Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:20 (GMT +7)
Khi vợ chồng nhà văn hát chèo
Thứ 6, 05/08/2022 | 16:08:00 [GMT +7] A A
Vốn là một cán bộ hải quan Quảng Ninh, nhà văn Dương Hướng sau khi nghỉ hưu lại cùng với vợ của mình - một cựu giáo chức, hát chèo nhiều hơn như thể bù lại cái niềm đam mê từ thời trẻ nhưng do bận công tác mà chưa thực hiện được.
Nhà văn Dương Hướng tên khai sinh là Dương Văn Hướng, quê ở thôn An Lệnh, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Dương Hướng bắt đầu viết văn từ năm 1985, ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Ông từng làm công tác biên tập báo Hạ Long, được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017 với Tiểu thuyết Bến Không chồng.
Nhắc đến nhà văn Dương Hướng, người ta nhớ ngay đến tiểu thuyết “Bến không chồng”. Thế nhưng, ít người biết được rằng, ông còn có khả năng hát chèo rất hay. Nhà văn Dương Hướng cùng với vợ mình thường xuyên tham gia các sân khấu chèo quần chúng. Ông là người rất mê và hiểu sâu sắc các điệu chèo. Ở làng quê của nhà văn, từ già đến trẻ đều thích hát chèo hiểu được chèo. Từ thời thơ ấu, ông cũng đã bám theo cha mẹ anh chị đi xem hát chèo. Cha của ông là người đã tự tay làm những đàn bầu, sáo, nhị, khuyến khích con tập và chèo đã thấm vào máu ông từ ngày thơ ấu.
Và thực tế làng của Dương Hướng cũng đã có những người nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng cả nước như: Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Ngoan, Bích Kiên và Trung Anh. Những câu ca dao dân ca, hát chèo, hát văn đã nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách con người.
Bà Nguyễn Thị Quy, vợ ông, kể: "Đã một thời anh ấy còn sáng tác chèo cho đội văn nghệ của địa phương đi hội diễn văn nghệ quần chúng và được giải nữa cơ đấy. Có điều sau này nghề văn chiếm quá nhiều thời gian và sức lực nên anh ấy không muốn thể hiện đấy thôi. Lúc nào rỗi anh ấy lại hát những làn điệu chèo thuộc loại khó. Anh ấy hát rất nghề đấy! Chỉ có điều bây giờ già rồi, hát cũng ngại".
Sau khi xuất ngũ, chuyển ngành về làm hải quan ở Quảng Ninh rồi nghỉ hưu sớm để viết văn, nhà văn Dương Hướng gần như ít có thời gian để hát chèo. Nhưng với tình yêu quê hương yêu chèo sâu nặng ông vẫn không dứt được mối quan tâm đến chèo. Không đi hát được thì ông viết. Ông đưa chèo vào tiểu thuyết của mình. Dương Hướng dành nhiều trang văn để miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên nơi làng quê. Ở đó, làng quê là “thế giới huyền diệu, lũy tre xanh mượt, những thân cau cao vút, dòng sông đình lung linh in bóng cây quéo và nhịp cầu Đá Bạc” là “cánh đồng làng Đoài đã rực nắng vàng. Dòng sông đình mênh mang bao quanh đồng lúa trải dài mênh mông, bất tận”. Bức tranh làng quê trong tiểu thuyết của Dương Hướng luôn ngân lên tiếng sáo diều thanh bình yên ả, tiếng hát chèo mượt mà như vượt lên, bất chấp bom đạn của chiến tranh. Những trang văn của ông đã cất lên từ hồn cốt hình bóng của làng quê mình, nơi có từ truyền thống hát chèo, yêu chèo và mê chèo.
Có người bảo giọng hát chèo của nhà văn chính là nỗi niềm làm nên tiểu thuyết “Bến Không chồng”, “Dưới chín tầng trời” và “Trần gian đời người”. Thực tế, trong cả ba tác phẩm nêu trên đều có những trang viết nhà văn Dương Hướng dành riêng cho môn nghệ thuật chèo dân gian với những nhân vật tiểu thuyết có giọng hát chèo hay đến mê mẩn lòng người.
Ở Quảng Ninh sau này, đã một thời nhà văn Dương Hướng còn sáng tác chèo cho đội văn nghệ đi hội diễn văn nghệ quần chúng và được giải. Dương Hướng có thể hát những làn điệu chèo thuộc loại khó như “Đường trường vị thuỷ”, “Đường trường bán thước”, “Chinh phụ”, “Tò vò”, “Con nhện giăng mùng” .v.v.
Bà Nguyễn Thị Quy cùng quê chồng, từng dạy học ở Trường Trung học phổ thông Hòn Gai và cùng chung một niềm đam mê hát chèo với chồng. Bà Nguyễn Thị Quy chia sẻ: Tôi thích chèo từ nhỏ, khi còn là cô bé con đứng thập thò bên ngoài xem các anh chị tập hát trong đội văn nghệ làng, nhưng chẳng bao giờ được hát bởi còn mải mê học hành và công việc gia đình. Đến khi trưởng thành, làm nghề giáo nhưng cũng chưa bao giờ hát hò biểu diễn gì cả, chỉ có những lúc giảng bài văn về những tích chèo cổ, mới thường hát minh hoạ cho học sinh nghe một vài câu trong các vở chèo mà thôi. Mãi tới khi nghỉ hưu, vào hội đồng hương Thái Bình, được bạn bè cổ vũ mới thực sự nhập cuộc được vài ba năm nay. Ở tuổi ngoài lục tuần rồi mới đi hát cho vui cho khoẻ.
Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Thanh Mai, nguyên Phó Trưởng Đoàn Nghệ thuật Chèo Quảng Ninh, đánh giá: Bà Quy là nhà giáo nghỉ hưu nhưng với niềm đam mê chèo đã say sưa tập luyện, biểu diễn chèo truyền thống. Bà có chất giọng vừa phải nhưng với lòng đam mê đã vượt qua được nhiều khó khăn của một chất giọng giáo viên có tuổi. Chính cái niềm đam mê và nhiệt huyết ấy đã giúp bà vững vàng trên sân khấu. Những tiết mục bà biểu diễn rất đáng để xem.
Thời trẻ, tình duyên của hai ông bà cũng bắt đầu từ những làn điệu chèo. Bà Quy kể: Anh ấy đi bộ đội về đóng quân ở làng tôi. Tôi vẫn thường sang xem các anh bộ đội tập hát chèo. Anh ấy chơi líu (Nhị) và hát rất giỏi. Ở quê tôi nghe tiếng trống chèo là như bị cuốn hút mất hồn. Chúng tôi biết nhau và yêu nhau từ thuở ấy.
Soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền, Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhận định: Chúng tôi vô cùng tự hào vì hiện nay, người yêu nghệ thuật chèo ngày một đông đảo, tìm đến học một cách bài bản hơn, vững vàng hơn. Nhà văn Dương Hướng cách đây 5 năm có gửi cho tôi bài hát chèo của ông. Bởi thế tôi không hề ngạc nhiên khi hai vợ chồng ông hát chèo hay. Cả hai ông bà đều rất say mê hát chèo và khá nhiều lần tham gia hội chèo ở Quảng Ninh cũng như toàn quốc. Quan điểm xưa cho rằng chèo dường như là của nông dân của nhà quê nhưng ở đây, những người trí thức như hai ông bà cũng say mê chèo và biểu diễn chèo rất tốt.
Hiện nay, không chỉ mua sắm phương tiện thu âm, thực hiện những video, livetream phát trực tiếp trên mạng xã hội, cặp đôi hát chèo Kim Quy - Dương Hướng còn tham gia nhiều chương trình hát chèo trên các sân khấu quần chúng, tham gia nhiều câu lạc bộ hát chèo ở Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nội. Hai ông bà càng hát càng tỏ ra ăn ý nhất là những bài chèo cổ. Vợ chồng nhà văn còn thể hiện nhiều bài hát chèo mới được đặt lời theo những làn điệu chèo truyền thống, trong đó không ít bài do ông bà soạn lời.
Nhà văn Dương Hướng chia sẻ: Tôi rất yêu chèo và mong mọi người đều hiểu được bộ môn nghệ thuật này quan trọng với đời sống văn hóa dân gian như thế nào. Nhân những cuộc giao lưu như thế này và có lẽ Đài Tiếng nói Việt Nam, các câu lạc bộ những người yêu chèo toàn quốc nên phát huy giá trị truyền thống của môn nghệ thuật chèo.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()