Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 08:19 (GMT +7)
Kho tàng thần tích, thần sắc và sắc phong ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 26/12/2021 | 14:31:30 [GMT +7] A A
Thần tích là sự tích các thần phần lớn được Hàn lâm đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm 1572 và Quản giám bách thần Nguyễn Hiền sao chép vào năm 1735. Các làng xã trong cả nước sao chép lại các thần tích ấy, rước sắc phong của vua ban đưa về phụng thờ. Ở Quảng Ninh, trải qua thời gian, những bản thần tích và sắc phong đã bị thất lạc nhiều, nhưng những tập tục tế lễ các thần vẫn lưu truyền.
Theo nội dung các thần tích, thần sắc thì các làng xã của Quảng Ninh nói riêng đều tôn thờ sơn thần và thủy thần. Hầu hết các địa phương của Đông Triều như: Mạo Khê, Đông Sơn, Vĩnh Tuy, Nhuệ Hổ, Hổ Lao, Lâm Xá, Nam Mẫu… đều phụng thờ Tản Viên sơn thánh, Cao Sơn Đại vương và Quý Minh Đại vương. Men theo núi Yên Tử, Lôi Âm ra Thiên Thai (Hoành Bồ - nay là TP Hạ Long), Bụt Sơn (Cẩm Phả), Nam Sơn (Ba Chẽ), Bắc Cường (Tiên Yên), Đại Chí (Vạn Ninh) là các làng Yên Lập, Yên Cư, Tiêu Dao, Vạn Yên, Trúc Võng, Xích Thổ, Yên Thổ, Quang Hanh, Cẩm Phả, Dương Huy, Hà Gián, Quất Đông, Quất Đoài, Ninh Dương, Thác Mang, Xuân Lan… đều tôn thờ 3 vị thần trên.
Đối với miền sông nước từ Kinh Thày, sông Bạch Đằng, Cửa Lục, Cửa Suốt, Ba Chẽ, Tiên Yên ra đến Thác Mang (Ninh Dương) là các làng Mạo Khê, Yên Khánh, Yên Lập, Vạn Yên, Trúc Võng, Yên Mỹ, Quang Hanh, Cẩm Phả, Ba Chẽ, Tiên Yên, Vạn Ninh, Trà Cổ… thì tôn thờ thủy thần, hải thần như Linh Lang Đại Vương, Đông Hải Đại Vương, Nam Hải Đại Vương, ông Lang, ông Cộc, ông Dài… làm thành hoàng làng.
Đặc biệt, xã Cẩm Phả xưa còn thờ Trung Thiên Long mẫu làm Thành hoàng. Các vị thần này đại diện cho biểu tượng rồng, chính là 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Đấy là linh vật được nhiều làng xã Quảng Ninh tôn thờ.
Nhớ ơn ông cha, nhớ ơn các anh hùng dân tộc đã có công với nước, có đức với dân nên nhiều làng ở Quảng Ninh đã tôn thờ các nhân thần làm thành hoàng. Ở Đông Triều, các xã An Sinh, Đốc Trại, thôn Trại Găng thờ 8 vị Hoàng đế nhà Trần làm thành hoàng. Làng Triều Khê tôn thờ vua Trần Anh Tông và An Sinh vương Trần Liễu làm thành hoàng. Các làng Khoái Lạc, Lưu Khê, Quỳnh Biểu, Trung Bản, Vị Khê (nay thuộc TX Quảng Yên), Cẩm Phả, Dương Huy (Cẩm Phả)… tôn Trần Hưng Đạo làm thành hoàng. Bốn người con trai của ngài là Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Uất, Trần Quốc Tảng, Trần Quốc Hiện cũng được nhiều nơi ở Quảng Ninh thờ tự.
Ngoài ra, Quảng Ninh có thờ nhiều vị thần đặc hữu cho cảnh vật của địa phương làm thành hoàng. Đôi khi các phong vật thần ấy được hóa thân vào các anh hùng dân tộc. Làng Ba Chẽ thờ thần Ba Chẽ là thần núi, thần sông Ba Chẽ. Làng Tiên Yên thờ thần Tiên Yên là thần núi, thần sông Tiên Yên. Làng Hà Gián thờ thần núi Bụt Sơn. Làng Vạn Ninh, làng Trà Cổ, làng Bình Ngọc thờ thần núi Ngọc Sơn là Trấn Hải tôn thần. Châu Mang Nhai thờ Bản cảnh Xã Tắc Đại Vương là thần đất, thần lúa của Hải Ninh. Làng Quang Hanh thờ Cửa Hang tôn thần...
Đây là kết tinh tình yêu quê hương, đất nước của người Quảng Ninh. Họ cậy nhờ vào từng ngọn núi, từng con sông quê nhà, những mong được sự che chở đem lại bình yên cho xóm làng, người khỏe của nhiều, cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Cùng với thần tích là thần sắc - là sắc phong của vua cho các vị thần hay cho các làng phụng thờ các vị thần ấy. Trong số những sắc phong của Quảng Ninh còn lưu giữ được chỉ có khoảng 50 sắc phong thời Lê phong cho các làng Hoàng Xá, Bình Lục, Bằng Sơn, Triều Khê, Vĩnh Tuy (Đông Triều) và xã Phong Lưu (huyện Yên Hưng - nay là TX Quảng Yên). Còn lại là các sắc phong thời Nguyễn từ thời vua Gia Long, Minh Mệnh đến Khải Định, Bảo Đại phong cho các thần và các làng xã.
Theo sách Di sản Hán Nôm tỉnh Quảng Ninh tính từ năm Giáp Tý (1624) đến năm Ất Hợi (1935) trải qua 16 đời vua đã ban 538 đạo sắc phong thờ sơn thần, thủy thần và nhân thần. Trong 538 đạo sắc phong làng Hoàng Xá, tổng Đạm Thủy là nơi được ban sắc phong đầu tiên vào năm Giáp Tý (1624). Trà Cổ là làng được ban sắc phong cuối cùng vào năm Ất Hợi (1935). Địa phương có nhiều sắc phong nhất là làng Cẩm Phả (20 đạo sắc phong), Hoàng Xá (19), Khoái Lạc (14), Mỹ Cụ (14).
Phạm Học
- Sắp diễn ra Triển lãm 'Di sản văn hóa, danh thắng Việt Nam và Sản phẩm thủ công truyền thống'
- UNESCO sẽ xem xét hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa
- Di sản văn hóa - tài nguyên quý để phát triển du lịch
- Quảng Yên có thêm 1 di sản văn hóa quốc gia, 1 di tích quốc gia
- Tràng Lương gìn giữ di sản hát then - đàn tính
- Tăng cường bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Tràng An
Liên kết website
Ý kiến ()