Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:38 (GMT +7)
Khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip
Thứ 6, 04/11/2022 | 09:33:27 [GMT +7] A A
Tháng 3/2022, Bệnh viện Bãi Cháy là cơ sở khám, chữa bệnh đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc quản lý của Sở Y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai việc khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip (đạt 100%); 604.687 người dân có thẻ BHYT được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đây chính là kết quả chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành Y tế Quảng Ninh nhằm thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, một trong những mục tiêu cụ thể trong năm 2022 Chính phủ đặt ra là "Bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng định danh điện tử quốc gia của Bộ Công an (VNEID), trong đó tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như thẻ BHYT".
Để thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, ngày 28/2/2022, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn triển khai thí điểm khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip và Quảng Ninh nhanh chóng triển khai nội dung này. Ngành Y tế tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị trang thiết bị, nhân lực và phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương liên quan để đồng bộ dữ liệu y tế với CCCD. Điều này cho thấy việc chăm sóc sức khỏe người dân trên nền tảng số đã được ngành Y tế và các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai mạnh mẽ.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có hơn 15.500 người sử dụng CCCD gắn chip thay thẻ BHYT giấy khi đi khám, chữa bệnh và hệ thống tra cứu trả kết quả thành công; 75 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT có bệnh nhân đến khám, chữa bệnh bằng thẻ CCCD gắn chip. Những con số này khá khiêm tốn so với số 604.687 người dân có thẻ BHYT được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và 100% cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc quản lý của Sở Y tế trên địa bàn tỉnh (177 trạm y tế, 23 bệnh viện và 6 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân) đã triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip. Và chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số lượt người khám, chữa bệnh BHYT trong 9 tháng năm 2022 là 1.686.596 lượt người. Được biết, tỷ lệ người sử dụng CCCD gắn chip để khám, chữa bệnh thấp là do hiện nay, việc triển khai khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chip đang được ngành Y tế thực hiện thí điểm từng bước, có lộ trình, tiến hành song song với các hình thức sử dụng thẻ BHYT giấy, sử dụng app của BHXH Việt Nam để khám, chữa bệnh. Mặt khác, đây cũng là chủ trương mới nên nhiều người dân vẫn chưa nắm rõ và vẫn sử dụng thẻ BHYT để khám, chữa bệnh.
Khám, chữa bệnh bằng CCCD gắn chip được coi là một bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính của ngành Y tế và Bảo hiểm xã hội. Việc sử dụng CCCD gắn chip trong khám, chữa bệnh BHYT cho người dân đem đến nhiều lợi ích đối với cả cơ quan quản lý, các cơ sở y tế và cả người dân. Cơ sở y tế và người bệnh giảm thời gian làm thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, tránh tình trạng sử dụng thẻ BHYT của người khác, thất thoát thẻ BHYT của người bệnh. Ngoài ra, cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát thẻ, quản lý thẻ BHYT, chống lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT.
Để chủ trương này được thực hiện rộng rãi, tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám bệnh, chữa bệnh BHYT, các cơ sở y tế, cơ quan BHXH cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm và khai thác hiệu quả những tiện ích từ chuyển đổi số của ngành Y tế.
Hà Chi
Liên kết website
Ý kiến ()