Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 00:17 (GMT +7)
Khơi dậy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển du lịch
Chủ nhật, 06/11/2022 | 15:37:38 [GMT +7] A A
Một thời trước đây, dù đến các thôn, bản xa cũng khó gặp được các bạn trẻ là đồng bào dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống dân tộc mình, mà thường chỉ là người già. Thế nhưng hiện nay thì khác, nhiều chàng trai, cô gái trẻ tuổi đã diện những bộ quần áo dân tộc mình dù là vào ngày thường...
Rõ nét nhất phải kể đến huyện Bình Liêu, từ việc tổ chức các cuộc giao lưu đá bóng nữ Sán Chỉ, mà chị em mặc nguyên váy áo dân tộc mình đá bóng, đã giúp phụ nữ Sán Chỉ thấy tự hào hơn về bộ trang phục của dân tộc mình. Từ đó tạo thành làn sóng lan rộng thúc đẩy chị em các dân tộc khác.
Giờ đây, nếu tham gia vào các lễ hội miền Đông sẽ dễ dàng nhận thấy trong các môn thể thao, đặc biệt là đá bóng, chị em người Dao hay người Sán Dìu cũng mặc nguyên trang phục dân tộc mình để vui chơi, nom tựa những khóm hoa đang chuyển động trên sân cỏ.
Khi đến các xã vùng cao, du khách cũng rất thích thú với những ngôi nhà mang nét truyền thống của họ. Gần đây nhất là Lễ hội mùa vàng xã Đại Dực năm 2022, diễn ra tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, nhiều du khách thích thú khi đến ngôi nhà của ông Nình A Liềng, thôn Khe Lục. Đây là ngôi nhà truyền thống của người Sán Chỉ còn giữ được gần như nguyên trạng với hệ thống tường rào bằng đá được xếp đặt hết sức tinh xảo. Đại Dực hiện nay đã có nhiều ngôi nhà kiểu dáng hiện đại, tuy nhiên du khách vẫn thích check-in trước ngôi nhà truyền thống của ông Nình A Liềng hơn cả.
Nhiều du khách đến Bình Liêu, cất công đến tận bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn để trải nghiệm sương mù ở Phạt Chỉ, hay leo lên Cột mốc 1327 để được tắm trong sương mù, hay cảm giác như đang leo bậc thang lên cõi hư vô trong sương mù bao phủ. Du khách đều không quên ghé qua Homestay A Dào nằm ở trung tâm bản là mô hình du lịch đầu tiên của người bản địa Phạt Chỉ. Khách đến đây được thưởng thức những món ăn do chính người Dao chế biến, xem tận mắt cách tráng phở và xay thóc bằng cối xay đá của người Dao hay các món gà bản nướng, củ cải xào với thịt lợn bản..., đều có cảm giác khó quên khi đến vùng đất này. Đôi khi chính những món ăn này, nếu được mang ra phố dưới xuôi thì cũng chưa chắc đã thu hút khách.
Bản Tầm Làng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, một thời cũng rất khó khăn, thậm chí một thời huyện Đầm Hà phải đưa nhiều hộ ra trung tâm xã Quảng An lập làng mới sinh sống, vì địa hình phức tạp chủ yếu là rừng, khe suối, ruộng cao rất khó đầu tư các công trình tưới tiêu.
Thế nhưng hiện nay, khi du lịch được đưa vào Tầm Làng thì địa hình phức tạp rừng, khe suối, những thửa ruộng bậc thang lại trở thành điểm mạnh của Tầm Làng. Những khu rừng tự nhiên giữ nguồn nước tốt, đã tạo cho Tầm Làng có 2 thác nước đẹp của huyện Đầm Hà, đó là thác Bạch Vân và thác Hàm Rồng. Tầm Làng với 100% là người Dao mang bản sắc riêng, cũng khiến nhiều du khách thích thú khi đến khám phá nơi này.
Tuy một thời khó khăn nhưng bà con vẫn luôn phát huy tốt những nét bản sắc dân tộc mình, thể hiện rõ qua các giá trị văn hoá, ẩm thực, nghề truyền thống và sinh hoạt tín ngưỡng trong cộng đồng. Bà con cũng đã tích cực vào cuộc phục dựng một số ngành nghề truyền thống như lễ cấp sắc, ngôn ngữ người Dao, hát páo dung các dịp lễ, Tết và các đám cưới hỏi, tham gia các dịch vụ đón tiếp khách du lịch khi đến với Tầm Làng và xã Quảng An. Đặc biệt, nghề đan nón Đại hiệp và sản phẩm nón Đại hiệp đã được mang đi bán nhiều nơi như Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí… phục vụ du khách.
Rõ ràng, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao, đã tạo nhiều sự hứng thú cho du khách khi đến những vùng đất này.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()