Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 18:28 (GMT +7)
Đông Triều: Khó khăn trong di dời cơ sở sản xuất TTCN ra khỏi khu dân cư
Thứ 2, 25/04/2022 | 13:34:55 [GMT +7] A A
Sự phát triển của các làng nghề, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn TX Đông Triều thời gian qua đã và đang góp phần trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất vẫn còn nhiều tồn tại gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người làm nghề cũng như các hộ dân sống trong khu vực. Vì vậy, việc di dời các cơ sở sản xuất TTCN ra khỏi khu dân cư là cấp thiết, song hiện nay địa phương vẫn đang gặp không ít khó khăn.
Trên cơ sở hướng dẫn của Sở TN&MT về tiêu chí xác định các cơ sở sản xuất TTCN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hoặc không phù hợp với quy hoạch đô thị, UBND TX Đông Triều đã chỉ đạo các xã, phường trên địa bàn tiến hành rà soát, lập danh sách các cơ sở sản xuất TTCN buộc phải di dời. Căn cứ vào tình hình thực tế và đánh giá một cách khách quan, các xã, phường của Đông Triều đã lập, đề xuất 856 cơ sở sản xuất TTCN gây ô nhiễm môi trường cần di dời ra khỏi khu dân cư.
Để đảm bảo các cơ sở sản xuất TTCN có địa điểm hoạt động ngay sau khi thực hiện di dời, TX Đông Triều đã chỉ đạo các phòng, ban tham mưu địa điểm phù hợp với quy hoạch được duyệt. Trong đó, CCN Yên Thọ được quy hoạch khoảng 50ha để di dời các ngành nghề cơ khí, điện tử, các dự án công nghiệp hiện đại, tiên tiến và di dời cơ sở TTCN. Dự kiến sẽ tiếp nhận các cơ sở di dời từ phường Mạo Khê đến xã Hồng Thái Đông. Ngoài ra, sẽ hình thành làng nghề sản xuất gốm sứ tập trung có diện tích 44ha phía Đông CCN Yên Thọ.
Cùng với đó, thị xã cũng quy hoạch CCN Tràng An có tổng diện tích 75ha để di dời các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, dệt may... Dự kiến bố trí di dời 2 nhà máy gạch tại phường Xuân Sơn, Đức Chính và tiếp nhận các cơ sở di dời từ xã Bình Dương đến phường Kim Sơn. Tính đến nay, có 2 dự án đã đầu tư là Nhà máy sản xuất gạch ngói cao cấp Tràng An (Công ty CP Gạch ngói Đất Việt) diện tích 8,5ha; Nhà máy sản xuất gạch ngói và bến bãi xuất sản phẩm (Công ty CP Gốm Đất Việt) diện tích 12,3ha.
Chủ cơ sở sản xuất Gốm sứ Thắng Lan (phường Mạo Khê) Phạm Văn Thắng cho biết: Gia đình tôi làm nghề sản xuất gốm sứ đã từ rất lâu. Qua thời gian hoạt động, chúng tôi cũng nhận thấy việc sản xuất này không đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực đông dân cư, nay có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất TTCN gây ô nhiễm môi trường, chúng tôi rất ủng hộ và mong sớm được chuyển ra vị trí mới ổn định hơn trong hoạt động sản xuất.
Thời gian qua, TX Đông Triều rất tích cực trong việc triển khai các biện pháp di dời cơ sở sản xuất TTCN gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, theo Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều Đặng Đình Thắng, do số lượng cơ sở nhiều, đa dạng (856 cơ sở thuộc 10 nhóm ngành nghề), đa số có quy mô nhỏ, theo hình thức hộ gia đình (kết hợp nơi ở và nơi sản xuất), trong khi địa điểm dự kiến di dời đến là các CCN nằm xa địa điểm hiện nay, nên khó khăn đối với việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh do đặc thù của ngành nghề.
Bên cạnh đó, tiến độ quy hoạch các CCN còn chậm, phụ thuộc tiến độ quy hoạch chung của tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch chung của thị xã và quy hoạch phân khu. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các CCN đang gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, cơ chế hỗ trợ kinh phí di dời chưa phù hợp với thực tế (không quá 300 triệu đồng/cơ sở, gồm hỗ trợ một lần chi phí tháo dỡ, vận chuyển và 60% chi phí đầu tư xây dựng thực tế tại địa điểm mới). Tuy nhiên, đối với cơ sở sản xuất gốm sứ, đây là đối tượng có mức độ ô nhiễm cao, cần di dời sớm, chỉ riêng chi phí xây dựng lò tại vị trí mới đã hết từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/lò, chưa kể chi phí khác, do đó việc di dời gặp khó khăn.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()