Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 06/11/2024 03:57 (GMT +7)
'Không có chủ trương siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp'
Thứ 4, 08/06/2022 | 17:01:50 [GMT +7] A A
Trước băn khoăn về khả năng trả nợ của số trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết mới có trường hợp Tân Hoàng Minh chưa trả được nợ, còn lại vẫn bình thường.
Tiếp tục phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định không có chủ trương nào về việc siết chặt hay hạn chế trái phiếu doanh nghiệp, bởi đây là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, bên cạnh dòng vốn từ các ngân hàng thương mại.
Đặt câu hỏi trong phiên chất vấn ngày 8/6, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) chất vấn về những sai phạm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua phải chăng xuất phát từ sự yếu kém của cơ quan chức năng. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp lành mạnh hóa thị trường thay vì siết chặt theo hướng không quản được thì cấm, ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường...
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay quy mô trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam khoảng 1,374 triệu tỷ đồng, chỉ chiếm 15% GDP. So với mục tiêu chiến lược đặt ra năm 2025 phải đạt được 20% GDP, đến năm 2030 phải đạt 25% thì thị trường này vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Bên cạnh đó, so với các nước xung quanh, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang ở mức thấp. Vì vậy, Chính phủ chủ trương phát triển thị trường chứng khoán và trái phiếu một cách bền vững. Việc huy động của các doanh nghiệp phải đúng pháp luật, minh bạch, không được lợi dụng để sử dụng vốn sai mục đích.
Tranh luận tại hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng phải chăng thời gian qua đã có sự buông lỏng quản lý đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, những cảnh báo của Bộ Tài chính về thị trường này không có hiệu quả.
Ông Nghĩa dẫn chứng trong số 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua, có doanh nghiệp phát hành gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Có doanh nghiệp bất động sản phát hành lãi suất cao, gần 13%; có doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng nhưng phát hành hơn 7.200 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu là 47 lần. Có công ty phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu nhưng vốn chủ sở hữu chỉ 270 tỷ đồng, tỷ lệ cao gấp 28 lần...
Theo ông Nghĩa, quan trọng nhất là cần có giải pháp quản lý để 51 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp tồn đọng không phát sinh hậu quả tiêu cực như khủng hoảng nhà đất những năm trước đây.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: "Trừ trường hợp Tân Hoàng Minh hiện chưa trả được nợ khi bị hủy giao dịch, còn lại các doanh nghiệp đều trả được nợ, nghĩa là dòng trái phiếu doanh nghiệp vẫn trung chuyển bình thường".
Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Tài chính thực hiện theo đúng Luật Chứng khoán và Nghị định 153/NĐ-CP: Trái phiếu phát hành riêng lẻ thì cơ quan Nhà nước gần như không cấp phép và không quản lý, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh nên trái phiếu sẽ do doanh nghiệp phát hành theo hình thức "tự vay, tự trả". Chỉ khi có dấu hiệu bất thường thì cơ quan quản lý Nhà nước mới vào cuộc./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()