Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:24 (GMT +7)
Khai quật được gì ở khu vực chùa Thanh Mai?
Thứ 2, 08/05/2023 | 16:48:29 [GMT +7] A A
Khai quật tại chùa Thanh Mai 2, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều tư liệu và cung cấp nguồn tư liệu mang tính thuyết phục cao cho hồ sơ di sản.
Để hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản văn hóa thế giới, Hội Khảo cổ học Việt Nam đã phối hợp khai quật địa điểm chùa Thanh Mai 2, phát hiện ra nhiều cấu trúc cổ, làm giàu thêm giá trị của di sản.
Xác định được quy mô tổng thể
Cuộc khai quật được tiến hành trên sườn núi Thanh Mai, xã Hoàng Hoa Thám (TP Chí Linh), với tổng diện tích 400 m2, đã xác định được quy mô tổng thể của mặt bằng chùa Thanh Mai 2 (để phân biệt với chùa Thanh Mai hiện tại).
Các nhà khảo cổ đã xác định chùa có cấu trúc dựa theo sườn núi tại các cấp nền kè đá cao dần từ dưới lên trên với tổng diện tích khoảng 2.100 m2, được bao quanh bởi lớp tường bao thời Nguyễn kích thước 27 m x 35 m. Dấu tích tường bao hiện còn cao từ 0,35 m - 0,4 m, rộng 0,66 m- 0,75 m.
Trên các cấp nền, các nhà khảo cổ đã xác định được có 3 lớp kiến trúc chùa chồng xếp lên nhau. Đó là lớp kiến trúc thời Trần (thế kỷ thứ XIV), được xây dựng bằng vật liệu đá nhỏ, gia công theo kiểu xếp đứng sát trên nền đá gốc, bước đầu thấy có 3 nhánh rộng từ 0,8 m - 0,9 m. Các nhà khoa học nhận định, đây có thể là một kiểu bó nền kiến trúc lớn, kiên cố. Lớp thứ hai có kiến trúc thời Lê trung hưng (thế kỷ XVII - XVIII), hình chữ nhật, rộng 73 m2, gồm có nền nhà đất sét, nền lát gạch vuông, bó nền, móng cột, chân tảng đá kê cột. Bó nền kiến trúc đều được xây dựng bằng đá kích cỡ 55 cm x 25 cm x 13 cm, được gia công vuông vức. Cuối cùng là lớp kiến trúc thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX), hình chữ "Đinh”, gồm tiền đường hình chữ nhật, tường nhà được kết hợp giữa kỹ thuật xếp đá và tường trình đất kết hợp với đá cục; thượng điện rộng 40 m2...
Trong lần khai quật này, các nhà khảo cổ đã tìm được gần 1.000 di vật niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn, bao gồm gạch, ngói, vật liệu trang trí, gốm men; gốm sành minh chứng cho kỹ thuật, hình thái kiến trúc và diễn trình sinh hoạt tâm linh.
Chùa Thanh Mai khởi dựng vào thế kỷ XIV, tọa lạc trên sườn núi Thanh Mai, còn gọi là núi Tam Ban (3 cấp núi nối liền nhau của các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh, thuộc cánh cung Đông Bắc). Vị trí dựng chùa thuộc cấp thứ hai của dãy núi, là khu đất bằng phẳng nhất, với độ cao hơn 200m so với mặt nước biển.
Trải qua năm tháng và chiến tranh tàn phá, chùa Thanh Mai hiện nay chỉ còn bia "Viên thông Thanh Mai tự", ghi chép lại thân thế và công tích của Thiền sư Pháp Loa và một số bia ký ghi lại việc trùng tu tôn tạo chùa vào các đời Vĩnh Thịnh và Chính Hòa. Theo đó, chùa Thanh Mai là một cơ sở thờ tự lớn, cùng với Côn Sơn, Yên Tử là trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm phát triển rực rỡ thời Trần.
Đóng góp lớn vào giá trị di tích
Tổng thể các dấu tích kiến trúc ở địa điểm chùa Thanh Mai 2 có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc và mang lại nhiều nhận thức mới trong việc xây dựng hồ sơ di sản thế giới.
Theo đánh giá của Hội Khảo cổ học Việt Nam, dấu tích kiến trúc chùa Thanh Mai 2 cung cấp nguồn tư liệu hoàn toàn mới so với các dấu tích hiện đã thấy trước đây ở khu vực chùa Thanh Mai 1 (chùa hiện nay).
Các dấu tích còn lại cho thấy có 3 lớp kiến trúc của 3 thời Trần - Lê trung hưng - Nguyễn chồng xếp lên nhau, phản ánh tầm quan trọng của chùa Thanh Mai 2 tồn tại liên tục và lâu dài qua suốt 700 năm lịch sử chùa Thanh Mai. Điều này là rất hiếm thấy trong tổng thể các di tích hiện đang thấy thuộc khu vực Yên Tử của cả 3 tỉnh.
Việc tìm thấy dấu tích kiến trúc thời Trần còn nguyên gốc ở đây tương ứng với các ghi chép của thư tịch cổ Việt Nam về việc Đệ nhị Tổ Pháp Loa đã phát triển chùa Thanh Mai trong các năm 1329 - 1330. Đệ tam Tổ Huyền Quang đã trụ trì tại chùa 6 năm trước khi về trụ trì tại Côn Sơn năm 1330. Đây là lần đầu tiên khảo cổ học phát hiện được dấu tích kiến trúc thời Trần còn nằm trên mặt đất, đúng với thời các Tổ Pháp Loa và Tổ Huyền Quang. Điều này chưa tìm thấy ở tất cả các di tích khác trong Quần thể di tích danh thắng Yên Tử.
Từ Thanh Mai 2, theo sự chỉ dấu của nhân dân, cán bộ khảo cổ học của Hội Khảo cổ học Việt Nam và Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã phát hiện về phía bắc các địa điểm Thanh Mai 3 và Thanh Mai 4 hướng lên đỉnh núi Yên Tử. Các địa điểm này cho phép bước đầu đoán định đây cũng là hướng đi chính từ khu vực chùa Thanh Mai lên đỉnh trung tâm là Yên Tử. Đây là nhận thức hoàn toàn mới của giới khảo cổ học Việt Nam đối với Quần thể di tích danh thắng Yên Tử trước cuộc khai quật địa điểm chùa Thanh Mai 2.
Các phát hiện mới, nhận thức mới về chùa Thanh Mai cho phép xác định rõ hơn giá trị tổng thể của khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai. Đó là việc vương triều Trần và các vị Tổ Trúc Lâm đã biến toàn bộ khu vực Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai thành một trung tâm Phật giáo Trúc Lâm lớn tương đương với các khu vực Yên Tử, Đông Triều, Tây Yên Tử, trung tâm văn hóa tâm linh Đại Việt lớn vào bậc nhất đất nước trên một hiện trường cực kỳ lớn rộng, phong phú, đa dạng với các địa danh chùa - quán - đền...
Theo Báo Hải Dương
Liên kết website
Ý kiến ()