Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:56 (GMT +7)
"Dừng chăn nuôi tại các khu vực không được phép sẽ góp phần tổ chức sản xuất chăn nuôi hiệu quả, giảm ô nhiễm môi trường"
Thứ 2, 19/08/2024 | 08:15:31 [GMT +7] A A
Nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh rất quan tâm đến dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) (ảnh) về nội dung này.
- Bà cho biết, sự cần thiết phải ban hành nghị quyết này?
+ Quảng Ninh đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó lĩnh vực chăn nuôi chuyển biến rõ nét, phương thức chăn nuôi chuyển dần từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi quy mô trang trại, chăn nuôi nông hộ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Tỉnh đã thí điểm xây dựng 2 khu chăn nuôi tập trung tại xã Nguyễn Huệ và xã Bình Khê (TX Đông Triều), với 49 hộ nuôi gần 11.000 con lợn.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng cơ cấu lại lĩnh vực ngành chăn nuôi vẫn còn nhiều hạn chế. Chăn nuôi nông hộ còn chiếm trên 96% với 39.848 cơ sở. Chăn nuôi nhỏ lẻ hiệu quả kinh tế không cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, khó quản lý giám sát các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, xử lý chất thải; ảnh hưởng đến môi trường sống dân cư, sức khỏe con người, gây mất mỹ quan đô thị; khó kiểm soát được chất lượng, không đảm bảo vệ sinh ATTP.
Nghị quyết được ban hành sẽ góp phần khắc phục tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, hiệu quả thấp; giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như cảnh quan đô thị. Từ đó có chiến lược, kế hoạch phát triển chăn nuôi tập trung hiện đại trên địa bàn tỉnh. Qua đây tạo cơ sở pháp lý để các địa phương, cơ quan chức năng áp dụng trong công tác quản lý, tổ chức sản xuất chăn nuôi.
Đồng thời là thực hiện quy định tại khoản 1, Điều 12; điểm h, khoản 1, Điều 80; khoản 3, Điều 83 Luật Chăn nuôi năm 2018: "Cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2020) mà không đáp ứng điều kiện chăn nuôi thì trong thời hạn là 5 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải hoàn thiện điều kiện chăn nuôi đáp ứng quy định của Luật này".
- Dự thảo Nghị quyết đã được trình tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của HĐND tỉnh; trước đó Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết. Bà cho biết nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết?
+ Dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể về các tiêu chí để xác định khu vực không được phép chăn nuôi; quy định khu vực nội thị không được phép chăn nuôi; chính sách hỗ trợ di dời… Cụ thể, quy định khu vực không được phép chăn nuôi tại các vùng lõi, trung tâm của phường, thị trấn không còn đất nông nghiệp, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp cao (trên 80%), có rất ít hộ gia đình chăn nuôi và chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ (1-2 con lợn, 10-30 con gà) tận dụng thức ăn, sử dụng lao động thời vụ rảnh rỗi hoặc người đã quá tuổi lao động, chăn nuôi không phải là sinh kế chính, chuồng trại tận dụng, xuống cấp không đảm bảo các điều kiện về vệ sinh thú y; một số cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường sống dân cư, ảnh hưởng rất rõ trong sinh hoạt hằng ngày của người dân do tác động tiêu cực của chất thải, nước thải và mùi hôi chuồng trại; hiệu quả kinh tế do chăn nuôi đem lại ở các khu vực này thấp, không đáng kể.
Trước khi xây dựng dự thảo Nghị quyết, các địa phương đã rà soát rất kỹ về đối tượng, số lượng vật nuôi, diện tích chuồng, loại chuồng, lao động trực tiếp, lao động chuyển đổi nghề...; đã tổ chức họp lấy ý kiến trực tiếp các hộ chăn nuôi, lấy ý kiến cộng đồng dân cư, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ đại biểu HĐND tỉnh về khu vực đề xuất.
Theo dự thảo Nghị quyết, trên địa bàn tỉnh hiện có 776/39.848 hộ chăn nuôi (0,02%) nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi; giảm 1,6% tổng đàn gia súc, gia cầm; 100% các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi dưới 2 con trâu, bò, dưới 5 con lợn, dưới 200 con gia cầm, không có chăn nuôi trang trại, gia trại. Trong đó có 626 hộ nuôi dưới 50 con gia cầm (80,6%), là những hộ nuôi tự cung, tự cấp, tận dụng thức ăn thừa để lấy thịt, trứng sử dụng trong gia đình, không liên quan đến phát triển kinh tế hộ, chăn nuôi hàng hóa.
Việc dừng chăn nuôi tại các khu vực không được phép chăn nuôi sẽ góp phần giúp thay đổi phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ, tận dụng sang chăn nuôi tập trung công nghiệp, áp dụng các quy trình chăn nuôi hiện đại như VietGAP, HACCP, ISO..., góp phần nâng cao giá trị hàng hóa sản phẩm chăn nuôi...
Dự thảo Nghị quyết đang tiếp tục được các cấp có thẩm quyền xem xét, hoàn thiện quy trình để sớm ban hành. Việc này có tác dụng lớn đến chiến lược phát triển lĩnh vực chăn nuôi, đến các hộ chăn nuôi, đặc biệt là tác động đến cộng đồng dân cư khu phố; nhóm đối tượng đông đảo gấp nhiều lần đó là cư dân sống cạnh các hộ chăn nuôi, được hưởng môi trường tốt hơn. Thực tế chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, vật nuôi cho thấy thiệt hại chủ yếu ở các nông hộ nhỏ lẻ, còn các trang trại tập trung kiểm soát tốt an toàn sinh học thì chưa thấy bị dịch bệnh. Việc quy định các khu vực không được phép chăn nuôi để giảm bớt chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, các hộ này quyết tâm chuyển đổi sẽ bớt rủi ro thiệt hại cho họ và cho ngân sách nhà nước.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()