Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 19/12/2024 04:25 (GMT +7)
Kỷ niệm 24 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4 (1998-2022) Không đầu hàng số phận
Thứ 5, 14/04/2022 | 06:47:18 [GMT +7] A A
Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có gần 22.000 người khuyết tật, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm hơn 80%. Sống với những nỗi đau và vô vàn khó khăn, thiếu thốn, nhưng rất nhiều người trong số họ đã không đầu hàng số phận. Bằng ý chí kiên cường và sự nỗ lực đáng khâm phục, họ đang từng bước vượt qua nghịch cảnh để hòa nhập với cộng đồng và đóng góp những giá trị nhất định cho xã hội.
Viết tiếp ước mơ bằng đôi tay không còn lành lặn
Ở tuổi 20 - độ tuổi đẹp nhất của đời người, khi đang là một thanh niên khỏe mạnh, tràn đầy ước mơ và hoài bão, anh Hoàng Minh Sơn (thôn Hà Dong Bắc, xã Yên Than, huyện Tiên Yên) bất ngờ trải qua một biến cố kinh hoàng. Tai nạn do điện trong lúc làm việc tại một xưởng cơ khí đã cướp đi của anh Sơn cả 2 cánh tay, cùng với cẳng chân bên phải và một ngón chân trái. Ước mơ tham gia quân ngũ đành phải bỏ dở. Những tháng ngày tiếp theo là quãng thời gian Hoàng Minh Sơn phải vật lộn với 6 ca phẫu thuật đầy đau đớn và làm quen với những khiếm khuyết trên cơ thể.
Một năm sau bị tai nạn, khi còn chưa thể chấp nhận sự nghiệt ngã của số phận, bố Sơn - chỗ dựa quan trọng nhất của anh đột ngột qua đời vì một cơn tai biến. Từ đó, ngoài khoản trợ cấp cho người khuyết tật đặc biệt nặng (khoảng 1,5 triệu đồng/tháng) của Sơn, cuộc sống của 3 người trong nhà phụ thuộc hoàn toàn vào người mẹ.
Em gái Sơn hiện đang theo học tại Trường Đại học Hạ Long, nhà chỉ còn 2 mẹ con nương tựa vào nhau. Mẹ Sơn vốn sức khỏe yếu, ngoài công việc đồng áng và thi thoảng đi bóc keo thuê, hằng ngày vẫn phải giúp Sơn tắm giặt và vệ sinh cá nhân. Thương mẹ vất vả, Sơn đã cố gắng vượt qua cảm giác chán nản, tuyệt vọng để gượng dậy. Sau thời gian dài kiên trì tập luyện, Sơn đã có thể giúp mẹ một số việc việc vặt trong nhà.
Không những thế, với quyết tâm phải làm được một công việc nào đó để phụ giúp gia đình, Sơn đã “bén duyên” với nghề thiết kế nội - ngoại thất. Được sự giúp đỡ của bạn bè, hơn 2 năm qua hầu như ngày nào Sơn cũng đến xưởng cơ khí cách nhà hơn 1km để học nghề. Những hôm mẹ bận không chở đi được, một mình Sơn cuốc bộ trên đôi chân tập tễnh.
Anh Trần Quang Vinh (phụ trách kỹ thuật tại xưởng cơ khí nơi Sơn đang học nghề) cho biết: Hoàng Minh Sơn có rất nhiều tố chất phù hợp với công việc thiết kế đòi hỏi sự sáng tạo, óc thẩm mĩ và tính tỉ mỉ. Nhiều bạn trẻ từng đến học, nhưng không phải ai cũng có đủ niềm đam mê và kiên trì gắn bó với nghề này như Sơn. Bởi với Sơn, một việc đơn giản như sử dụng thành thạo con chuột và bàn phím máy tính đã là một thử thách lớn.
Hiện nay Sơn vẫn đang trong quá trình học việc, nhưng anh luôn miệt mài cố gắng để tiến bộ từng ngày. Nguyện vọng lúc này của chàng trai 24 tuổi chỉ đơn giản là sớm thành nghề để có được nguồn thu nhập ổn định, san sẻ gánh nặng kinh tế cho gia đình. Bằng đôi tay không còn lành lặn và ý chí vượt lên số phận, mong rằng Hoàng Minh Sơn sẽ thực hiện được ước mơ của mình.
Dù chậm, dù khó khăn đến mấy cũng phải tự mình đứng dậy!
Đó là tâm niệm của anh Nguyễn Minh Thành, người khuyết tật vận động nặng tại phường Hoành Bồ, TP Hạ Long. Hiện anh Thành đang là chủ một cơ sở sản xuất cống bê tông với quy mô khoảng 10 công nhân, chuyên thi công các công trình thoát nước.
Anh Thành cho biết: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, 2 năm gần đây số lượng các công trình giảm sút, nên gia đình buộc phải thu hẹp sản xuất. Trước đó, có thời điểm cơ sở sử dụng tới 40 lao động, đa số là người địa phương, với thu nhập trung bình 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Để có được thành quả như hôm nay là cả một quá trình nỗ lực không mệt mỏi của người đàn ông khuyết tật này. Năm 2009, khi mới 31 tuổi, anh Thành mất hoàn toàn chân phải sau một vụ tai nạn thương tâm. Đang là trụ cột kinh tế trong gia đình, với trách nhiệm nuôi 2 con nhỏ, anh Thành như rơi xuống vực thẳm trong sự tuyệt vọng, hoang mang tột độ. Song bằng nghị lực của bản thân và sự động viên từ gia đình, anh Thành nhanh chóng xốc lại tinh thần. Chỉ gần 1 năm sau tai nạn, anh đã quay trở lại với công việc tại cơ sở sản xuất cống bê tông.
Dù phải di chuyển trên chiếc chân giả, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ tái phát, đau nhức không chịu nổi, nhưng hầu như ngày nào anh Thành cũng có mặt tại xưởng từ sáng sớm đến chiều muộn. Vừa quản lý, giám sát công nhân, vừa trực tiếp tham gia lao động, anh Thành làm việc không biết mệt.
"Bản thân đi lại khó khăn, chậm chạp nên làm việc gì tôi cũng mất nhiều thời gian và công sức hơn gấp 3-4 lần so với trước đây. Nhưng không thể vì chậm, vì khó mà dễ dàng từ bỏ. Ngược lại, nhất định phải tự đứng dậy để cho mọi người thấy rằng nếu đủ quyết tâm và cố gắng, người khuyết tật vẫn có thể có ích cho xã hội." - Anh Thành tâm sự.
Hiện nay, do còn hạn chế, khó khăn về vốn và mặt bằng, cơ sở của anh Thành vẫn đang sản xuất bằng sức người là chính, khả năng cạnh tranh vì thế cũng phần nào bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, một trong những ưu tiên hàng đầu của anh là đảm bảo công việc và thu nhập cho công nhân. Thế nên có thời điểm, lương công nhân cao hơn lương chủ, anh Thành vẫn vui vẻ chấp nhận. Anh Thành mong muốn trong thời gian tới được các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể xem xét, hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư mở rộng mặt bằng, mua thêm máy móc, thiết bị, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho công nhân.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Thành còn tích cực tập luyện các môn thể thao như bơi, đẩy tạ, chạy bộ… Nhiều năm nay, anh luôn là gương mặt quen thuộc trong các hoạt động văn nghệ, thể thao dành cho người khuyết tật ở địa phương và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, thành phố.
Chia tay anh Nguyễn Minh Thành, chúng tôi ấn tượng mãi với nụ cười hiền lành luôn thường trực trên gương mặt người đàn ông khuyết tật này, cùng câu nói chắc nịch của anh: Dù chậm, dù khó khăn đến mấy cũng phải tự mình đứng dậy!
Hương Giang
Liên kết website
Ý kiến ()