Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 22:04 (GMT +7)
Khi ca sĩ hoá hoàng hậu, tướng quân…
Chủ nhật, 19/05/2024 | 18:23:17 [GMT +7] A A
Cuối cùng MV “Quả táo vàng”, sản phẩm mà Tuấn Hưng hứa hẹn là một sự lột xác hoàn toàn của bản thân anh về hình ảnh lẫn âm nhạc, đã “rơi” đến tay khán giả. “Thượng đế” ngỡ ngàng vì không còn thấy Tuấn Hưng của thuở “nắm tay anh thật chặt, giữ tay anh thật lâu” mà lần này nam ca sĩ lại hoá thân thành Hưng Tướng Quân. Sự kiện đã xới lên nhiều ý kiến của khán thính giả về dòng MV ca nhạc mà ca sĩ hoá thân cổ trang.
Không thể cứ đãi nhau rau muống, thịt kho tàu
Không chỉ mặc áo giáp như tướng quân ngày xưa, nam ca sĩ còn thể hiện mấy chiêu võ, khiến một số người xem kinh ngạc. Phóng viên hỏi giọng ca “Nắm tay anh thật chặt”: “Hình như đây là lần đầu tiên anh làm MV cổ trang? Có phải anh đang cố gắng bắt xu hướng?”.
Tuấn Hưng đáp: “Đúng là lần đầu tôi ra MV cổ trang nhưng tôi làm theo tinh thần của ê-kip, đạo diễn, chứ chẳng bắt “trend” nào cả”. Nam ca sĩ cũng không hứa hẹn sau MV này sẽ tham gia phim cổ trang: “Tôi làm một cái MV cổ trang để thay đổi hình ảnh nghệ sĩ đã quá cũ kỹ đối với khán giả trong vòng hai mươi mấy năm qua. Còn việc có tham gia phim cổ trang hay không thì không có gì chắc chắn”.
Theo Tuấn Hưng, hiện nay nhiều ca sĩ thích làm MV cổ trang đều xuất phát từ một mục đích, muốn “đãi” khán giả “món ăn” mới lạ. Bản thân Tuấn Hưng cũng thấy mình điên rồ khi tung ra “Quả táo vàng” nhưng với anh đó là sự điên rồ cần thiết: “Bằng MV này tôi đã bước ra khỏi vòng an toàn, không còn hát những bài an toàn, dễ nghe, dễ hát, dễ cảm.
Có người nói tôi đã từng này tuổi mà sao còn hát những bài như thế? Cứ thử tưởng tượng xem, hai vợ chồng sống với nhau bao năm, ngày nào bà cũng cho ông ăn cơm rau muống luộc với thịt kho tàu thì sẽ đến lúc cả hai cảm thấy chán ngán chứ! Rất cần thiết phải đổi món”.
Đành rằng đẹp nhưng nhìn hoài… cũng chán
MV có màu sắc cổ trang ở ta xuất hiện lần đầu năm nào? PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Cương, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, là một trong những khán giả thích nhạc Việt cho rằng: “Nếu tôi nhớ không nhầm thì thập niên 90 những ngôi sao như Đan Trường cũng đã làm MV cổ trang rồi, Đan Trường đấu kiếm, Đan Trường chạy trên mặt nước như phim kiếm hiệp. Rồi sau đó hình như Đan Trường còn hoá Thần điêu đại hiệp trong MV “Trăng vỡ”, cũng tạo hiệu ứng nhất định.
Nhưng ca sĩ thành công hơn cả với MV mang màu sắc cổ trang, theo tôi phải nói đến Sơn Tùng M-TP trong “Lạc trôi”. MV này có tiếng vang vượt ra khỏi biên giới. Sau “Lạc trôi” của Sơn Tùng M-TP thì tôi thấy hầu như các MV có màu sắc cổ trang không dám nói là chất lượng đi xuống nhưng không gây được tiếng vang lớn như thế. MV của Tuấn Hưng cũng trong tình trạng tương tự”.
Fan của Sơn Tùng M-TP coi “Lạc trôi” là siêu phẩm cũng không có gì khó hiểu. Nhưng không ít khán giả lại bầu chọn cho những MV cổ trang khác. Có người thích Hoà Minzy trong “Không thể cùng nhau suốt kiếp”, có người lại mê Chi Pu trong “Anh ơi ở lại”. Theo Đinh Ngọc Quyên, một khán giả trẻ ở Hà Nội, MV cổ trang được ca sĩ lẫn người thưởng thức yêu thích vì: “Nó giống như một bộ phim ngắn, thú vị.
Hơn nữa, trang phục lại rất đẹp. Như MV của Chi Pu, phải nói là đẹp xuất sắc từ khuôn hình tới phục trang, lại dựa theo truyện cổ tích Tấm Cám, rất quen thuộc với người Việt”. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Cương cũng đồng tình với ý kiến này: “MV mang màu sắc cổ trang dễ cuốn vì đẹp. Đẹp từ trang phục tới hình tượng nên những MV này vẫn có sức hấp dẫn giới trẻ nhất định”.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu văn hoá thích nhạc Việt vẫn cảnh báo những ai đang định chạy theo xu hướng làm MV có màu sắc cổ trang: “Nếu chỉ chạy theo cái đẹp hình thức, quay quanh quần áo, trang phục, tóc tai thì MV ấy cũng lọt thỏm, khó “hot”. Cái đẹp bề ngoài chỉ nhìn 1 đến 2 lần là chán. Cho nên, dù dựa hơi cổ trang vẫn rất cần những sáng tạo trong âm nhạc”.
Có ý kiến lại cho rằng, ca sĩ chạy theo MV màu sắc cổ trang vì lưu luyến kí ức tuổi thơ. Chẳng hạn, nam ca sĩ Đan Trường từng chia sẻ, anh làm phim ca nhạc màu sắc cổ trang “Mưa trên cuộc tình” còn vì ký ức Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài trong tuổi thơ anh.
Không thoát bị “soi”
Trở lại với MV của Tuấn Hưng. Một số “thượng đế” không cảm được vị ngon khi thưởng thức “Quả táo vàng”, ngay cả những người vốn thích nhạc Tuấn Hưng: “Xưa giờ nghe nhạc ông nhiều lắm, mà MV này không thấm nổi”; “MV không hiểu gì luôn… nhạc dở, diễn viên đóng dở nữa”; “Nghe nhức đầu”; “Nâng quả đất, hái quả táo tàu, chán chuyện”…
Ngược lại, có những khán giả khoái. Họ khen giọng ca của nam ca sĩ và còn khen anh “luyện chưởng như phim chưởng”; “Bài hát hay, bối cảnh đẹp, ngoại trừ ánh mắt của Hưng Tướng Quân thiếu thần sắc và khí chất”. Lại có ý kiến vỗ tay: Tuấn Hưng trong MV này có tư duy gần tiệm cận… Sơn Tùng M-TP.
Tuấn Hưng giãi bày: Lời khen tiếng chê là tất yếu trước một sản phẩm mới ra. Với những bình luận đánh giá MV khó hiểu thì giọng ca “Nắm tay anh thật chặt” phản biện: “Một bài nhạc Hoa, một bài hát Tây, ta có hiểu lời đâu nhưng vẫn thấy hay? Âm nhạc vượt qua ngôn ngữ, giới tính, văn hoá… Nhiều người khi bình luận còn viết sai chính tả mà cứ hay soi mói”.
Theo PGS.TS Ngôn ngữ học Phạm Văn Tình, việc sử dụng nhiều từ Hán Việt trong ca khúc có màu sắc cổ trang không có gì đáng phê phán: “Từ Hán Việt là từ Việt được Việt hoá và trở thành tài sản tiếng Việt. Không nên bắt bẻ sao dùng nhiều từ Hán Việt như thế trong ca khúc được dựng thành MV cổ trang.
Ca từ trong bài hát cần phản ánh đúng nội dung và trong sáng chứ không phải vấn đề người viết dùng từ Hán Việt hay thuần Việt. Chỉ cần người viết sử dụng từ ngữ hợp lý, tạo sự dễ chịu cho người nghe là được”.
Tuy nhiên, chuyên gia ngôn ngữ học cũng phàn nàn: “Có những bài hát Việt tôi không thể hiểu ca từ. Tôi phục những ca sĩ thuộc được những lời đó. Khó vô cùng. Cá nhân tôi không thể nào tiếp cận được”.
Khán giả không chỉ “soi” ca từ, soi thần thái diễn viên, còn “soi” cả trang phục, đầu tóc, chiều cao, nhan sắc... của nghệ sĩ tham gia MV cổ trang. Có người nghi ngờ: Bộ giáp của Hưng Tướng Quân như được làm từ bìa các tông. Đem nghi ngờ này của khán giả gửi Tuấn Hưng, anh phản biện: “Phải là chất liệu nhẹ chứ bộ giáp chất liệu nặng thì đánh võ vào… mắt à?”.
Có người “soi” tóc Tuấn Hưng, sao lại ngắn thế, không giống trong phim cổ trang chút nào? Người hát trên ban công giải thích: “Tôi không muốn cổ trang của mình bắt buộc phải như cổ trang Trung Quốc mà phải mang màu sắc hiện đại hơn một chút”. Lại có ý kiến, tại sao Tuấn Hưng để vợ đóng vai Phu nhân Tướng Quân, ưu ái người thân chăng? Nam ca sĩ đáp gọn: “Sắc đẹp của vợ tôi phù hợp vai diễn ấy”.
Vì câu chuyện trong MV “Quả táo vàng” không liên quan tới nhân vật có thật trong lịch sử nên diễn viên cũng thoát bị so với nguyên mẫu. Như MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” tái hiện hình ảnh Hoàng hậu Nam Phương bị chê rằng, Hoàng hậu quá nhỏ bé khi sánh bước bên Vua Bảo Đại, vì người thủ vai Vua Bảo Đại (model Nguyễn Xuân Phúc) cao hơn quá nhiều so với Hoà Minzy, vai Hoàng hậu Nam Phương.
Đầu tư tốn kém
MV “Không thể cùng nhau suốt kiếp” lại được vỗ tay với phần phục trang đẹp, chỉn chu. Tổng số phục trang được thiết kế và phục dựng cho MV lên tới 140 bộ, do 3 đơn vị và cá nhân cung cấp. Số tiền đầu tư cho trang phục không được ca sĩ Hoà Minzy tiết lộ cụ thể nhưng chắc chắn không nhỏ.
Mấy năm trước Đan Trường làm phim ca nhạc cổ trang “Mưa trên cuộc tình” được cho là một cuộc chơi lớn khi anh rót kinh phí đưa cả ê-kip sang Phượng Hoàng cổ trấn thực hiện nhiều cảnh quay. Phim ca nhạc cổ trang của Đan Trường còn có sự góp mặt của một số diễn viên, ca sĩ nổi tiếng: Việt Hương, Ngô Kiến Huy, Hạ Vy, Huỳnh Lập, Trung Quang…
Với “Quả táo vàng”, Tuấn Hưng không mất cát-xê cho vợ anh, người thủ vai Phu nhân Tướng Quân song nam ca sĩ tiết lộ: “Tốn gấp đôi so với làm MV khác. Tôi không muốn công khai con số. Bởi nếu nói con số thật thì người ta lại “soi”, bỏ ra bằng ấy tiền mà chỉ làm được MV thế này? Hoặc là, ôi sao không dùng tiền ấy đi làm từ thiện đi. Toàn những câu tôi không muốn nghe”, Tuấn Hưng nói. Anh cũng nói không biết sẽ tiếp tục theo đuổi MV cổ trang nữa hay không.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()