Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 01:44 (GMT +7)
Khi HIV/AIDS len lỏi vào đời sống thường nhật...
Chủ nhật, 01/12/2013 | 06:13:49 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, công tác phòng chống HIV/AIDS đã thu được những kết quả rất khả quan; số người nhiễm mới HIV giảm đáng kể qua từng năm; nhận thức của người dân cũng như của chính bản thân những người có H cũng đã chuyển biến đáng kể theo hướng tích cực… Tuy nhiên, Đại dịch AIDS vẫn đang là mối đe doạ, với những nguy cơ tiềm ẩn trong đời sống xã hội. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, tình trạng lây nhiễm HIV những năm gần đây không thành “cơn sốt” như các năm trước, nhưng con đường lây nhiễm của nó lại phức tạp hơn, len lỏi vào các “ngóc ngách” của đời sống xã hội một cách “khó lường” hơn. Và vì thế, không chỉ những nhóm đối tượng có nguy cơ cao (như người tiêm chích ma tuý, người làm nghề mại dâm v.v..) mà ngay cả những người thuộc nhóm “nguy cơ thấp” cũng rất dễ “bị dính” HIV/AIDS, do lây nhiễm từ chồng (hoặc vợ) là những người có H, do lây nhiễm từ mẹ sang con v.v.. Đáng lo ngại hơn là hiện nay, một bộ phận trong giới trẻ đang có xu hướng chạy theo lối sống hiện đại, quan hệ tình dục bừa bãi… Đây chính là “mảnh đất tốt” cho sự lây nhiễm HIV!
Trong tình hình như vậy, công tác phòng chống HIV/AIDS nói chung, công tác truyền thông nói riêng, cũng cần có sự linh hoạt thì mới mang lại nhiều hiệu quả. Không chỉ quan tâm tuyên truyền để điều chỉnh hành vi đối với những người thuộc nhóm có nguy cơ cao mà phải đưa hoạt động truyền thông phòng chống HIV/AIDS đến từng tổ dân, khối phố; không chỉ ở đô thị mà cả các làng quê, thôn bản miền núi v.v.. cũng cần được tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về HIV/AIDS. Nói cách khác, khi HIV/AIDS đã len lỏi vào đời sống thường nhật của mỗi gia đình thì công tác phòng chống “căn bệnh thế kỷ” này nói chung, công tác truyền thông nói riêng, cũng phải linh hoạt, sâu sát, phù hợp thực tiễn thì mới mang lại nhiều hiệu quả.
Trong Tháng hành động nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS (từ 10-11 đến 10-12), chủ đề được đưa ra là “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”; đây cũng là mục tiêu chính trong Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của nước ta. Để thực hiện mục tiêu này là cả một quá trình lâu dài, với nhiều biện pháp đồng bộ, phù hợp thực tiễn từng giai đoạn. Hy vọng, với những kết quả đáng khích lệ trong những năm qua, Quảng Ninh sẽ cùng cả nước tiếp tục có những thành công trong công tác này, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số người nhiễm HIV mới trong thời gian tới.
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()