Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:03 (GMT +7)
Khi các cô gái Sán Chỉ ra sân đá bóng
Chủ nhật, 03/11/2024 | 10:25:18 [GMT +7] A A
Không chỉ là những trận cầu vui mắt, sặc sỡ váy áo, bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ đem lại không khí sôi động cho nhịp sống những ngày thu đông cuối năm ở vùng biên giới, dân tộc miền núi Quảng Ninh.
Từ thuở ban đầu ngại ngùng ấy
Nhiều người còn nhớ vào thời điểm năm 2017, trận bóng đá nữ Sán Chỉ đầu tiên do anh Sằn A Tám lúc đó đang là Bí thư Đoàn Thanh niên xã Húc Động, huyện Bình Liêu khởi xướng. Khi đó, các chị em ra sân mà e ngại vì không biết váy áo kia đá có vướng không. Rồi khăn vấn trên đầu có bị tuột khi chạy. Mặc váy thì những pha tung móc bóng, giơ chân lên cao sẽ thế nào...
Cuối cùng, những câu hỏi đầy băn khoăn ấy dần dần được cởi bỏ trong đầu. Chị em đã mặc thêm một chiếc quần đùi bên trong váy. Khăn thì được vấn chặt hơn. Đặc biệt, họ không đi tất dài đến đầu gối như thường thấy với các cầu thủ bóng đá để bảo lưu bản sắc trang phục truyền thống khi ra sân. Chị Mảy Thị Kim bồi hồi nhớ lại cái ngày 7 năm trước chị mặc váy ra sân đá bóng. Đến bây giờ, đội bóng đầu tiên ấy chỉ còn mấy người là chị Kim, chị Sằn Thị Hỷ, chị Đặng Thị Lò và chị Sằn Thị Hai.
Thời điểm đó, khi tổ chức đá bóng, anh Tám chỉ nghĩ đó là trò tiêu khiển, xong rồi thôi. Ai ngờ, bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ dần thành một phong trào thể thao lớn mạnh. Xã Húc Động hiện có tới 7 đội bóng đá nữ. Cầu thủ của những đội bóng này có từ thiếu niên tới các chị đã có đến 2 con.
Chị Sằn Thị Hai là một trong những chân sút chủ lực có tiếng của CLB bóng đá xã Nà Ếch, hôm nay được tham gia giải bóng đá nữ dân tộc cấp tỉnh. Và trận đầu tiên là trận đấu với đội Trường THPT Hoành Mô. Mỗi lần được đá bóng, chị đều cảm thấy vui vẻ, phấn khởi. Đây là lúc chị được thỏa mãn đam mê, đồng thời khéo léo khoe vẻ đẹp trang phục truyền thống của dân tộc mình. “Trang phục truyền thống của phụ nữ Sán Chỉ vừa tiện lại vừa đẹp. Khi mình mặc váy đá bóng mình cảm thấy rất tự hào. Đây là cách mình giới thiệu tới mọi người vẻ đẹp trang phục truyền thống của dân tộc mình” - chị Hai chia sẻ.
Chị Lục Thị Cọm hào hứng nhìn các cháu, các em đá bóng, kể: "Mình lớn tuổi rồi, chạy không lại được các bạn ấy. Mình nhường sân cỏ lại cho lớp trẻ thôi". Để cho bóng đá nữ ngày càng phát triển, anh Tám luôn chú trọng đến bồi dưỡng năng khiếu bóng đá cho lớp trẻ, từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện nay, cầu thủ trẻ nhất ở Húc Động là La Thị Lày, học sinh lớp 8 Trường THCS xã Húc Động. Thời điểm cuối năm và đầu năm mới, nhiều địa phương tổ chức lễ hội và cứ có lời mời là đội bóng đá nữ Húc Động lại lập tức lên đường.
Chị Lục Thị Cọm chỉ ra chỗ khán giả đông đúc kia bảo với tôi rằng, kiểu gì cũng có một vài ông chồng của các cầu thủ nữ. Có người còn bế cả con nhỏ đi cổ vũ. Con có khát sữa cũng chờ đến giờ giải lao giữa hai hiệp, mẹ ra cho bú rồi vào đá tiếp. Nói thế để thấy được rằng, các đức lang quân ủng hộ chị em đến cỡ nào, cũng thấy được niềm đam mê trái bóng của các chị cao đến đâu. Mỗi khi nghe tiếng còi khai cuộc vang lên trên sân bóng, đôi chân những cô gái Sán Chỉ lại rộn ràng. Tiếng còi bóng đá cũng hấp dẫn không kém tiếng khèn lá gọi bạn tình của những người đàn ông Sán Chỉ trên đồi.
Vậy là trong trang phục áo xanh, váy đen, chị em lại lăn xả, hết mình với những đường chuyền, phô diễn kỹ năng điều khiển bóng và dứt điểm mạnh mẽ bằng những cú sút xa. Sau mỗi pha làm bàn là những tràng vỗ tay như pháo rang, những tiếng hò reo cổ vũ của người hâm mộ là bà con trong thôn, bản. Bóng đá đã xua tan đi những giờ lao động mệt mỏi, sau những buổi lên rừng hái hồi, hái sở… của bà con Sán Chỉ.
Ban đầu còn có chị bị rơi khăn vấn hay thậm chí là tuột váy. Còn đến giờ thì bộ váy áo, khăn vấn xanh đội đầu duyên dáng xưa kia không chỉ dùng để đi hội nữa mà nay còn rất thích hợp cho việc đá bóng. Riêng ở Bình Liêu, áo đấu bóng đá không phải là quần đùi, áo phông mà là áo xanh, váy đen. Từ các cô gái mặc nguyên váy áo đá bóng cũng giúp cho chị em thêm yêu hơn trang phục dân tộc mình và họ thấy tự hào về điều này.
... đến một sản phẩm du lịch
Những hình ảnh, thông tin về các cô gái Sán Chỉ đá bóng được đăng lên các báo trung ương, địa phương khiến Húc Động trở nên nổi tiếng. Không chỉ ở trong phạm vi Quảng Ninh hay Việt Nam, bóng đá nữ Sán Chỉ đã đưa hình ảnh du lịch Bình Liêu lên mặt báo của những hãng thông tấn lớn nước ngoài như AFP hay France 24. Từ những bức ảnh, những bài viết trên báo quốc tế, người dân trên toàn thế giới biết đến những người phụ nữ vừa là nông dân vừa là cầu thủ đang trao truyền những nét đẹp văn hóa truyền thống được đan cài khéo léo vào nhịp sống đương đại. Hình ảnh “Đội bóng váy đen” dần trở thành một biểu tượng giàu sức sống giữa bản sắc dân tộc lâu đời với sự hòa nhập quốc tế hiện đại.
Đã có nhiều đoàn khách du lịch, các tay săn ảnh đến từ nhiều tỉnh phía Bắc, thậm chí mãi miền Nam tìm đến Quảng Ninh. Cả du khách nước ngoài cũng đến Húc Động để được xem đá bóng nữ Sán Chỉ. Họ đến để tìm kiếm vẻ đẹp cuộc sống. Với những du khách nước ngoài, họ đến đây để đi tìm lời giải cho câu hỏi tại sao ở một vùng đất xa xôi như Bình Liêu, môn thể thao vua lại được những người phụ nữ dân tộc yêu thích đến vậy. Những người phụ nữ duyên dáng trong trang phục truyền thống sẽ thực hiện những động tác xử lý bóng ra sao...
Bóng đá nữ Sán Chỉ đã kéo du khách đến với Húc Động nói riêng và Bình Liêu nói chung ngày càng đông hơn. Thậm chí có cả một chương trình truyền hình thực tế của một cuộc thi sắc đẹp đã đưa các thí sinh lên đây đá bóng giao lưu với các cô gái Sán Chỉ. Đoàn gồm các hoa hậu, á hậu Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đã có cuộc giao lưu bóng đá với đội bóng của các cô gái Sán Chỉ trong khuôn khổ chương trình “Cùng hoa hậu chắp cánh du lịch Việt” tại Quảng Ninh.
Từ ý tưởng ở Húc Động, phong trào bóng đá nữ Sán Chỉ ngày nay tại các huyện miền Đông rất sôi động. Bóng đá nữ Sán Chỉ lan nhanh ra các xã Lục Hồn, Đồng Tâm, thị trấn Bình Liêu rồi theo câu hát soóng cọ gọi bạn tình mà lan sang các xã Đại Thành, Đại Dực (nay sáp nhập thành xã Đại Dực) của huyện Tiên Yên, ra xã Quảng An của huyện Đầm Hà, ra tận đến mảnh đất Pò Hèn, xã Hải Sơn của TP Móng Cái.
Các cô gái Sán Chỉ ở Bình Liêu còn xuống tận bãi biển thuộc khu Hạ Long Marina, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long để đá bóng. Đầu năm nay, đến với xã Quảng An, huyện Đầm Hà, chúng tôi còn được chứng kiến các cô gái Sán Chỉ đá bóng giao hữu với sinh viên Trường Đại học Hạ Long. Trong số các cầu thủ đó có nhiều lưu học sinh đến từ đất nước Lào. Như thế, nếu nhìn rộng ra, bóng đá nữ Sán Chỉ còn được tổ chức giao hữu ở tầm quốc tế.
Khởi phát từ Húc Động, phong trào bóng đá nữ Sán Chỉ ngày nay tại các huyện miền Đông rất sôi động. Thấy người Sán Chỉ mặc váy đá bóng rất đẹp lại năng động, các cô gái Dao, Tày cũng mặc váy áo truyền thống tham gia. Lần đầu tiên giải bóng đá nữ các dân tộc tỉnh Quảng Ninh tranh Cúp Hà Lan năm 2024 được tổ chức tại Húc Động. Dù mới là lần đầu tiên nhưng đã có 7 đội tham gia thi đấu tại giải. Các đội tuyển, CLB này gồm các cầu thủ là người dân tộc thiểu số, thường trú tại địa bàn, địa phương đó.
Sau này, ngoài người Dao, người Tày và Sán Chỉ, có thể các cô gái của những dân tộc khác sẽ tham gia. Ông Tạ Vĩnh Thắng, Trưởng Phòng VH-TT huyện Tiên Yên, cho biết: Tới đây, trong lễ hội truyền thống, chúng tôi sẽ nghiên cứu tổ chức các trận giao hữu bóng đá nữ giữa dân tộc Sán Dìu với các dân tộc Dao, Sán Chỉ. Chúng tôi cho rằng, trang phục truyền thống của người Sán Dìu cũng phù hợp với bóng đá nữ.
Câu chuyện của chị Lục Thị Cọm kéo tâm trí tôi trở lại với trận đấu vòng bảng giữa đội Húc Động và đội Hoành Mô. Đúng như chị Cọm nói, các cháu học sinh ở Hoành Mô nhanh nhẹn hơn nhiều. Thủ môn Chíu Thị Uyên của đội Hoành Mô bắt bóng nhanh và ứng xử cũng nhanh. Loáng một cái là bóng đã nằm trong tay Uyên.
Vì sự nhanh nhẹn của lớp trẻ nên nếu đội Hoành Mô có thắng các chị, các cô của mình thì cũng không có gì lạ cả. Và đội Húc Động cũng chẳng ai buồn. Ngược lại, họ còn vui hơn bởi lực lượng dự bị kế cận của bóng đá nữ Sán Chỉ ở Bình Liêu đang được bổ sung thêm nhiều gương mặt trẻ.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()