Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:27 (GMT +7)
Không gian then và những biểu tượng văn hoá Tày
Thứ 2, 30/07/2018 | 09:58:08 [GMT +7] A A
Hát then, diễn xướng then là nét văn hoá đặc trưng của người Tày nói chung, người Tày ở Bình Liêu nói riêng. Trải qua thời gian và sự biến cải bởi phương thức truyền miệng nhưng về cơ bản diễn xướng then vẫn giữ được những nội dung phản ánh ban đầu. Việc tìm hiểu biểu tượng văn hóa của những vật dụng trong không gian then sẽ giúp ta hiểu sâu sắc thêm về nghi lễ then của người Tày...
Không gian riêng của những người theo nghiệp then
Khi xác định sẽ theo nghiệp then, người được lựa chọn sẽ được gia đình chuẩn bị một không gian riêng để hoạt động, không gian đó gọi là Lầu then. Lầu then là một gian phòng riêng, có kê ván gỗ để mặt bằng cao hơn các phòng khác trong gia đình khoảng 1m, có bắc thang ở cửa phòng để lên xuống.
Nghệ nhân Dân gian Hoàng Thị Viên hành lễ tại không gian then. |
Vị trí trung tâm nhất là bàn thờ then, có phân chia các tầng, cụ thể: Tầng trên cùng nhất là bàn thờ các vị tiên ở mường Phạ - mường cao nhất trong then. Tầng thứ 2 là thờ các quân slin, tức là các quân của then. Tầng tiếp theo để thờ các vị tổ sư của người làm then. Tầng cuối cùng gọi là Cốc sủ - thờ tổ tiên dòng họ làm then, nếu tổ tiên bên nội và bên ngoại đều làm then thì sẽ có 2 cốc sủ, nếu chỉ có một bên nội hoặc ngoại thì có 1 cốc sủ. Bên cạnh bàn then là những đồ vật hành nghề then được bài trí trang trọng.
Thực hiện rất nhiều kiêng khem, người làm then phải ngủ trong phòng then ít nhất 15 ngày trong thời gian đầu, về sau có thể chỉ ngủ ở đó vào ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng. Khi có người đến tìm gặp then để xin ý kiến giải quyết các việc tâm linh, then sẽ thực hiện các nghi thức trong không gian đó.
Vật dụng làm then – biểu tượng văn hóa sinh động
Then đã sinh động hoá quan niệm về thế giới ba tầng của người Tày. Khi thực hành các nghi lễ, người làm then không thể thiếu được các dụng cụ như: Đàn tính, chùm xóc nhạc, quạt, thẻ âm dương (thẻn), kiếm. Đó những vật thiêng của người hành nghề then, mỗi vật đều mang ý nghĩa biểu tượng nhất định.
Nói về vật dụng làm then, trước tiên phải kể đến tính tảu (đàn tính) là vật gắn liền với những cuộc hành lễ then tạo sức hút với người nghe bởi âm thanh trầm bổng, du dương, đưa tâm trí người nghe theo cuộc hành trình của đoàn quân then. Người hành lễ sử dụng đàn tính để phụ họa cho việc diễn tả nội dung của đường then. Tính tảu trên tay của then, lúc sang bên phải lúc sang bên trái như đang cầm cương ngựa. Lúc đung đưa tính tảu là lúc quan then đang điều khiển con ngựa của mình, lúc tiếng đàn nhẹ nhàng, nỉ non là lúc bước trên đường sau những lúc phi nước đại.
Kế đến là chùm xóc nhạc (còn gọi là cỗ nhạc – cỗ ngựa) là vật dụng làm bằng đồng hoặc sắt. Trong quá trình làm then, chùm xóc nhạc được nghệ nhân sử dụng theo nhiều cách. Khi quân binh vượt núi thì nhạc xóc thôi thúc, khi vượt sông thì tiết tấu nhanh hơn, dồn dập hơn, khi linh hồn nhập vào thì xóc nhạc tốc độ càng nhanh hơn. Nghe cách xóc nhạc của then khi hành lễ cũng có thể hiểu được sự việc đang diễn ra của hành trình then. Khi rộn rã là lúc thúc ngựa lên đường (tấn mạ), khi nhẹ nhàng là lúc ngựa đang rong ruổi chuẩn bị dừng ngựa, hết trạm.
Chùm xóc nhạc còn được sử dụng khi múa chầu trong then, theo nhiều cách khác nhau như múa chèo thuyền, múa quạt, múa tán hoa, múa chầu lễ, múa chầu tướng... Trong một cuộc then, nếu không có chùm xóc nhạc thì chưa đủ khích lệ tâm lý hưng phấn của người nghe hát then. Đóng vai trò giữ nhịp, lúc nhanh dồn dập, khi chậm khoan thai, chùm xóc nhạc đi kèm tiếng tính tảu như hình với bóng, làm cho cuộc hát then có sức cuốn hút lạ kì.
Tiếp theo là thẻn (bộ gieo quẻ âm dương) được làm bằng hai nửa miếng gỗ hoặc tre dùng để hỏi ý kiến thần linh. Cách gieo quẻ của các thầy then khác với người Kinh là khi gieo quẻ phải hợp liền 3 lần mới được. Qui định đánh thẻn của các thầy then như sau: Lần 1: Một sấp một ngửa, lần 2: Hai sấp, lần 3: Hai ngửa. Hoặc có quy định: Thẻn ngửa là đi, thẻn úp là về.
Chùm xóc nhạc, thẻn và ấn - những đồ dùng mang tính biểu tượng trong then. |
Cuối cùng phải kể đến là ấn, chủ yếu được khắc bằng gỗ hay bằng đồng, được sử dụng với ý nghĩa thừa lệnh Ngọc Hoàng Thượng đế đi hành sự, dù ở nhà hoặc khi đi làm lễ, ấn đều được đặt ở bát hương chính của then.
Ngoài ra còn có các đồ vật khác như: Quạt, chuông, dao (kiếm) và còi. Mỗi vật đều có chức năng riêng phục vụ hành lễ theo quy định. Quạt dùng tượng trưng là cờ khi đôn đốc binh mã qua các lần phất quạt, đóng hay mở quạt. Chuông gióng báo hiệu mở đầu các nghi thức quan trọng, còi để tập hợp binh mã, dao (kiếm) dùng để trừ tà đuổi quỷ.
Chứng kiến bà then nâng niu từng vật dụng mang sức nặng và chiều sâu văn hóa, được nghe giải thích về ý nghĩa biểu tượng của từng món đồ, càng cảm nhận được rõ hơn giá trị quý báu của kho tàng then Tày.
Tin rằng, với những định hướng đúng đắn về văn hóa như hiện nay, nhiều giá trị khác của then Tày sẽ được biết đến, được nâng niu trân trọng.
Tô Đình Hiệu
(Trung tâm TT –VH Bình Liêu)
Liên kết website
Ý kiến ()