Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 10:12 (GMT +7)
Bình Liêu: Khí thế mới, mục tiêu mới trong năm 2023
Thứ 4, 08/02/2023 | 12:29:25 [GMT +7] A A
Năm 2022, với sự đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, huyện Bình Liêu đã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây chính là động lực cổ vũ to lớn để địa phương bước vào năm 2023 với khí thế mới, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH đề ra.
Quyết tâm từ ngày đầu, tháng đầu
Kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngày 27/1 (mùng 6 tháng Giêng), tất cả các cơ quan, ban, ngành, đơn vị trên địa bàn huyện Bình Liêu đã bắt tay ngay vào công việc. Từ công sở đến công trường thi công các công trình trọng điểm, đội ngũ CBCCVC-NLĐ đã nhanh chóng tập trung làm việc nghiêm túc, sôi nổi, thi đua hoàn thành tiến độ đề ra. Khí thế lao động đầu xuân đã và đang thể hiện quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Bình Liêu ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong không khí vui tươi đầu xuân mới, ngày 2/2 vừa qua, huyện Bình Liêu đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2022, phát động phong trào thi đua đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh 30/10 (1963-2023).
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Huyện ủy, UBND và các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị trên địa bàn huyện đã thống nhất ký giao ước thi đua với 8 nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023 đề ra; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua trong lĩnh vực xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, bộ máy tổ chức nhà nước, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; thi đua phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; các phong trào thi đua yêu cầu được tổ chức thiết thực, hiệu quả theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, có tiêu chí cụ thể, không chạy theo thành tích, hình thức.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 22/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức các hoạt động thiết thực, thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết 10-NQ/HU ngày 12/12/2022 của Ban Chấp hành Huyện ủy về nhiệm vụ, giải pháp năm 2023. Cùng với đó, chú trọng quan tâm chăm lo phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, giải quyết việc làm cho lao động, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện và tăng cường thông tin, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực để cổ vũ, tạo sức lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước đi vào thực chất, hiệu quả.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025, có tính bản lề và ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Vì vậy, huyện Bình Liêu tiếp tục phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội sinh, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao để triển khai đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh, cấp ủy, HĐND huyện, nhất là chủ đề năm 2023 “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng cuộc sống nhân dân”. Qua đó, không ngừng củng cố niềm tin của nhân dân, tạo khí thế mới, động lực mới, quyết tâm mới thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII và nghị quyết đại hội đảng các cấp, lập thành tích cao nhất chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập tỉnh.
Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân
Năm 2023, huyện Bình Liêu đề ra các chỉ tiêu kinh tế cụ thể: Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt trên 13%, tổng vốn đầu tư phát triển tăng trên 10%, tổng kim ngạch XNK hàng hóa tăng 10%, thu nội địa tăng trên 10%. Về các chỉ tiêu xã hội gồm: Giải quyết việc làm mới cho 600 lao động trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 83,1%; phấn đấu không còn hộ nghèo, không để tái nghèo và phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm 0,17% (13 hộ) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 97,6%...
Để hiện thực hóa các nhiệm vụ với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, trên địa bàn huyện năm 2023, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng, ban, đơn vị.
Theo đó, huyện tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH gắn với thực hiện chương trình xây dựng NTM, chương trình giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, tập trung sớm hoàn thành dự án động lực: Cải tạo, nâng cấp hệ thống tràn vượt lũ trên địa bàn huyện Bình Liêu (giai đoạn 1); cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động - Đồng Văn - Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C; xây dựng Trường THPT Bình Liêu...
Trong lĩnh vực kinh tế, huyện chỉ đạo phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư gắn với phát triển các sản phẩm OCOP; tổ chức lại sản xuất, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển du lịch, kinh tế biên mậu. Trong đó, đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững theo Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; tham mưu triển khai thực hiện đề án Phát triển du lịch bền vững, gắn với giảm nghèo và phát triển KT-XH huyện Bình Liêu đến năm 2030; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư và thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thu hút đầu tư các dự án hạ tầng trong KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn...
Bình Liêu xác định tiếp tục phát triển văn hóa - xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển toàn diện, mạnh mẽ giáo dục - đào tạo, y tế gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc tốt đẹp cùa đồng bào các dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ. Đồng thời, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; đảm bảo vững chắc QP-AN và chủ quyền biên giới quốc gia.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()