Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:39 (GMT +7)
Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới
Thứ 4, 26/06/2024 | 11:15:28 [GMT +7] A A
Sau hơn 13 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, Bình Liêu là huyện dân tộc, miền núi, biên giới đầu tiên trong nước đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025. Đây là thành quả của sự đồng lòng, vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là người dân địa phương. Qua đó tạo nền tảng vững chắc để Bình Liêu tiếp tục hướng đến xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, những năm qua, cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, tạo được phong trào sôi nổi trong xây dựng NTM. Từ chỗ người dân và cán bộ cấp xã, huyện coi đây là một chương trình đầu tư của Nhà nước cho vùng nông thôn, đến nay tất cả đã chủ động tham gia, xóa bỏ tâm thế ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, vào chính quyền. Người dân không những tự vươn lên làm chủ trong xây dựng NTM, thoát nghèo bền vững, mà còn đóng góp tiền của, công sức để xây dựng các công trình công cộng, làm đường giao thông… Người dân đã mạnh dạn, chủ động vay vốn đầu tư các mô hình sản xuất. Đến hết năm 2023 toàn huyện có 27 sản phẩm tham gia chương trình OCOP; bước đầu đã hình thành được vùng sản xuất tập trung một số cây chủ lực của địa phương.
Sự thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế của người dân là yếu tố quan trọng đưa Bình Liêu trở thành điểm sáng về du lịch cộng đồng. Từ chủ trương khai thác bản sắc văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương, người dân không chỉ tích cực tham gia bảo tồn văn hóa truyền thống, mà còn chủ động vay vốn, xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng. Người dân vùng cao từng bước thay đổi tư duy, nhận thức, chuyển hướng phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm, gắn với bảo tồn văn hóa bản địa, kết hợp giữa du lịch với sản xuất nông nghiệp. Đến nay đã hình thành một số mô hình trồng cam, dâu tây, ổi… theo tiêu chuẩn VietGAP và đón khách du lịch vào trải nghiệm, bán sản phẩm tại chỗ.
Đặc biệt là người dân đã ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên các mạng xã hội như Zalo, Facebook, sàn thương mại điện tử. Huyện hiện có 40 cơ sở lưu trú do người dân, doanh nghiệp đầu tư. Từ một vùng đất chưa được nhiều người biết tới, đến nay Bình Liêu trở thành địa chỉ du lịch trải nghiệm văn hoá đặc sắc. Nhờ đó năm 2023 Bình Liêu thu hút trên 150.000 lượt khách; năm 2024 huyện phấn đấu đón 250.000 lượt khách. Du lịch đã từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Sau 13 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, từ một huyện có 6/7 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 60%, thì đến hết năm 2023 toàn bộ các xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt 70,52 triệu đồng/năm, gấp 8 lần so với năm 2010; huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia, không còn nhà ở tạm, nhà ở dột nát.
Trong hành trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Bình Liêu xác định khơi dậy sức dân tiếp tục là một trong những giải pháp quan trọng nhất. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư Huyện ủy, cho biết: Cùng với đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, huyện xác định tiếp tục huy động sự chủ động, tự giác của người dân tham gia, nhất là phát triển các mô hình kinh tế, làm giàu trên chính quê hương mình. Thành quả xây dựng NTM là nền tảng, động lực quan trọng để huyện thực hiện mục tiêu đến 2025 thu nhập trung bình của người dân đạt 100 triệu đồng/năm; chất lượng đời sống người dân được nâng cao về mọi mặt.
Minh Toàn
Liên kết website
Ý kiến ()