Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:56 (GMT +7)
Khoảng 28% học sinh tốt nghiệp THPT vào học nghề
Thứ 4, 02/03/2022 | 17:39:56 [GMT +7] A A
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), số lượng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) vào học giáo dục nghề nghiệp (cao đẳng, trung cấp) chiếm khoảng 28% tổng số học tốt nghiệp THPT mỗi năm.
Phân luồng học sinh
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp Trung học cơ sở (THCS) và THPT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cho công tác tuyển sinh nói chung và tuyển sinh sau trung học vào học giáo dục nghề nghiệp giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng. Bên cạnh đó còn có nhiều cơ chế chính sách tạo sự hấp dẫn, để thu hút học sinh, góp phần đẩy mạnh sự phân luồng học sinh sau trung học vào GDNN.
Các trường cao đẳng, trung cấp mở rộng đối tượng tuyển sinh, hình thức tuyển sinh đa dạng, sự tham gia của các câp, các ngành trong tuyển sinh, phân luồng. Bên cạnh đó các ngành nghề đào tạo đa dạng, phong phú, bao phủ tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế (21 lĩnh vực ở 897 ngành nghề trình độ trung cấp và 699 ngành nghề trình độ cao đẳng).
Đối với chính sách vừa học nghề vừa học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, học sinh trong cơ sở GDNN được học khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, nghĩa là vừa học nghề, vừa được học khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Ngoài ra, người học tốt nghiệp THCS sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp, nếu đáp ứng được điều kiện văn hóa THPT theo quy định thì được liên thông lên trình độ cao đắng, đại học hoặc có nguyện vọng vừa học nghề, vừa muốn có bằng tốt nghiệp THPT thì được tham gia học thêm chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) để tham dự kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp THPT.
Nhờ đó tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN có tăng hơn trong những năm gần đây. Năm 2020, số lượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp chiếm khoảng 16% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS mỗi năm. Như vậy, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đạt được mục tiêu của Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" là 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN. Tuy nhiên, so với giai đoạn trước năm 2015, tỷ lệ này đã tăng khoảng 5%, do có nhiều chính sách phân luồng đã thu hút được số học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN.
Đối với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học GDNN, năm 2020, số lượng học sinh tốt nghiệp THPT vào học GDNN chiếm khoảng 28% tổng số học tốt nghiệp THPT mỗi năm. Như vậy, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào học tại các cơ sở GDNN chưa đạt được mục tiêu của Quyết định số 522/QĐ-TTg là 40% học sinh tốt nghiệp THPT vào học giáo dục nghề nghiệp.
Về chất lượng đào tạo, đề án các trường nghề, trong những năm qua, việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Do đó, việc tuyển sinh vào GDNN trong những năm gần đây đạt và vượt chỉ tiêu đặt ra (năm 2017 đạt 100%; năm 2018 đạt 100,2%; năm 2019 đạt 100,5%; năm 2020 đạt 100,9%); nhiều trường ở một số nghề đã phải tổ chức thi tuyển; nhiều học sinh có đủ điểm nhưng không đi học đại học mà vào học các trình độ của GDNN; Mạng lưới cơ sở GDNN, nhất là các trường cao đẳng phát triển, phân bố tương đối hợp lý ở các ngành kinh tế, địa phương, vùng, miền. Trong tổng số 399 trường cao đăng thì có gần 100 trường được quy hoạch thành trường chất lượng cao, tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế theo Đề án được Chính phủ phê duỵệt, góp phân đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Hiện nay cả nước có 86.350 nhà giáo trong các cơ sở GDNN, 100% đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định; gần 40 chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế được chuyển giao và đào tạo tại Việt Nam; trên 60 trường cao đẳng đạt tiêu chuẩn chất lượng của Australia, Đức, Anh và Mỹ để đào tạo chương trình của nước ngoài tại Việt Nam (đã thí điểm thành công đào tạo 12 nghề cấp bằng cao đẳng của Australia, đang triến khai nhân rộng và đang đào tạo thí điểm 22 nghề để cấp bằng cao đẳng của Đức).
Gắn kết với doanh nghiệp
Việc gắn kết GDNN với doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành và vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với các hiệp hội, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Chất lượng, hiệu quả GDNN đã được nâng lên với trên 80% học sinh, sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt 100%; lao động qua đào tạo nghề nghiệp đã tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí, công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện; nhiều sinh viên trong các chương trình chuyển giao từ nước ngoài đã trở thành những chuyên gia, kỹ thuật viên nòng cốt trong các doanh nghiệp FDI; một số tham gia thị trường lao động nước ngoài. Việt Nam đã 3 lần đạt giải nhất toàn đoàn trong 10 lần dự thi tay nghề ASEAN; 3 lần đạt huy chương và nhiều chứng chỉ xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề thế giới….
Để triển khai thực hiện hoạt động tăng cường gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 885/QĐ-LĐTBXH ngày 10/7/2018 thành lập Tổ công tác gắn kết thị trường lao động với việc làm bền vững. Hàng năm, kế hoạch hoạt động gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững được thường trực Tổ công tác xây dựng, làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện các hoạt động tới các đơn vị, qua đó hoạt động gắn kết đạt được những kết quả tích cực.
Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại nâng tầm kỹ năng người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021), trong đó nội dung cơ bản là gắn kết GDNN với doanh nghiệp nhất là trong việc đào tạo, đào tạo lại người lao động trong các doanh nghiệp để hoàn thiện kỹ năng nhằm nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững còn gặp một số khó khăn, thách thức. Đó là khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN chưa được áp dụng trong thực tiễn; thiếu các chế tài trong tuyến dụng, sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề nghiệp;
Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động chưa được thực hiện tốt; sự hợp tác của doanh nghiệp với cơ sở GDNN chưa cao.
Trong họp tác với doanh nghiệp thì hình thức tiếp nhận học viên của cơ sở GDNN đến thực tập cuối khóa học tại doanh nghiệp được nhiều doanh nghiệp thực hiện hơn là các hình thức họp tác khác. Doanh nghiệp chưa cung cấp nhu cầu nhân lực lao động hàng năm cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động và GDNN theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghê nghiệp, nên trên thực tê các cơ sở GDNN vẫn chưa thực sự đào tạo theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp; doanh nghiệp còn thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, cơ chế lợi ích khi tham gia đào tạo nghề nghiệp.
Nhiều cơ sở GDNN chưa thiết lập được bộ phận chuyên trách quan hệ với doanh nghiệp để tạo sự chủ động trong mối quan hệ cung cầu lao động qua đào tạo nghề nghiệp. Một số chương trình hợp tác đã ký kết giữa nhà trường với doanh nghiệp; nhà nước với doanh nghiệp nhưng chưa có nhiều hoạt động, chưa tìm ra được cơ chế hoạt động hiệu quả…
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()