Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:59 (GMT +7)
Không có đột phá trong đàm phán NATO-Thổ Nhĩ Kỳ về khả năng gia nhập của Thuỵ Điển
Thứ 2, 05/06/2023 | 14:08:40 [GMT +7] A A
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã không đạt được bước đột phá nào với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong các cuộc đàm phán vào hôm 4/6 về tư cách thành viên của Thụy Điển trong khối liên minh quân sự.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển sẽ có hơn 1 tuần nữa để khỏa lấp những khác biệt trước ngày 11-12/7 - thời điểm mà NATO muốn cho Thụy Điển gia nhập đúng lúc Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo đồng minh khác gặp nhau tại Litva. Theo hãng tin AP, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary vẫn chưa tán thành động thái này.
Theo quy định, tất cả 31 quốc gia thành viên phải phê chuẩn giao thức gia nhập của một ứng viên để nước đó trở thành thành viên của liên minh quân sụ xuyên Đại Tây Dương.
Trước đây, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên cáo buộc Thụy Điển quá khoan dung đối với các tổ chức khủng bố và các mối đe dọa an ninh, bao gồm nhóm chiến binh người Kurd và những người có liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016. Về phần mình, Hungary cũng liên tục trì hoãn thông qua, nhưng lý do tại sao đến giờ vẫn chưa được công khai rõ ràng.
“Hôm nay, Tổng thống Erdogan và tôi đã nhất trí một cơ chế chung thường trực sẽ họp lại vào tuần bắt đầu từ ngày 12/6. Việc trở thành một thành viên của NATO sẽ giúp Thụy Điển an toàn hơn, đồng thời NATO và Thổ Nhĩ Kỳ cũng mạnh hơn”, TTK Stoltenberg nói với các phóng viên ở Istanbul.
Cơ chế chung thường trực được thiết lập để giải quyết những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về Thụy Điển và Phần Lan – quốc gia đã trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào tháng 4 vừa qua.
Nhà lãnh đạo liên minh cho biết Thụy Điển đã hoàn thành nghĩa vụ của mình để đáp ứng điều kiện gia nhập NATO. Ông nhận thấy nước này đã sửa đổi hiến pháp, củng cố luật chống khủng bố và dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi nước này nộp đơn xin gia nhập NATO chỉ hơn một năm trước.
Lo sợ có thể trở thành mục tiêu của Moskva trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây gia tăng, Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ quan điểm truyền thống về việc không liên kết quân sự để tìm kiếm sự bảo vệ dưới chiếc ô an ninh của NATO.
Khi TTK NATO Stoltenberg tổ chức hội đàm ở Istanbul, hàng trăm người, trong đó có hàng chục người biểu tình ủng hộ người Kurd, đã tập trung tại Stockholm để biểu tình phản đối kế hoạch trở thành thành viên NATO của Thụy Điển. Có tới 500 người đã tham gia vào hành động mang tên “Nói không với NATO - không có luật của Erdogan ở Thụy Điển”.
Vào tháng 1, một cuộc biểu tình ở Stockholm liên quan đến việc đốt một bản sao của Kinh Qur'an đã khiến các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Thụy Điển tại NATO bị trì trệ sau khi Tổng thống Erdogan đình chỉ các cuộc họp. Vụ việc đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống Thụy Điển trên cộng đồng Hồi giáo khắp thế giới.
“Chúng tôi biết rằng Tổng thống Erdogan đang dõi theo và ông ấy đã rất tức giận với những hành động tương tự trong quá khứ. Vì vậy vậy rất có thể chúng ta sẽ có phản ứng tương tự từ ông ấy và việc gia nhập NATO của Thụy Điển sẽ bị trì hoãn hơn nữa”, người phát ngôn của Liên minh chống NATO Tomas Pettersson nói.
Theo TTK Stoltenberg, chủ đề biểu tình cũng đã được nêu ra trong các cuộc đàm phán. “Tôi hiểu rất khó để chứng kiến các cuộc biểu tình chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và NATO ở Thụy Điển. Nhưng hãy để tôi nói rõ, quyền tự do hội họp và biểu đạt là những giá trị cốt lõi trong các xã hội dân chủ… Chỉ cần hãy nhớ tại sao những cuộc biểu tình này lại diễn ra. Họ muốn ngăn Thụy Điển gia nhập NATO. Họ muốn ngăn chặn sự hợp tác chống khủng bố của Thụy Điển với Thổ Nhĩ Kỳ và họ muốn làm cho NATO yếu đi. Chúng ta không nên cho phép họ thành công”, nhà lãnh đạo NATO nhấn mạnh.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()