Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:28 (GMT +7)
Khi nào nên cắt Amidan?
Thứ 6, 01/11/2013 | 15:43:01 [GMT +7] A A
Hỏi: Tôi có thể chữa viêm Amidan như thế nào mà không cần cắt A. Tôi hay bị sưng A kèm theo sốt nếu gặp thời tiết lạnh hoặc uống nước lạnh. Nếu cắt A tôi phải điều trị như thế nào?
Trả lời:
Để trả lời câu hỏi trên chúng ta cần giải quyết 3 vấn đề:
1. Hiểu sơ lược về tổ chức Amidan
2. Khi chưa cần hoặc chưa có điều kiện đi cắt Amidan thì làm gì ?
3. Khi nào nên cắt Amidan và khi cắt Amidan chúng ta phải làm gì ?
Hình ảnh một ca mổ cắt Amidan tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. |
Amidan là tổ chức lympho nằm trong vòng bạch huyết Valdayer có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, đồng thời là nơi sản xuất ra kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch. Amidan hoạt động mạnh từ 4 – 10 tuổi, sau đó đến tuổi dậy thì mức độ miễn dịch của Amidan giảm và không hoạt động nữa. Nói đến viêm Amidan, cắt Amidan là nói tới tổ chức Amidan khẩu cái nằm 2 bên họng miệng có thể nhìn thấy khi đè lưỡi xuống và nhìn bằng đèn chiếu vào họng.
Khi mức độ viêm chưa nhiều, chưa ảnh hưởng đến chức năng thở, chức năng ăn nuốt chúng ta không cần cắt Amidan. Đặc biệt với sự phát triển trong sản xuất kháng sinh hiện nay giúp cho việc điều trị nội khoa các viêm Amidan tốt hơn.
Để hạn chế viêm Amidan chúng ta cần tránh các yếu tố nguy cơ gây viêm:
-Vệ sinh: giữ ấm vùng mũi họng nhất là lúc giao mùa, trời quá lạnh.
-Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: bụi, khói thuốc lá…
-Tránh dùng đồ ăn uống quá nóng hay quá lạnh
- Vệ sinh tại chỗ: súc họng sau khi ăn, sáng - tối
Nếu bị viêm Amidan cấp:
-Viêm Amidan cấp với biểu hiện 1 hoặc 2 triệu chứng hay nhiều triệu chứng sau: sốt, mệt mỏi, có hạch cổ, nuốt khó, đau, ăn khó, thở hôi, khạc ra chất bã đậu hay mủ.
- Đối với viêm Amidan cấp thông thường sử dụng kháng sinh uống, có thể tiêm kèm theo thuốc giảm viêm, giảm đau, thuốc súc họng tại chỗ và vitamin.
- Không điều trị hay điều trị không đúng có thể dẫn tới biến chứng viêm tấy - áp xe quanh Amidan, viêm tấy- áp xe thành họng, viêm hạch cổ, thấp khớp, viêm cầu thận, viêm tai giữa…Trong trường hợp có biến chứng việc điều trị tốn kém và kéo dài thời gian nằm viện hơn cho người bệnh.
Khi nào cần cắt Amidan và khi cắt Amidan chúng ta phải làm gì
Cắt Amidan có những chỉ định chặt chẽ. Có 3 chỉ định cơ bản:
1. Viêm Amidan tái diễn nhiều lần: 5-7 lần/năm
2.Viêm Amidan đã có biến chứng nhiều lần tại Amidan hay toàn thân: viêm - áp xe quanh Amidan, viêm tấy - áp xe thành họng, thấp khớp, hạch cổ…
3.Viêm Amidan quá phát ảnh hưởng đến chức năng ăn nuốt ( nuốt vướng, nuốt khó liên tục, chức năng thở (ngủ ngáy, cơn ngừng thở ngắn)
Thông thường người ta tiến hành cắt Amidan cho người bệnh khi đang không có biểu hiện viêm cấp tính của bệnh lý Amidan cũng như toàn thân. Người bệnh sẽ được xét nghiệm các thông số về máu như công thức máu, sinh hoá máu, sính hoá nước tiểu, chụp tim phổi, điện tim và khám tai,mũi, họng để đảm bảo đủ điều kiện gây mê cắt Amidan. Nguời bệnh cần được nghỉ ngơi, dùng an thần tối ngày trước mổ.
Hình ảnh Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện đa khoa tỉnh |
Hiện nay, cùng với tiến bộ của thuốc mê, phương pháp gây mê, đa số các bệnh viện thực hiện cắt Amidan gây mê nội khí quản giúp cho người bệnh tránh đau và ảnh hưởng tâm lý nhất là trẻ em. Các phương tiện cắt Amidan hiện nay giúp cho việc cắt Amidan gần như không chảy máu. Một số phương tiện mới hiện đại mới được áp dụng như dao mổ dùng sóng siêu âm, dao Coblator dùng sóng radio, dao mổ peakblade sử dụng sóng plasma giúp việc cắt Amidan gần như không chảy máu và giảm đau sau mổ rất hiệu quả. Thời gian nằm viện sau mổ được rút ngắn chỉ cần nằm viện sau mổ 1-2 ngày.
Sau mổ cắt Amidan, người bệnh được sử dụng kháng sinh tiêm hoặc uống, dùng giảm đau, chống viêm, an thần và vitamin. Người bệnh được hướng dẫn chế độ ăn từ lỏng đặc dần, ăn uống trở lại bình thường vào ngày thứ 10. Kiêng nói trong ngày đầu tiên phẫu thuật, sau đó có thể nói nhỏ. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, ăn bổ sung chất có dinh dưỡng cao và vitamin, tránh chất kích thích cay chua, vệ sinh họng miệng. Đặc biệt nên chú ý ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 có thể chảy máu do bong giả mạc tại hốc mổ. Hốc mổ Amidan hồi phục sau 2-3 tuần. Cá biệt có người chảy máu sau ngày thứ 10.
Tóm lại: Viêm Amidan là bệnh lý thường gặp, chủ yếu là điều trị nội khoa, khi cần thiết có thể thực hiện cắt Amidan tại các bệnh viện với các phương tiện tốt đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Ths.Bs. Vũ Thành Khoa
Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
Mọi thắc mắc của độc giả về vấn đề sức khỏe có thể gửi vào địa chỉ email: baoquangninh@gmail.com hoặc khoatmhhlqn@gmail.com
Độc giả cũng có thể liên hệ trực tiếp theo số điện thoại 0912.658568 để được giải đáp.
Liên kết website
Ý kiến ()