Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 08:23 (GMT +7)
Kho bạc Nhà nước hạn chế tối đa sử dụng tiền mặt trong giao dịch
Thứ 4, 28/12/2022 | 14:52:48 [GMT +7] A A
Chiều 27/12, phát biểu tại buổi họp báo cung cấp kết quả hoạt động của hệ thống kho bạc năm 2022, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Trần Thị Huệ cho biết, về thu, chi ngân sách nhà nước, tính đến hết ngày 20/12, lũy kế thu trong cân đối đạt 1,727 triệu tỷ đồng, bằng 122,37% so với dự toán năm 2022 được giao.
Đối với chi thường xuyên, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã kiểm soát hơn 895 nghìn tỷ đồng, bằng 80,5% dự toán chi thường xuyên năm 2022 của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước. Thông qua kiểm soát chi thường xuyên, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 908.614 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết. Số thực từ chối thanh toán là 4.207 món, tương đương với 451 tỷ đồng.
Đối với chi đầu tư, lũy kế vốn đầu tư công năm 2022 kiểm soát, thanh toán qua KBNN đến ngày 20.12 là 403,1 nghìn tỷ đồng, bằng 67,9% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch năm 2022 Thủ tướng giao.
Qua kiểm soát chi đầu tư, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện 90.932 khoản chi chưa đủ điều kiện thanh toán theo quy định, đã yêu cầu bổ sung các thủ tục cần thiết. Số thực từ chối thanh toán là 934 món, tương đương với 60,1 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành đến ngày 20.12 là 203 nghìn tỷ đồng, trong khi kế hoạch đầu năm là huy động 400 nghìn tỷ đồng.
Kết quả này "phù hợp với khả năng thu của ngân sách Trung ương và tiến độ giải ngân đầu tư công cũng như duy trì hoạt động của thị trường trái phiếu Chính phủ", ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ nhà nước nhấn mạnh. Nhờ quản lý ngân quỹ nhà nước chặt chẽ, an toàn hiệu quả, năm 2022, tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước từ nguồn thu nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước dự kiến đạt gần 15,7 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2022, Kho bạc Nhà nước đã triển khai mở tài khoản chuyên thu ngân sách Nhà nước và ký thỏa thuận hợp tác phối hợp thu ngân sách Nhà nước, thanh toán song phương điện tử với 4 ngân hàng thương mại là Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng An Bình (ABBANK), Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank), Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước đã mở tài khoản chuyên thu và kết nối thanh toán với 15 ngân hàng là Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB, DongABank, VPBank, SHB, Techcombank, ACB, OCB, MSB, TPBank, LienVietPostBank, HDBank.
Ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ Kho bạc Nhà nước cũng cho biết, hiện Kho bạc Nhà nước đang gửi 900 nghìn tỷ đồng là tiền tồn quỹ ngân sách Trung ương, các tỉnh, huyện và hơn 100 nghìn số dư tài khoản... Trong số đó, số dư tồn quỹ địa phương là lớn nhất, còn số dư tồn quỹ Nhà nước không lớn. Hiện số tiền gần 700 nghìn tỷ đồng đang gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính. Khoảng 270 nghìn tỷ đồng số tiền còn lại gửi có kỳ hạn từ 1-2-3 tháng tại các ngân hàng thương mại khoảng 6%. Ngoài số tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước thì số tiền còn lại của Kho bạc Nhà nước đang gửi tại 4 ngân hàng có vốn Nhà nước chiếm cổ phần chi phối.
Kho bạc Nhà nước phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thu phí, lệ phí và thu phạt vi phạm hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng nộp ngân sách, tập trung nhanh nguồn thu vào ngân sách Nhà nước và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền mặt trong hoạt động giao dịch với Kho bạc Nhà nước, góp phần cùng với ngành thuế và hải Quan thực hiện thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán năm 2022 với tỉ lệ cao.
Sang năm 2023, bà Trần Thị Huệ cho biết, hệ thống Kho bạc Nhà nước xác định mục tiêu và phương châm hành động là: “Tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2030; đẩy mạnh chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng phục vụ khách giao dịch”.
Để thực hiện thành công mục tiêu này, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục tổ chức điều hành quản lý quỹ ngân sách nhà nước đảm bảo chặt chẽ, an toàn, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách, tăng cường quản lý chi tiêu công. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu tổ chức tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Cùng đó, tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại các ngân hàng thương mại; mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc chi trả thanh toán cá nhân qua tài khoản tại ngân hàng. Kho bạc Nhà nước cũng đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch huy động vốn năm 2023 do Bộ Tài chính giao, đảm bảo tuân thủ quy định giới hạn tỷ lệ kỳ hạn theo Nghị quyết của Quốc hội.
Bám sát diễn biến thị trường, tình hình thu, chi ngân sách nhà nước để điều hành công tác huy động vốn linh hoạt, vừa đảm bảo huy động đủ cho nhu cầu của ngân sách trung ương, vừa duy trì lãi suất phát hành hợp lý, phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tiết kiệm chi phí vay cho ngân sách nhà nước...
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()