Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:41 (GMT +7)
Khai mạc Phiên họp thứ 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Thứ 2, 10/10/2022 | 11:29:10 [GMT +7] A A
Sáng 10/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 16. Đây là phiên họp cuối của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội và các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về phía đại biểu khách mời có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Văn Thành, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương…
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định một số vấn đề quan trọng.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và tài chính ngân sách năm 2022; dự kiến mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023, trong đó có nội dung phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu.
Kỳ họp này Quốc hội sẽ quyết định kế hoạch tài chính, ngân sách trung hạn 3 năm giai đoạn 2023-2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tinh thần và kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đồng thời nắm bắt thực tiễn ở các địa phương và chức năng, nhiệm vụ lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia trong từng ngành và lĩnh vực để cho ý kiến đánh giá sâu sắc về vấn đề này.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tham gia cho ý kiến vào báo cáo của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Ban Dân nguyện về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Nội dung này sẽ được kết hợp với việc xem xét kết hợp với việc xem xét cho ý kiến đối với Báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9.
Nhóm vấn đề thứ ba được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là một số nội dung Chính phủ đề xuất bổ sung phát sinh từ phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường kỳ tháng 9/2022 đến nay gồm: việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV; kết quả về công tác thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa hỗ trợ cho người dân, cho doanh nghiệp và phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh và ứng xử đối với thời hạn của Nghị quyết này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP Hồ Chí Minh; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.
Cùng với đó, Chính phủ kiến nghị đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, tháo gỡ vướng mắc cho một số các dự án BOT. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng về cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về vấn đề này, trên cơ sở căn cứ vào Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và trên tinh thần sâu sát với thực tiễn, bảo đảm thấu lý đạt tình.
“Cần xem xét hợp đồng các bên thực hiện ra sao, vướng mắc từ phía đại diện nhà nước là gì, trách nhiệm nhà đầu tư thế nào”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về một số nội dung khác, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá, theo đề xuất nếu đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp tại Kỳ họp thứ 4.
Trong phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác nhân sự để trình Kỳ họp thứ 4 và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Ủy ban Thường vụ cho ý kiến để chuẩn bị các nội dung liên quan kiện toàn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước và một số vị trí Bộ trưởng, trưởng ngành theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về bộ nhận diện của Quốc hội mới.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, căn cứ vào kết quả phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến lần cuối đối với nội dung chương trình của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; cho ý kiến về các báo cáo: Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; Kết quả tiếp công dân, tiếp nhận xử lý đơn thư của công dân và kết quả giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2022; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2022.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()