Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:08 (GMT +7)
Khi văn hoá là nền tảng
Chủ nhật, 03/03/2024 | 10:09:10 [GMT +7] A A
Ngày 6/2/2024, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Như vậy, Bình Liêu là huyện cuối cùng của tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời là huyện đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.
Kết quả này là điều kiện quan trọng để tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Những năm qua, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã thổi luồng gió mới vào mọi mặt đời sống của đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu. Bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh, các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp là sự nỗ lực của chính quyền, các tổ chức, đoàn thể từ huyện đến cơ sở và nhất là từ chính người dân. Đáng nói, những tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã gần như không còn trong tư duy của đồng bào, thay vào đó là sự đoàn kết, cố gắng xây dựng cuộc sống mới, phát triển kinh tế. Cơ sở hạ tầng thiết yếu điện, đường, trường, trạm được đầu tư khang trang góp phần để người dân được nâng cao dân trí, chăm sóc sức khoẻ, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hoá. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Bình Liêu ngày càng trở thành điểm đến, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Có được những kết quả, đổi thay ấy có một phần quan trọng đó là đồng bào các dân tộc trong huyện đã ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của xây dựng, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là du lịch. Ý thức về việc cần thiết phải bảo tồn trang phục truyền thống, lễ hội, văn hoá ẩm thực, trò chơi dân gian, tri thức dân gian, cưới hỏi... đã trở thành nền nếp với đồng bào. Các lễ hội đình Lục Nà, hội hát tháng ba, hội Kiêng gió, hội hoa sở... được tổ chức đều đặn hằng năm, là ngày hội văn hoá của chung các dân tộc trên địa bàn huyện. Nhiều câu lạc bộ hát then - đàn tính, hát pả dung đã được thành lập, hoạt động ổn định để bảo tồn, quảng bá những nét hay, nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào Tày, Dao trên địa bàn. Hình ảnh những cô gái Sán Chỉ trong trang phục truyền thống đá bóng đã lan toả như một hình ảnh biểu trưng về văn hoá, con người Bình Liêu.
Cũng chính bởi nhận thức được vai trò, giá trị của văn hoá - nhất là văn hoá truyền thống cùng với những lợi thế về địa lý, địa hình, khí hậu, phong cảnh... nên người dân Bình Liêu đã biết làm sao để phát huy các giá trị văn hoá cho phát triển du lịch. Chuyện những người trẻ ở Bình Liêu xây dựng homestay, làm hướng dẫn viên du lịch, tận dụng nền tảng mạng xã hội để làm kinh tế đã ngày càng phổ biến. Người dân Bình Liêu giờ đây đã nhận thức được văn hoá vùng đất, con người Bình Liêu chính là một tài sản vô giá, là tài nguyên quý cho phát triển kinh tế, nhất là du lịch. Văn hoá là động lực cho sự phát triển, là nền tảng đảm bảo cho sự thành công của xây dựng nông thôn mới.
Với việc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là Bình Liêu là huyện đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới sẽ là động lực để nhân dân các dân tộc huyện Bình Liêu tiếp tục đoàn kết xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, đời sống văn hoá tinh thần cho đồng bào, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()