Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 20:24 (GMT +7)
Khó trong xử lý vi phạm hành chính
Thứ 3, 11/02/2020 | 08:12:12 [GMT +7] A A
Năm 2019, tình hình vi phạm hành chính (VPHC) trên địa bàn tỉnh giảm so với năm 2018 tuy nhiên các hành vi VPHC vẫn diễn biến phức tạp. Việc áp dụng pháp luật về xử lý VPHC của các ngành, địa phương đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Thanh tra Sở KH&CN thanh tra chuyên đề về sản phẩm điện, điện tử tại các cửa hàng kinh doanh điện, điện tử trên địa bàn tỉnh, tháng 10/2019. Ảnh: Nguyên Ngọc |
Một trong những giải pháp hiệu quả nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức là công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật xử lý VPHC được tiến hành thường xuyên trong cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân và thực hiện dưới nhiều hình thức. Thông qua Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật, những nội dung cơ bản của Luật Xử lý VPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được quán triệt đến cán bộ, công chức làm công tác liên quan đến xử lý VPHC, người dân, doanh nghiệp. Nhiều cơ quan đã có văn bản hướng dẫn kịp thời các đơn vị trực thuộc triển khai các quy định về xử lý VPHC khi có vướng mắc phát sinh. Công tác tuyên truyền về pháp luật xử lý VPHC tùy theo từng lĩnh vực đều hướng tới những đối tượng cụ thể, có liên quan tới cuộc sống hàng ngày như lĩnh vực giao thông; phòng chống tác hại của rượu bia; vệ sinh an toàn thực phẩm; lao động; đất đai; xây dựng... Các địa phương đã ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC, kết hợp với thanh tra chuyên ngành. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai sót, đồng thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi thi hành pháp luật về xử lý VPHC, từng bước nâng cao chất lượng công tác áp dụng pháp luật xử lý VPHC.
Song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, các vi phạm được xử lý nghiêm, tạo sự răn đe chung trong xã hội. Năm 2019, toàn tỉnh có 10.375 vụ VPHC (giảm 12,4% so với năm 2018), trong đó chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự 5 vụ, không có vụ nào áp dụng biện pháp thay thế nhắc nhở đối với người chưa thành niên. Toàn tỉnh xử phạt 512 tổ chức, 9.136 cá nhân, ban hành 10.343 quyết định xử phạt VPHC, đã thi hành 9.923 quyết định. Tổng tiền phạt thu được 30,74 tỷ đồng; tổng tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện tịch thu trên 2,27 tỷ đồng...
CSGT Công an TP Cẩm Phả kiểm tra hành chính phương tiện xe buýt lưu thông trên địa bàn. Ảnh: Nguyễn Duy |
Với sự vào cuộc quyết liệt, tình hình VPHC trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, nhận thức của cộng đồng được nâng cao, tuy nhiên quá trình triển khai cho thấy công tác này gặp không ít vướng mắc, lúng túng trong đó chủ yếu xuất phát từ các quy định pháp luật. Đơn cử, một số thuật ngữ trong Luật Xử lý VPHC còn mang tính định tính, chưa giải thích rõ ràng nên việc áp dụng trong thực tế chưa thống nhất. Đối với các trường hợp xử lý VPHC qua hình ảnh camera giám sát, cơ quan có thẩm quyền xử phạt chuyển danh sách phương tiện vi phạm qua hình ảnh đến các trung tâm đăng kiểm để đề nghị dừng đăng kiểm. Việc áp dụng “phạt nguội” trong thời gian qua tuy đã chứng minh hiệu quả tích cực trong việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông của người dân nhưng cơ sở pháp lý cho hình thức xử phạt này vẫn chưa được ban hành đầy đủ, dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn áp dụng.
Hay như, quy định tại Khoản 1, 2 Điều 38 Luật Xử lý VPHC quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã không quá 5.000.000 đồng; Chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tiền không quá 50.000.000 đồng. Tuy nhiên, tại Khoản 2 Điều 76 và Khoản 2 Điều 77 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP lại quy định, thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã phạt tiền đến 10.000.000 đồng, thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp huyện phạt tiền đến 100.000.000 đồng. Như vậy, có sự mâu thuẫn giữa quy định của Luật và Nghị định, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng. Quy định thẩm quyền xử lý của cơ quan Bảo hiểm xã hội về một số hành vi sai phạm chưa được rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật, như: Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động BHXH, đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực y tế. Chưa có chế tài pháp luật và biện pháp xử lý đối với các đơn vị không thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, quyết định xử phạt VPHC trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT...
Ngoài ra, kinh phí và các điều kiện, phương tiện đảm bảo cho việc quản lý công các xử lý VPHC còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế, lực lượng thanh tra tại các đơn vị mỏng, khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm... Do đó, để công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC đạt hiệu quả hơn nữa, thiết nghĩ các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xử lý VPHC, điều chỉnh những nội dung còn bất cập, vướng mắc qua thực tế triển khai, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
Trần Thanh
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()