Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:23 (GMT +7)
Không chủ quan với bệnh dại
Thứ 3, 05/04/2022 | 06:55:48 [GMT +7] A A
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, năm 2021, toàn tỉnh có 3 người tử vong do bệnh dại tại Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Điều này cho thấy công tác phòng, chống bệnh dại trên người và động vật cần được ưu tiên, nhất là khi bước vào mùa hè nắng nóng - thời điểm bệnh này ở động vật truyền bệnh gia tăng.
Bệnh dại trên người thường do vi rút hướng thần kinh từ chó, mèo, chuột… mang mầm bệnh truyền sang người qua vết cắn, cào, hoặc do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của con vật mắc bệnh. Bệnh này nguy hiểm cho tính mạng con người, bởi khi phát bệnh, người bệnh không thể cứu chữa được. Ngoài 3 ca tử vong do bệnh dại như đã nói trên, năm 2021 còn ghi nhận 26 trường hợp tại các địa phương: Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu nghi bị chó dại cắn.
Trước sự nguy hiểm của bệnh này, hằng năm UBND tỉnh đều có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên người và động vật nuôi. CDC Quảng Ninh triển khai các hoạt động rà soát, tư vấn, tiêm phòng toàn bộ các trường hợp có liên quan đến ổ dịch dại trên địa bàn; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức các lớp tập huấn truyền thông phòng chống bệnh dại cho trường học và đội ngũ cán bộ y tế; phát 3.800 poster và 10.000 tờ rơi phòng chống bệnh dại cho các trường học, trạm y tế, trung tâm y tế và các bệnh viện; phối hợp cùng Trung tâm Truyền thông tỉnh thực hiện các bài truyền thông phòng chống bệnh dại...
Trung tâm y tế, phòng y tế các địa phương đều tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh; truyền thông, giám sát dựa vào sự kiện; tư vấn tiêm phòng dại; theo dõi các ổ dịch cũ, đặc biệt tại Móng Cái, Đầm Hà, Bình Liêu, Hải Hà và Tiên Yên; đồng thời phối hợp cùng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xử lý ổ dịch dại.
Nhờ các phòng tiêm chủng vắc-xin dịch vụ mở nhiều, phủ đến hầu hết các địa phương của tỉnh, trong đó có tiêm vắc-xin phòng dại; nguồn vắc-xin phòng dại cũng ổn định... nên đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêm phòng dại của người dân.
Về phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên động vật nuôi. Năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 6 ổ dịch bệnh dại trên động vật nuôi tại các địa phương: Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái; qua đó các ngành chức năng và địa phương đã tiêu hủy 22 con chó mắc bệnh này. Toàn tỉnh cũng đã tiêm 91.965 liều vắc-xin phòng chống bệnh dại cho động vật nuôi. Riêng tiêm phòng dại trên đàn chó trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 77% kế hoạch cả năm. 3 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đã tiêm 3.418 liều vắc-xin phòng chống bệnh dại cho động vật nuôi.
Mặc dù vậy, nhiều hộ dân chưa thực sự vào cuộc trong công tác phòng chống bệnh dại. Một số hộ dân vẫn cố tình giấu giếm, không khai báo, không đưa chó, mèo đi tiêm phòng dại theo quy định. Hiện tượng thả rông chó, mèo dẫn đến chó, mèo cắn người vẫn khá phổ biến, đặc biệt là khu vực nông thôn. Tổng số người đi tiêm phòng sau phơi nhiễm năm 2021 là 4.140 trường hợp, tăng 6,4% so với năm 2020 (3.890 trường hợp).
Trong khi đó, hầu hết các địa phương chưa thống kê chi tiết đến các hộ dân về danh sách đàn chó nuôi gây khó khăn cho việc quản lý, tiêm phòng. Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y đã có hiệu lực từ nhiều năm nay, nhưng vẫn còn nhiều xã, phường, thị trấn chưa quan tâm áp dụng để kiểm tra, giám sát, xử phạt các trường hợp vi phạm khi không cho chó, mèo đi tiêm phòng dại, vẫn thả rông chó mèo mà không đeo rọ mõm...
Được biết, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 16/3/2022 thực hiện Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2022-2030. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả kế hoạch trên, bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, các địa phương cần được thực hiện thường xuyên việc truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống bệnh dại; đồng thời giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nuôi chó theo đúng quy định của Nhà nước; tiếp tục phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh dại trên người và động vật nuôi.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()