Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 10:20 (GMT +7)
Không lơ là, chủ quan với bệnh dại
Thứ 6, 22/03/2024 | 07:51:50 [GMT +7] A A
Mặc dù được các cấp chính quyền địa phương, đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, thế nhưng việc người dân chủ động đưa chó, mèo đi tiêm phòng vắc-xin dại còn ở mức thấp, đặc biệt việc thả rông chó nhưng không đeo rọ mõm vẫn diễn ra phổ biến ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Điều này dẫn đến nguy cơ chó tấn công người dẫn đến lây lan bệnh dại, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Hẳn mọi người chưa quên vụ việc xảy ra vào cuối tháng 2 vừa qua tại huyện Đầm Hà khi một con chó đã bất ngờ chạy vào Trường TH-THCS Dực Yên (xã Dực Yên), tấn công 12 học sinh và 1 thầy giáo.
Ngay sau vụ việc xảy ra, con chó tấn công người đã bị bắt lại, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với vi rút dại. Toàn bộ 13 học sinh, thầy giáo của Trường TH-THCS Dực Yên bị chó tấn công đã được tiêm vắc-xin và huyết thanh phòng dại, đảm bảo an toàn tính mạng.
Để khoanh vùng, tránh sự việc tương tự xảy ra, xã Dực Yên đã thành lập 3 chốt kiểm soát dịch bệnh, tổ chức phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột toàn bộ 4/4 thôn của xã. Công tác rà soát đàn chó, mèo trên địa bàn cũng nhanh chóng được triển khai để tiến hành tiêm chủng. Huyện Đầm Hà cũng tiến hành rà soát toàn bộ số lượng chó, mèo nuôi để tiến hành tiêm phòng dại. Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh dại lây lan, các lực lượng chức năng tiến hành xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trong phòng chống dịch dại trên động vật nuôi; quyết liệt xử lý đối với chó, mèo thả rông, không rọ mõm ra đường; kiểm tra, rà soát nghiêm ngặt các hàng quán kinh doanh thịt chó, mèo.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh dại là bệnh phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại, có khoảng 60.000-70.000 người bị chết do bệnh dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều tử vong.
Tại Việt Nam, mỗi năm có gần 500.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc-xin dại tại các cơ sở y tế. Trung bình mỗi năm, nước ta ghi nhận 75 trường hợp tử vong do bệnh dại. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong dại trên người chủ yếu là do người bị chó mèo cắn không tiêm phòng dại. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó mèo còn thấp.
Để chủ động kiểm soát tốt bệnh dại thì các cấp, ngành liên quan cần quản lý tốt và tiêm phòng dại cho đàn chó mèo; nâng cao nhận thức, năng lực của hệ thống giám sát, điều tra xử lý ổ dịch; nâng cao năng lực chẩn đoán xét nghiệm và chuyên môn trong xử lý bệnh dại. Bên cạnh đó cần xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên động vật, đặc biệt ở các thành phố lớn và các vùng du lịch; chủ động xử lý sớm cho những người không may bị chó dại cắn.
Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại định kỳ theo khuyến cáo của ngành thú y: Không thả rông chó, mèo, phải rọ mõm chó khi cho ra đường; không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo; thực hiện diệt ngay chó và các động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại trong khu vực ổ dịch; người dân khi bị chó, mèo cắn, cào làm tổn thương da hoặc niêm mạc cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng, nước sạch và đến cơ sở y tế để tiêm phòng dại kịp thời; người dân tuyệt đối không tự chữa trị tại nhà hoặc dùng thuốc nam sau khi bị chó, mèo cắn…
Mùa hè đang đến gần, do thời tiết nắng nóng kéo dài làm cho bệnh dại trên đàn chó, mèo có chiều hướng gia tăng, vì vậy công tác phòng chống bệnh dại phải được hết sức quan tâm, đặc biệt là việc tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo. Đồng thời người nuôi cũng cần có ý thức hơn khi phải đeo rọ mõm cho chó khi thả rông ra đường. Làm tốt những biện pháp này mới có thể hạn chế những vụ việc đáng tiếc do chó, mèo cắn gây ra.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()