Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 15/11/2024 04:24 (GMT +7)
Khai thác Bitcoin làm trầm trọng khủng hoảng khí hậu
Thứ 3, 11/01/2022 | 23:20:41 [GMT +7] A A
Sự gia tăng và phát triển của tiền điện tử có thể tác động bất lợi đến những người dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng khí hậu.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số mà đằng sau đó phổ biến nhất là tiền điện tử Bitcoin đòi hỏi nguồn năng lượng lớn. Ở thời điểm hiện tại, giới chuyên gia ước tính lượng năng lượng này tương đương với năng lượng mà toàn bộ đất nước Thái Lan sử dụng. Đó là lý do lượng khí thải carbon mà việc khai thác Bitcoin tạo ra hiện còn lớn hơn khí thải từ ngành khai thác vàng, tăng từ 22 megaton CO2 trong 2 năm trước lên 90 megaton/năm vào năm 2021.
Cùng với các tác động kinh tế và môi trường, việc khai thác Bitcoin đang góp phần lớn đặt các cộng đồng trước nguy cơ khủng hoảng khí hậu .
Có bao nhiêu người sử dụng tiền điện tử?
Đối với mỗi USD giá trị mà Bitcoin tạo ra, chúng ta cần phải chi khoảng 0,49 USD để khắc phục các vấn đề về môi trường và sức khỏe cộng đồng liên quan đến việc sử dụng năng lượng để đào Bitcoin. Trong khi có khoảng 100 triệu người đã sử dụng tiền điện tử kể từ khi chúng được tạo ra, số lượng người tích cực sử dụng chúng là tương đối nhỏ.
Giáo sư Peter Howson tại Đại học Northumbria của Anh cho biết: "Chúng tôi chỉ nói về 20 triệu người dùng đang hoạt động. Nếu tất cả chúng ta đều sử dụng công nghệ này, thì có lẽ bạn có thể biện minh cho lượng khí thải carbon lớn như vậy".
Số người thường xuyên sử dụng Bitcoin tương đương với dân số của thủ đô Jakarta, Indonesia - ít hơn 1% dân số trên hành tinh. Nhưng những giao dịch liên quan đến Bitcoin - loại tiền điện tử được "khai thác" bởi hàng triệu máy tính công suất cao trên khắp thế giới - cũng đang sử dụng năng lượng mà các cộng đồng dễ bị tổn thương cần. Ông Howson đưa ra ví dụ về những người Navajo ở New Mexico, Mỹ - nơi việc khai thác Bitcoin đang tiêu thụ lượng năng lượng mỗi tháng đủ để cung cấp cho khoảng 19.600 ngôi nhà.
Hoạt động khai thác Bitcoin làm mất và lãng phí năng lượng
Phần lớn tác động đến môi trường của tiền điện tử đến từ năng lượng được máy tính sử dụng để tạo ra các mã thông báo kỹ thuật số mới. Điều này đòi hỏi rất nhiều năng lượng xử lý: Theo một số nghiên cứu, các trang trại máy chủ cạnh tranh để tạo ra Bitcoin mới sử dụng lượng điện hàng năm nhiều tương đương lượng điện một quốc gia nhỏ như Chile hay Bỉ sử dụng.
Một số người lập luận cách mà Bitcoin có thể hoạt động như một loại "pin". Nó có thể lưu trữ giá trị của năng lượng tái tạo bằng cách chuyển đổi năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẵn có tại địa phương thành tài sản kỹ thuật số được giao dịch toàn cầu với thời hạn sử dụng không giới hạn. Thế nhưng, pin một chiều không phải là pin. Bởi các tài sản kỹ thuật số được giao dịch toàn cầu này không thể được chuyển đổi ngược lại thành những năng lượng phục vụ đời sống con người. Ví dụ, hoạt động đào Bitcoin rất phát triển tại Texas, Mỹ.
Nhưng ngay khi có bão tuyết bất thường tại đây vào tháng 2/2021, hàng triệu người đã rơi vào một cuộc khủng hoảng điện. Họ phải đối mặt với tình trạng mất điện giữa thời tiết lạnh giá. Họ không thể sử dụng năng lượng được lưu trữ trong Bitcoin để phục vụ đời sống lúc cần thiết.
Bên cạnh đó, Bitcoin sử dụng rất nhiều năng lượng, nhưng nếu đó là việc sử dụng năng lượng dư thừa thì đó không thực sự là vấn đề. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, năng lượng đó lại đến từ nhiên liệu hóa thạch. Trung Quốc đã cấm khai thác Bitcoin vì những người khai thác Bitcoin góp phần vào sự xuất hiện trở lại của các mỏ than. Tình trạng tương tự diễn ra ở New York, Mỹ nơi một nhà máy khí đốt đã được đưa vào tái hoạt động để khai thác Bitcoin.
Khai thác Bitcoin làm gia tăng mối nguy cho môi trường
Một yếu tố thường bị bỏ qua trong chi phí môi trường của tiền điện tử là phần cứng khai thác. Chúng trở nên lỗi thời nhanh chóng và tạo ra chất thải điện tử độc hại .
Những người khai thác Bitcoin luôn cố gắng tạo ra nhiều máy móc, thiết bị hơn để phục vụ việc khai thác. Những máy móc, thiết bị đó liên tục được cải thiện. Chúng là những cỗ máy chuyên biệt và cũ đi một cách nhanh chóng. Do đó, ngoài việc tạo ra lượng khí thải carbon lớn, chúng còn tạo ra lượng lớn chất thải thiết bị công nghệ thông tin. Đây cũng là những vật liệu độc hại, góp phần gây ra ô nhiễm nước, đất, và không có lượng năng lượng tái tạo nào có thể khắc phục được.
Báo The Guardian dẫn báo cáo từ Ngân hàng trung ương Hà Lan cho biết mỗi giao dịch Bitcoin sẽ phát sinh ít nhất 272 gram rác thải điện tử, ngang bằng lượng rác từ hai chiếc iPhone 12 mini.
Ông Alex de Vries - nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách năng lượng và môi trường - cho biết: "Khai thác Bitcoin đòi hỏi thiết bị chuyên dụng cao. Ngay sau khi giá Bitcoin tăng, điều xảy ra là số tiền dùng để khai thác Bitcoin sẽ tăng lên. Những người khai thác có động cơ lớn để thêm nhiều máy móc hơn. Ngay khi lượng máy móc dành cho Bitcoin tăng lên, trước hết, chúng sẽ tác động đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Nếu không dùng cho Bitcoin, bạn đã có thể tạo ra một con chip cho máy tính cá nhân hoặc xe điện hoặc bất cứ thứ gì khác".
Khai thác Bitcoin có thể được thực hiện bền vững như thế nào?
Nhưng nếu ngành công nghiệp tiền điện tử trị giá 2 nghìn tỷ đô la là tương lai, thì giống như bất kỳ ngành nào khác - ngành công nghiệp này không thể bỏ qua vấn đề biến đổi khí hậu và phải chấp nhận đi theo xu hướng bền vững.
Một cách để thực hiện điều này là đánh vào chi phí khai thác.
Ông Paul Prager, giám đốc điều hành và người sáng lập công ty khai thác Bitcoin Terawulf - cho biết: "Có hai hình thức quy định khi nói đến chi phí môi trường của tiền điện tử. Loại đầu tiên sẽ yêu cầu minh bạch hơn về chi phí carbon của việc vận hành một doanh nghiệp tiền điện tử và loại thứ hai sẽ áp đặt một số loại thuế carbon". Ông nói thêm: "Chúng tôi nghĩ rằng, những người chọn điều hành các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ phải chịu chi phí cao hơn những người có doanh nghiệp không sử dụng nhiên liệu hóa thạch".
Ngoài ra, việc thực hiện các hạn chế đối với hoạt động khai thác tiền điện tử sẽ chứng tỏ nỗ lực theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và các mục tiêu về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Một số quốc gia đã và đang xem xét vấn đề này, bao gồm Thuỵ Điển và Na Uy. Trung Quốc vào năm ngoái cũng đã cấm thực hiện các giao dịch tiền điện tử. Tuy vậy, hoạt động khai thác loại tiền này lại chuyển sang quốc gia láng giềng là Kazakhstan. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có một lệnh cấm phối hợp toàn cầu để thực sự giải quyết vấn đề.
Theo Vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()