Phim chính luận đi về đâu?
Phim chính luận từng được xem là mảnh đất màu mỡ với các nhà sản xuất. Trong đó, đáng chú ý như “Người phán xử”, “Sinh tử”... Những bộ phim này khi phát sóng đã tạo hiệu ứng mạnh mẽ và là chủ đề hàng đầu để khán giả bình luận, bàn tán. Dòng phim cũng tạo nên loạt tên tuổi hoặc giúp cho sức hút của các diễn viên ngày một nổi bật trong mắt công chúng, trong đó phải kể đến: Cố NSND Hoàng Dũng, Việt Anh, Doãn Quốc Đam...
Tuy nhiên, thời gian gần đây, phim chính luận đang có dấu hiệu đuối sức trước các thể loại khác. Những phim như “Lựa chọn số phận”, “Hồ sơ cá sấu”... chỉ được chú ý khi phát sóng và không nhận được sự quan tâm của khán giả như kỳ vọng.
Nếu xét về nội dung, phim chính luận là món mới với khán giả khi chọn cách khai thác nội dung lạ hơn, với các vụ án, các ngành nghề đặc thù. Thêm nữa, dòng phim này có lợi thế khi các nhà làm phim có thể xây dựng kịch ly kỳ, lớp lang giúp thu hút sự quan tâm của khán giả. Tuy nhiên, dòng phim này khó làm, đòi hỏi nhiều yếu tố lại mang một nhược điểm, đó là kén người xem. Các nhà làm phim giải thích rằng, những phim chính luận thường dành cho các khán giả quan tâm đến những vấn đề nóng trong xã hội, còn phần đông, người xem thích những phim mang đề tài hôn nhân gia đình, tình yêu lứa đôi, những mâu thuẫn trong các mối quan hệ... bởi các đề tài này gần gũi mà bất cứ ai cũng từng trải qua.
Mới đây nhất là bộ phim “Hồ sơ cá sấu” dài 38 tập. Phim có khởi đầu gây nhiều tò mò cho khán giả bởi các tình tiết hấp dẫn cùng sự góp mặt của những cái tên nổi tiếng như Mạnh Trường, Việt Anh, Hoàng Hải, Doãn Quốc Đam, Lan Phương, Kiều Anh, Huyền Lizzie... Tuy nhiên, phim lại kết thúc trong hụt hẫng của người xem vì không giải quyết các tình huống triệt để. Điểm hạn chế khác của phim nằm ở cách kể chuyện gây khó hiểu, thậm chí có phần luẩn quẩn...
Phim gia đình: Nhiều bi lụy, gây “sóng”... ồn ào
Từ đầu năm 2021, phim truyền hình về đề tài gia đình đang được xem là yếu tố then chốt thu hút sự quan tâm của khán giả. Phim nổi tiếng và có lượt xem cao trên sóng giờ vàng là “Trở về giữa yêu thương” và “Hướng dương ngược nắng”. Và mới nhất, một loạt phim về chủ đề cuộc gia đình, hôn nhân đồng loạt lên sóng là “Hãy nói lời yêu”, “Thương con cá rô đồng”, “Hương vị tình thân”. Sau phim “Hướng dương ngược nắng”, phim nối sóng VTV là “Mùa hoa tìm lại”. Còn trên sóng HTV, một phim gia đình khác cũng đang “gây bão” là “Cây táo nở hoa”.
Điều đáng nói, trong thời điểm dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát và người dân phải tuân thủ nhiều nguyên tắc phòng chống dịch, việc ở nhà và theo dõi phim truyền hình trở thành lựa chọn không thể thiếu. Điều dễ nhận thấy, có quá nhiều phim cùng lên sóng đã tạo nên một sự cạnh tranh dữ dội, và bức tranh gia đình và những giá trị cơ bản của gia đình Việt lại được vẽ trên sóng truyền hình, theo cách đáng bàn và thậm chí là đáng phê phán, khi đi có một vài điểm điểm, có thể nói, ngược lại giá trị truyền thống...
Bộ phim tạo được tiếng vang nhất là “Hướng dương ngược nắng” xoay quanh những mâu thuẫn gia đình về chuyện con chung - con riêng, chính thất - tiểu tam, “cuộc chiến” tranh giành quyền lực, tài sản... Phần 2 kéo dài của phim gây nhiều ức chế cho người xem, do “câu giờ” và kéo dài với cách xây dựng những tình tiết vô lý trong kịch bản, những mối quan hệ yêu đương lằng nhằng có tính chất phi thực tế. Nhiều khán giả đã phản đối và đòi “tẩy chay” vì phim lạm dụng quá nhiều tình tiết phi lý, thậm chí “bi kịch hóa” cuộc đời của phụ nữ...
Không chỉ “Hướng dương ngược nắng”, một số phim từng lên sóng giờ vàng trước đó như “Cát đỏ”, “Tình yêu và tham vọng”... cũng gặp phải những phản ứng tương tự. Trong đó, “Cát đỏ” như cổ súy cho câu chuyện của người thứ ba trong tình yêu, hôn nhân,...
Phim đề tài gia đình - với những nội dung, nhân vật và tình tiết thường được xây dựng theo hướng bi kịch hóa số phận, nhiều khi là nói quá lên, lại phát sóng khung giờ vàng với khán giả nhiều lứa tuổi xem, đôi khi được cho là chưa phù hợp. Biên kịch Hồng Nhung cho biết: “Phim mâu thuẫn gia đình luôn là mảnh đất màu mỡ của các nhà làm phim, bởi những mâu thuẫn gia đình chưa bao giờ hết nóng sốt, luôn được khán giả quan tâm. Tuy nhiên, việc lạm dụng các tình tiết để tăng sự kịch tính đôi khi phản tác dụng, chính vì thế nhà làm phim cần phải cân nhắc, cân đối và đưa ra thông điệp, cách giải quyết câu chuyện rõ ràng cho những mâu thuẫn đó”.
Trong thời điểm dịch bệnh, phim điện ảnh “đóng băng” thì truyền hình vẫn là “món ăn chủ lực” của các gia đình Việt. Tuy nhiên, khi gia đình và những giá trị căn bản của cuộc sống gia đình, hôn nhân được tái hiện trên sóng truyền hình quá bị lụy, bi kịch và có phần đi theo các mô típ quen thuộc của phim Trung Quốc, Hàn Quốc thì cũng cần cảnh báo và cả việc đặt câu hỏi về giá trị giáo dục, văn hóa...
Ý kiến ()