Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:02 (GMT +7)
Khi điện, nước về với Nà Sau
Chủ nhật, 25/07/2021 | 10:25:18 [GMT +7] A A
Nhớ vào dịp giáp tết âm lịch năm 2018 khi chúng tôi đến khu giãn dân Nà Sau (thôn Nà Nhái, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) thì thấy cảnh “vườn không, nhà trống” ngay cả vào dịp tết. Ngày nay, mọi việc đã khác.
Trung tuần tháng 7 vừa qua, chúng tôi lại có dịp đến Nà Sau để tìm hiểu tuyên truyền về đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa. Vẫn là những ngôi nhà khóa kín cửa, nhưng do bà con đi làm rừng, ruộng chưa về. Không khí trong làng đã khác trước, không còn là cảnh vắng lặng im lìm, mà đâu đó tiếng bò, bê, tiếng gà cục tác rộn ràng, có gia đình còn ở nhà…
Khu giãn dân Nà Sau được thành lập từ năm 2013 và có 20 hộ dân Dao Thanh Y đến từ thôn Nà Nhái, xã Vô Ngại. Thế nhưng mấy năm đầu, nơi đây chỉ là chỗ tạm trú của vài hộ dân có nhà ở đó, còn đa phần họ ở lại làng cũ do Nà Sau thiếu đường bê tông, điện, nước... Ngày nay, khu giãn dân đã có điện lưới, đường bê tông đến tận huyện, có đập tràn, từ đó cũng tạo thuận lợi cho Nà Sau được đầu tư hệ thống nước sinh hoạt.
Cuộc sống ổn định đã hiện rõ ở khu giãn dân với những vườn rau xanh mơn mởn, từng đàn gà, ngan kiếm ăn ngoài sân. Trưởng thôn Nà Nhái, anh Tằng Sau Khìn bảo: “Bà con đã ổn định với công việc đi chích nhựa thông, bóc vỏ keo làm ruộng và nuôi gia súc, gia cầm”.
Anh Nình Văn Nghiệp hôm nay ở nhà, ngôi nhà không chỉ có người lớn mà có cả lũ trẻ. Nhà anh nghiệp có 5 cô con gái đều đang tuổi đi học, mùa hè chúng nghỉ hè nên anh Nghiệp đưa cả gia đình ra Nà Sau. Hết hè, lũ trẻ lại về nhà ở Nà Nhái cách khu tái định cư khoảng 6km để đi học, chỉ còn vợ chồng anh Nghiệp ở lại.
Thời điểm này cũng là khi cả nước đang gồng mình chống dịch và yêu cầu người dân sống giãn cách, nên đến khu giãn dân, gia đình anh Nghiệp thấy vô tư hơn, chẳng phải lo lắng nhiều chuyện dịch bệnh, vì ở đó toàn người làng cả.
Gia đình anh Nghiệp mới mua chiếc máy cày mới từ số tiền tiết kiệm nhiều năm qua. Tuy nhà anh chỉ có 2 sào ruộng, thế nhưng đất ở đây khá rắn cần phải có máy cày. Mặt khác, thời buổi nay khác xưa rồi, mấy ai còn cày bằng trâu nữa phải hiện đại hóa chứ. Vậy là cuộc sống đang dần mở ra những ngày tháng tốt đẹp, khi có máy cày anh sẽ làm việc nhanh hơn và sẽ có thu nhập cao hơn.
Cũng giống như anh Nghiệp, ông Phùn Sau Dùng cũng có nhà ở Nà Nhái, ngày xưa là khu ở chính mà nay đã dần trở thành nơi ở phụ. Ông Dùng giơ tay bật công tắc điện cho sáng căn nhà, một phần cũng là để khoe với chúng tôi về sự đổi thay của khu giãn dân Nà Sau này. Ông bảo: “Ở đây cần điện lắm, vì các cánh đồng đều ở trên cao không đưa nước từ suối sâu lên được. Khi có điện ta dùng máy bơm chống hạn. Điện đã có từ đầu năm 2019, nước sinh hoạt thì có trước đó rồi. Bây giờ cuộc sống sướng hay khổ thì do mình quyết định thôi, cứ làm ăn chịu khó là được”.
Ông Dùng đã hơn 60 tuổi, cuộc đời ông đã nhiều năm sống không điện lưới. Nhưng ngày xưa khác, bây giờ các thôn bản đều có điện lưới nước sinh hoạt, chỉ mất điện khoảng 1 tiếng đã thấy khó chịu rồi, không điện không nước ai mà ở được. Nhất là lũ trẻ con buổi tối phải có điện sáng cho chúng học bài, ban đêm phải có quạt điện chúng mới ngủ được. Khi Nà Sau có đủ điện lưới và nước sinh hoạt là bà con tự bám đất bám làng thôi.
Để người dân thực sự ổn định cuộc sống và bảo vệ an ninh vùng biên giới, theo anh Tằng Dẩu Khìn trưởng thôn Nà Nhái thì các hộ ở khu giãn dân, có nhiều hộ tình nguyện ra khỏi hộ nghèo, họ không được hưởng nhiều đãi ngộ của nhà nước như trước nữa, nên cuộc sống vẫn rất vất vả. Bởi bản tính của bà con vẫn là những người thật thà, kém năng động, ít quan hệ rộng. Họ rất muốn mở mang chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định cuộc sống nhưng lại sợ không bán được. Bà con rất mong các cấp chính quyền tỉnh, huyện có cơ chế tác động giúp họ tiêu thụ được sản phẩm chăn nuôi của mình để lại tiếp tục tái đầu tư duy trì cuộc sống.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()