Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 20:56 (GMT +7)
Khơi nguồn vốn hỗ trợ SXKD sản phẩm nông nghiệp
Thứ 6, 13/12/2013 | 07:02:02 [GMT +7] A A
Nhằm mục tiêu đáp ứng đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả nguồn vốn cho nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hoá, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 53/2012 về việc thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015.
Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh miến dong ở Bình Liêu vẫn chưa tiếp cận được vốn vay theo QĐ 2009/QĐ-UBND của UBND tỉnh. |
Để cụ thể hoá Nghị quyết số 53/2012 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2009 (ngày 13-8-2012) về cơ chế hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển SXKD sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015. Trên cơ sở cơ cấu nguồn vốn tỉnh hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương đã phân bổ nguồn lực thực hiện chính sách đúng cơ cấu quy định; tổ chức việc chi trả tiền hỗ trợ lãi suất, tuyên truyền chính sách đến với người dân và các tổ chức có nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất.
Nhìn chung, việc hỗ trợ lãi suất đã giúp cho người sản xuất tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, giảm bớt khó khăn trong SXKD, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay. Theo đánh giá của Ban Xây dựng NTM tỉnh, sau 1 năm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 2009, các cá nhân, tổ chức trên địa bàn mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tạo sự ổn định xã hội vùng nông thôn của tỉnh, góp phần sớm hoàn thành các tiêu chí NTM các địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách đã xuất hiện một số bất cập làm hạn chế dòng vốn ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng. Theo phản ánh của các địa phương Ba Chẽ, Bình Liêu...: Đối với nội dung đầu tư ở một số lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất quy định tương đối cứng, khó triển khai thực hiện. Vì muốn vay vốn người vay phải được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap hoặc phải có giấy chứng nhận trang trại. Ngoài ra, lãi suất tiền vay không ổn định, nên việc tính toán hỗ trợ cho các đối tượng không giống nhau, khó trong việc thanh toán chi trả...
Qua việc thực hiện chính sách cho thấy: Một số địa phương triển khai lập và phê duyệt các dự án, mô hình chậm; hầu hết các địa phương chưa xây dựng kế hoạch thực hiện Quyết định số 2009; việc tuyên truyền chính sách đến với đối tượng được thụ hưởng còn hạn chế, hình thức; năng lực lập dự án, phương án SXKD để tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng của người dân còn hạn chế... Mặt khác, nội dung chính sách còn nhiều bất cập: Hạn mức được hỗ trợ lãi suất định mức tối thiểu cao, chưa thực sự phù hợp với nhiều đối tượng có nhu cầu, cụ thể như quy định mỗi dự án, phương án SXKD được hỗ trợ lãi suất phải có mức dư nợ tối thiểu là 50 triệu đồng (mà theo thống kê từ Ngân hàng nhà nước có đến 59,3% số khách hàng vay vốn đầu tư vào nông nghiệp nông thôn có hạn mức vay dưới 50 triệu đồng). Nội dung được hỗ trợ chưa rộng, một số loại hình cần có tỉ lệ vay tương đối cao và thực sự cần thiết, nhưng không thuộc diện được hỗ trợ, như: Cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn, vay phát triển ngành nghề nông thôn, vay đầu tư phát triển các loại hình du lịch nông thôn, hỗ trợ cho đối tượng sản xuất con, cây giống... Bên cạnh đó, việc tổ chức chi trả chỉ ở cấp xã cũng gây khó khăn cho một số dự án của nhà đầu tư ở phạm vi liên xã hoặc các chủ đầu tư gần trung tâm huyện. Thời gian nộp hồ sơ xin hỗ trợ lãi suất chưa quy định, nên khó khăn cho cán bộ thẩm định, xác nhận…
Để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, nhằm thúc đẩy phát triển SXKD sản phẩm nông nghiệp, UBND tỉnh đã báo cáo, và Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất chủ trương điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ lãi suất, đề nghị xây dựng tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp 11. Theo đó, UBND tỉnh đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết số 53/2012 của HĐND tỉnh về các nội dung đầu tư được hỗ trợ lãi suất vay vốn: Đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô SXKD theo hướng sản xuất hàng hoá; đầu tư sản xuất các sản phẩm thuộc chương trình phát triển thương hiệu nông, lâm, thuỷ sản tỉnh; đầu tư mới hoặc mở rộng quy mô các cơ sở chế biến, bảo quản nông, lâm, thuỷ sản; đầu tư các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, đánh bắt hải sản xa bờ; đầu tư các ngành nghề nông thôn, dịch vụ du lịch sinh thái trên địa bàn nông thôn có sử dụng lao động nông thôn v.v..
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()