bổ sung khoản thu tiền vệ sinh với mức tối đa là 15.000 đồng/trẻ do lứa tuổi mầm non không thể tự lao động vệ sinh; bổ sung dịch vụ bán trú tuần, gồm: Thuê người nấu ăn bán trú tuần 200.000 đồng/học sinh/ tháng; thuê quản lý học sinh trong giờ bán trú tuần 200.000 đồng/học sinh/tháng; tiền ăn bán trú tuần 50.000 đồng/học sinh/ngày. Bổ sung tiền dịch vụ ăn sáng và dịch vụ thuê phương tiện đưa đón học sinh.
+ 10h15: Đại biểu Bùi Thị Hải, Tổ đại biểu TP Hạ Long: Đồng tình và đánh giá cao nội dung tờ trình của UBND tỉnh, Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, cùng Dự thảo Nghị quyết về quy định một số chính sách đặc thù phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Việc ban hành những chính sách đặc thù này cơ bản đã quan tâm được đến hết đối tượng, các lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Là nguồn hỗ trợ, động viên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch của tỉnh. Đặc biệt chính sách về Hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh các trường học phổ thông trên địa bàn tỉnh có tác động và ý nghĩa lớn trong nhân dân.
Tuy nhiên, tại điểm d Điều 1 Dự thảo Nghị quyết xác định đối tượng được thực hiện chế độ chính sách đặc thù: “Người là thành viên tổ Covid-19 cộng đồng do UBND cấp huyện quyết định”. Nhưng, thực tế các tổ Covid-19 cộng đồng hoạt động gần 2 năm nay do UBND cấp xã/phường ra quyết định thành lập. Mặt khác, cũng tại d Điều 1 Dự thảo Nghị quyết quy định “thời gian hưởng bồi dưỡng”: Theo thời gian Tổ hoạt động được Ban chỉ đạo, được UBND cấp xã chỉ đạo hoạt động. Vì vậy, Đề nghị điều chỉnh “Người là thành viên tổ Covid-19 cộng đồng do UBND cấp huyện quyết định” thành “Tổ Covid-19 cộng đồng do UBND cấp xã quyết định” để thống nhất cấp quyết định thành lập và chỉ đạo hoạt động.
Hai là, thực hiện các giải pháp phòng chống dịch, chủ động nâng cao năng lực ứng phó, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng kịp thời, hiệu quả trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh. UBND các xã/phường của TP Hạ Long đã và đang thành lập các Trung tâm chỉ huy, xây dựng kịch bản phòng, chống dịch với quy mô khác nhau và có dự phòng tình huống xấu nhất xảy ra, dịch bùng phát mạnh, phải thành lập các Khu cách ly tập trung trên địa bàn xã, phường, phải huy động lực lượng và nhân lực y tế phục vụ tại các khu cách ly. Cơ bản UBND các xã/ phường của TP Hạ Long đã huy động và thành lập được Tổ y tế cộng đồng gồm các y, bác sĩ nghỉ hưu, học sinh và những người có nghiệp vụ y tế tình nguyện tham gia. Tại điểm đ Điều 1 Dự thảo Nghị quyết nội dung: “Cán bộ, nhân viên y tế, học sinh, sinh viên trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh được UBND cấp tỉnh, cấp huyện huy động để phòng, chống dịch”; đề nghị bổ sung cấp huy động: Gồm cả “UBND cấp xã”.
Ba là nội dung về Mức bồi dưỡng và hỗ trợ tiền ăn tại mục b Điều 1. Đề nghị nâng mức hỗ trợ tại trạm chốt ở đèo Hạ My-Tân Dân, TP Hạ Long, được hưởng mức như đối với 4 trạm chốt (cầu Bạch Đằng, Đá Bạc, Km15, Cổng tỉnh tại đầu cầu Vàng Chua, TX Đông Triều) với mức bồi dưỡng 150.000 đồng/người/ngày; tiền ăn 120.000đồng/người/ngày. Vì đây là trạm chốt liên ngành giữa địa bàn tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bắc Giang, tuy có lưu lượng xe qua lại ít hơn 04 chốt (khoảng trên 300 lượt xe, người/ngày) nhưng địa hình phức tạp: Bao quanh đèo Hạ My đều là rừng núi, nhiều đường mòn lối tắt, một số người dân thường lợi dụng đêm tối để băng rừng vào tỉnh, lực lượng làm nhiệm vụ tại khu vực này vất vả; đồng thời địa bàn xa khu dân cư, điều kiện sinh hoạt khó khăn, điều kiện phục vụ nấu ăn cũng khó khăn hơn tại các chốt trên. Do vậy cần nâng mức bồi dưỡng; tiền ăn như đề xuất trên.
* Điều chỉnh mức bồi dưỡng cho người thực hiện nhiệm vụ tại các trạm chốt, khu vực biên giới
10h10: Đại biểu Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, Tổ đại biểu TP Móng Cái, bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với các tờ trình, dự thảo nghị quyết tại Kỳ họp, đặc biệt là tờ trình, dự thảo Nghị quyết về quy định một số giải pháp, cấp bách và chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đại biểu khẳng định: Từ khi có dịch đến nay, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách để thực hiện công tác phòng chống dịch; kịp thời động viên các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, góp phần giữ vững “vùng xanh” an toàn.
Đại biểu bày tỏ sự đồng tình với 7 nhóm chính sách trong dự thảo nghị quyết. Đồng thời, đề nghị áp dụng mức chung bồi dưỡng cho người tham gia thực hiện nhiệm vụ tại các trạm, chốt khu vực biên giới là 150.000 đồng/người/ngày; tiền ăn là 120.000 đồng/người/ngày.
Đề nghị phải làm rõ đối tượng hỗ trợ mai táng phí như: Người dân trực tiếp áp dụng mai táng, hỏa táng, người làm dịch vụ mai táng, hỏa táng... Mức hỗ trợ nâng từ 150.000 đồng/người/ngày lên 200.000 đồng/người/ngày để tương đồng với mức phụ cấp cho bảo quản tử thi người bệnh theo Nghị quyết 16 của Chính phủ.
10h07: Đồng tình, nhất trí với các dự thảo Nghị quyết trình tại Kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Bích Liên, Tổ đại biểu TX Đông Triều, tham gia một số ý kiến về giải pháp cấp bách và chính sách đặc thù phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, trên kinh nghiệm thực tiễn của TX Đông Triều, đại biểu cho rằng Nghị quyết cần tập trung nhấn mạnh đến các giải pháp như: Kiên quyết giữ an toàn địa bàn; siết chặt các giải pháp kiểm soát người, phương tiện, từ đường bộ đến đường thủy, tuyệt đối không để lọt người, phương tiện từ vùng dịch trở về mà không qua khai báo, kiểm soát.
Duy trì tốt các chốt kiểm soát, quan tâm đầu tư phương tiện, trang thiết bị cùng nhu yếu phẩm cần thiết cho các chốt kiểm soát đảm bảo hoạt động 24/24h. Cùng với đó, duy trì tổ Covid cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận dụng linh hoạt chiến lược khoanh vùng, cách ly, dập dịch; công tác phối hợp, thông tin duy trì thường xuyên. Xây dựng kịch bản phòng, chống dịch cụ thể, chi tiết. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện mục tiêu kép, quan tâm nhất đối với hệ thống doanh nghiệp, khu công nghiệp, ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động. Quan tâm tiêu thụ nông sản trên địa bàn gắn với phòng chống dịch, nhất là việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào tiêu thụ nông sản. Đồng thời, phát huy vai trò tối đa của tổ Covid cộng đồng, coi đây là cuộc chiến toàn dân, cần có sự vào cuộc đồng lòng của toàn dân.
Với quy chế, chế độ chính sách tại dự thảo Nghị quyết, đại biểu tán thành và nhất trí cao, đồng thời nhấn mạnh, các quy chế, chế độ đã điều chỉnh đối tượng theo hướng phù hợp, nhất là quan tâm đến đối tượng tuyến đầu.
Liên kết website
Ý kiến ()