Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 15:16 (GMT +7)
Khơi dậy khát vọng thoát nghèo, làm giàu
Thứ 2, 25/10/2021 | 10:44:39 [GMT +7] A A
Khoảng 7 năm trở về trước, nói đến công tác giảm nghèo ở vùng khó Ba Chẽ là rất nhiều khó khăn, bởi lẽ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo còn ăn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của nhiều người dân. Tuy nhiên 5 năm trở lại đây, khát vọng vươn lên thoát nghèo của người dân được khơi dậy mạnh mẽ, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhiều địa phương thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, mang lại sức sống mới cho huyện vùng cao Ba Chẽ.
Không muốn gắn "mác" nghèo
Trong tiết trời cuối thu se lạnh, chúng tôi đến thăm khoảnh rừng của gia đình anh Phùn Văn Lĩnh ở thôn Đồng Thầm, xã Thanh Lâm, một xã vùng cao của huyện Ba Chẽ. Đường rừng khó đi, dốc cao, nhiều “ổ voi”, chiếc xe máy của ông Trần Văn Tân, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Thầm, chở tôi cứ chồm lên, chồm xuống. Đến đỉnh đồi, chúng tôi phải để xe máy ở một góc, leo bộ hơn 1km tới khu vực anh Lĩnh đang làm rừng.
Thôn Đồng Thầm hiện có 39 hộ dân, trước đây đa số là hộ nghèo. Từ khi có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, của tỉnh, huyện thì tất cả các hộ dân có đất, có sức lao động đã thoát nghèo, thu nhập ổn định.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Thầm kể: Trước đây, không chỉ 6,4ha đất rừng của hộ anh Phùn Văn Lĩnh, mà rất nhiều đất rừng của các hộ gia đình trong thôn gần như bỏ không, cây trồng hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2020, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền xã, thôn, được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha trồng rừng gỗ lớn theo chủ trương của tỉnh, đã tiếp thêm động lực để các hộ phát triển kinh tế rừng bền vững, nâng cao thu nhập.
Anh Phùn Văn Lĩnh dừng tay làm cỏ, phấn khởi khoe với chúng tôi: “Không muốn gắn mác nghèo, vì thế được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi đã trồng được 5/6,4ha cây gỗ lớn, nhỏ. Chúng tôi tin rằng, cây rừng sẽ đem lại một cuộc sống sung túc hơn cho người dân nơi đây”.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Thầm chia sẻ: Bà con thôn Đồng Thầm hiện chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng và chăn nuôi. Vì thế trồng rừng gỗ lớn là một chủ trương rất hợp lòng dân. Các chủ trương của tỉnh, huyện, xã về trồng rừng gỗ lớn đều được Chi bộ quan tâm triển khai đến từng người dân. Đến nay thôn Đồng Thầm đã có gần chục hộ tham gia trồng rừng gỗ lớn.
Huyện Ba Chẽ là địa phương có tiềm năng, thế mạnh và điều kiện địa chất thuận lợi để phát triển trồng rừng gỗ lớn và dược liệu. BTV Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 02-CT/HU về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn và Đề án bảo tồn, phát triển một số loài dược liệu quý trên địa bàn huyện, nhằm mục tiêu sớm đưa Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh.
Tại xã Thanh Lâm, với sự vào cuộc quyết liệt triển khai trồng rừng gỗ lớn và phát triển dược liệu, mỗi năm xã đã trồng từ 500-700ha cây lâm nghiệp; trong đó cây gỗ lớn chiếm trên 80%, chủ yếu là thông, lim... Thanh Lâm cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng cây dược liệu nhiều nhất huyện Ba Chẽ.
Đồng hành cùng người dân trong thực hiện các dự án trồng rừng gỗ lớn và cây dược liệu, ông Hoàng Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Lâm, cho biết: Về cây gỗ lớn, xã đã kết nối với doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Nam Sơn bao tiêu sản phẩm đầu ra; quy hoạch điểm công nghiệp trên địa bàn xã để thu hút doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư theo hướng chế biến gỗ xuất khẩu chất lượng cao. Huyện cũng đang kết nối với các công ty dược để tổ chức thu mua, chế biến dược liệu cho bà con ngay tại địa phương…
“Khéo” đưa các nghị quyết, chính sách tới người dân
Là xã khó khăn nhất của Ba Chẽ, những năm gần đây Đồn Đạc ngày càng khởi sắc. Từ những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước, người dân khi được trao “cần câu cơm” đã đổi mới tư duy phát triển kinh tế. Nhiều hộ dân thấy xấu hổ khi bị gắn "mác hộ nghèo" nên quyết tâm làm ăn, tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Ông Lưu Minh Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Đồn Đạc, cho biết: Thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội của trung ương, của tỉnh, của huyện, đặc biệt là Nghị quyết số 06-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, xã đã xác định rất rõ các nhiệm vụ để nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho nhân dân với mục tiêu: Giai đoạn 2021-2025, thu nhập bình quân đầu người hộ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; đến năm 2025 đạt tối thiểu 80 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 5%/năm (còn dưới 1% vào năm cuối kỳ). Trên cơ sở đó, xã tập trung tuyên truyền thực hiện Nghị quyết, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nội dung của Nghị quyết, đặc biệt là tham gia các dự án phát triển sản xuất trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu là thế mạnh của địa phương, nhằm nâng cao thu nhập thoát nghèo bền vững.
Chúng tôi đến thôn Pắc Cáy (xã Đồn Đạc), là thôn có gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đưa nhanh các nghị quyết vào cuộc sống, nên kinh tế của thôn ngày một phát triển, đời sống của người dân được nâng lên. Thay vì đa số hộ nghèo, cận nghèo trước đây, nay thôn chỉ còn 1 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pắc Cáy Chíu Sinh Phát chia sẻ: Chi bộ đã tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi mô hình sản xuất cũng như vận dụng các chính sách của Nhà nước vào sản xuất. Người dân trong thôn đã tập trung trồng các loại cây rừng, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, như quế, trà hoa vàng, cát sâm.
Trong năm 2021, thôn Pắc Cáy được Nhà nước quan tâm hỗ trợ cây giống, đã trồng được 18,5ha cây quế, 2ha cây cát sâm… giúp người dân ổn định kinh tế, giảm nghèo bền vững, bà con rất phấn khởi. Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của đảng viên, ông Triệu Đức Sinh, đảng viên thôn Pắc Cáy đã đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Dẫn chúng tôi leo bộ cả cây số đường rừng lầy lội lên khu vực rừng trồng cây cát sâm, ông Triệu Đức Sinh phấn khởi: “Gia đình tôi trồng được 5ha rừng gỗ lớn và cây dược liệu, trong đó 2ha cây quế, 2ha cây cát sâm... Đặc biệt, cát sâm là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao được tỉnh nghiên cứu nhân giống và triển khai trồng từ năm 2019. Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ về cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc...”.
Nhìn những nhánh cây cát sâm được trồng xen canh với cây sắn đang lên xanh tốt, hứa hẹn một mùa bội thu, ánh mắt ông Sinh ánh lên nụ cười: "Tới đây, gia đình sẽ mở rộng diện tích trồng cây cát sâm và tuyên truyền tới bà con cùng trồng".
Với cách đưa nghị quyết, chính sách về phát triển kinh tế một cách tích cực, cụ thể, khéo léo, sự tiên phong của đảng viên trong thực hiện chính sách; trong 9 tháng năm 2021, xã đã vận động người dân trồng được 13 ha cây dược liệu gồm ba kích, trà hoa vàng, cát sâm. Qua đó, giúp người dân từng bước có thu nhập, ổn định kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3%/năm
Đồng chí Bùi Văn Lưu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, cho biết: Để nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững, Ba Chẽ đã bám sát các nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, của HĐND tỉnh và thực tiễn của địa phương; đồng thời, chủ động xây dựng chương trình hành động và kế hoạch thực hiện, xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, gắn với trách nhiệm các cơ quan, đơn vị và các xã trên địa bàn.
Giai đoạn 2021-2025, Ba Chẽ phấn đấu thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm (còn dưới 1% vào năm 2025); đến hết năm 2022 không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới. Giai đoạn 2026-2030, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tối thiểu bằng 1/2 thu nhập bình quân chung của tỉnh; duy trì tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 1,5%/năm.
Phát triển rừng trồng gỗ lớn, cây dược liệu; đào tạo, chuyển đổi, giải quyết việc làm… được coi là giải pháp quan trọng để Ba Chẽ nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân. Nhiệm vụ này đã được các cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn tích cực triển khai. Qua đó, nhân dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng; chuyển đổi cơ cấu việc làm, đã có một bộ phận người lao động được đào tạo, chuyển dịch cơ cấu từ lĩnh vực nông nghiệp tham gia vào các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn.
Phát huy thế mạnh của địa phương từ rừng và đất rừng, triển khai mạnh mẽ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh trên địa bàn, tạo công ăn việc làm cho lao động… cùng với các nhóm giải pháp khác, đã giúp Ba Chẽ từng bước nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho nhân dân.
9 tháng năm 2021, dù chịu nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Ba Chẽ vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây: Giá trị sản xuất các ngành kinh tế tăng trưởng 20,5%, cao hơn 5,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 5,5% so với tốc độ tăng bình quân cả năm đề ra; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước, góp phần tạo việc làm, động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển. Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, giảm 12 hộ nghèo, đạt 120% kế hoạch tỉnh giao, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,63%, giảm 32 hộ cận nghèo, đạt 80% kế hoạch tỉnh giao. Thu nhập bình quân đầu người tăng 7,8 triệu đồng so với năm 2020, vượt 0,5 triệu đồng so với mục tiêu đề ra.
Mỗi ngày qua đi đều phản ánh bức tranh tươi sáng hơn của huyện miền núi Ba Chẽ. Chắc chắn rằng với sự linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ huyện cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của nhân dân các dân tộc huyện, Ba Chẽ sẽ thực hiện thành công các nghị quyết, chính sách về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, địa phương; tạo đà để Ba Chẽ phấn đấu trở thành một trong những cực tăng trưởng mới của tuyến phía Đông tỉnh Quảng Ninh.
Trung Anh
Liên kết website
Ý kiến ()