Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:33 (GMT +7)
TP Hạ Long: Khi quy chế dân chủ được phát huy
Thứ 3, 16/07/2024 | 13:38:51 [GMT +7] A A
Những năm qua TP Hạ Long luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở; phát huy dân chủ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành pháp luật; tạo đồng thuận trong nhân dân đối với các chủ trương mới của Nhà nước, của tỉnh, thành phố.
TP Hạ Long thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, đồng thời xây dựng Chương trình công tác cụ thể của năm. Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở luôn chủ động thực hiện nhiệm vụ, đôn đốc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, các xã, phường thực hiện tốt QCDC ở cơ sở; nắm bắt tình hình triển khai tại các đơn vị, các xã, phường được phân công theo dõi. Đặc biệt, năm 2024, thành phố tập trung thực hiện theo Nghị quyết số 157/NQ-HĐND (ngày 30/1/2024) của HĐND thành phố về các biện pháp thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn TP Hạ Long.
Theo đó, thành phố tập trung triển khai các giải pháp bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thôn, khu phố trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Với 243 thôn, khu phố ở 33 xã, phường trên địa bàn, các hoạt động của thành phố luôn được công khai đến tổ dân, khu phố, hoặc đại diện nhân dân (thông qua các kỳ họp HĐND), như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết, phương án điều chỉnh quy hoạch khu dân cư, phương án đền bù, hỗ trợ GPMB, tái định cư; công khai nhiệm vụ, quyền hạn của các cán bộ chuyên môn trực tiếp giải quyết công việc cho dân theo quy định của pháp luật.
Các xã, phường luôn chú trọng công khai các khoản thu - chi; các đợt vận động quyên góp của dân, như: Các loại quỹ, các khoản đóng góp của dân; kinh phí xây dựng nâng cấp các tuyến đường liên khu, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng... Các cấp ủy, chính quyền cơ sở thực hiện mở rộng dân chủ để nhân dân tham gia bàn bạc và tự quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi xã, phường, khu phố nhân dân tự quản đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí.
Như tại khu phố 6, phường Cao Thắng, thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU “về đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị hình thành trước năm 2005 trên địa bàn các phường thuộc TP Hạ Long”, đội ngũ cán bộ phường, khu đã tổ chức các cuộc họp, thông tin đến nhân dân khu phố nắm bắt chủ trương, thực hiện. Nhờ thông tin tuyên truyền đầy đủ, người dân trong khu đã nắm bắt và hưởng ứng tích cực việc làm đường của khu phố. Theo đó, 84 hộ dân thuộc các tổ 54, 58, 59 khu phố 6 đã hiến 617,52m2 đất trị giá 12,5 tỷ đồng; tự giác tháo dỡ 76 trụ cổng, 467,5m2 tường rào trị giá 727,708 triệu đồng để phục vụ nâng cấp, mở rộng mặt đường ngõ; 67 hộ dân không thuộc diện phải hiến đất đóng góp kinh phí đối ứng 86 triệu đồng mở rộng mặt đường ngõ. Ông Phạm Công Lại (khu phố 6, phường Cao Thắng) chia sẻ: Mỗi người dân đều rất đồng thuận với việc công khai, minh bạch, trách nhiệm của các cấp chính quyền trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó, phát huy tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra khi tham gia vào các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
Không chỉ để nhân dân tham gia bàn bạc và tự quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng, quyền giám sát của nhân dân cũng được phát huy thông qua hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, hoặc gián tiếp thực hiện sự giám sát của mình thông qua hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
6 tháng đầu năm 2024, ban thanh tra nhân dân các xã, phường đã tổ chức 13 cuộc giám sát, ban giám sát đầu tư của cộng đồng các xã, phường đã tổ chức 168 cuộc giám sát. Qua công tác giám sát phát hiện một số vụ việc vi phạm, kiến nghị xử lý kịp thời.
Cùng với đó, thành phố thường xuyên chỉ đạo các phòng ban, đơn vị, UBND các xã, phường căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế tiến hành rà soát, bổ sung các quy chế; đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Trong đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy phục vụ nhân dân của CBCCVC, không để xảy ra tình trạng quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng, gây khó khăn, phiền hà, sách nhiễu của CBCCVC trong giải quyết công việc cho tổ chức, công dân. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định nêu gương, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, CBCCVC trong thực hành dân chủ; nghiêm túc phê bình cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu không thực hiện tốt các quy định về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; kịp thời giải quyết các kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của CBCCVC-LĐ và nhân dân. Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở ở TP Hạ Long đã góp phần tạo đồng thuận cao trong nhân dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ KT-XH trên địa bàn.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()