Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 12:27 (GMT +7)
Kho tàng văn hóa dân gian của người Sán Dìu ở Quảng Ninh
Chủ nhật, 13/10/2024 | 08:29:24 [GMT +7] A A
Người Sán Dìu là một trong 53 dân tộc thiểu số ở nước ta. Ở Quảng Ninh, người Sán Dìu sống xen kẽ cùng các tộc người Dao, Sán Chay, Kinh, Tày... và chiếm khoảng 1,6% số dân toàn tỉnh, cư trú tập trung nhiều ở các huyện Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn và TP Hạ Long.
Tập quán của người Sán Dìu làm nhà ở những sườn đồi hay chân đồi. Trước đây, nhà thường làm với quy mô nhỏ, kết cấu kèo cột đơn giản, rồi buộc lại với nhau bằng dây lạt hay dây rừng. Mái nhà được lợp bằng rơm rạ, cỏ tranh... Vách đất, dựng nan tre rồi vắt rơm trộn bùn mà đắp vào. Nhà ở và các công trình phụ trợ theo hình chữ U. Gian chính có bàn thờ tổ tiên, bàn ghế tiếp khách. Các gian bên trái, bên phải và gian phụ thường bố trí giường ngủ của các thành viên trong nhà và vật dụng sinh hoạt, hũ để hạt giống.
Nam giới người Sán Dìu thường mặc quần cộc hoặc quần dài màu thâm, cạp chun, có hai túi; áo màu thâm dài ngang đùi, có một túi. Phụ nữ luôn mặc 2 áo: Áo trong, áo ngoài màu chàm, hoặc thâm, dài quá gối. Đầu đội khăn đen bằng vải chéo, theo hình mỏ quạ. Người già thường mặc áo vạt trái vắt sang bên phải, người trẻ thì ngược lại. Thắt lưng màu tím, đỏ, hoa lý, hoặc có hoa văn trang trí nhiều màu. Vào ngày lễ, tết, hội làng hay đám cưới, phụ nữ đội khăn gấm, hoặc nhung the, yếm đỏ; đeo đồ trang sức khuyên tai, vòng tay, vòng cổ, xà tích, nhẫn bằng bạc. Đặc biệt, túi đựng trầu được thêu bằng chỉ nhiều màu, với nhiều hoạ tiết đẹp mắt. Riêng trang phục của thầy cúng có thêm mũ thông thiên, áo cà sa được trang trí hoa văn với các mô típ hình người, ngựa, rồng, phượng…
Về ẩm thực dân gian, người Sán Dìu, có cơm gạo tẻ, khau nhục, thịt thính, thịt ướp chua, bánh lá ngải, xôi nhuộm màu, bánh chưng gù, bánh tài lồng ệp, canh gà bản địa nấu với rượu và lá ngải cứu, thịt muối, cháo khoai, sắn. Thức uống hằng ngày là nước chè xanh, lá vối, cháo loãng. Rượu được dùng nhiều trong các dịp lễ, tết, đình đám. Đặc biệt, người Sán Dìu ở Tiên Yên đã khôi phục được nghề nấu rượu men lá đặc trưng. Tất cả được chế biến từ những nguyên liệu sẵn có và nhiều món ăn đã trở thành đặc sản, không thể thiếu khi tiếp đón khách quý hoặc mỗi dịp lễ, Tết.
Trong lao động sản xuất, người Sán Dìu có các nghề truyền thống là trồng lúa nương, nghề đi rừng, chăn tằm dệt vải, nhuộm chàm và các nghề đan lát. Riêng ở Tiên Yên, người Sán Dìu có thêm nghề biển. Về văn hóa tâm linh, đồng bào Sán Dìu tin theo thuyết “vạn vật hữu linh”, tam giáo đồng nguyên, thờ cúng tổ tiên bên cạnh đó còn thờ thần cửa, thổ công, vua bếp, thờ mụ. Riêng thầy cúng còn thờ Phật quan Thế Âm, thờ Tam Thanh và thờ Tổ sư cao hơn bàn thờ tổ tiên.
Người Sán Dìu Quảng Ninh có vốn văn nghệ dân gian khá phong phú, thể hiện trên tất cả các mặt diễn xướng, dân vũ, hội họa, văn học dân gian. Trong đó, hát soọng cô là hình thức hát đối đáp, mỗi bài ca là một bài thơ có tính chất giao duyên.
Về vũ đạo dân gian, người Sán Dìu có các điệu múa: Hành quang, múa gậy tầm xích, múa dâng y cà sa, múa dâng đèn, múa dâng phẩm vật, múa ngũ đẩu… Trên phương diện nghệ thuật tạo hình dân gian, có lẽ nét nổi bật nhất vừa nhiều về số lượng, lại vừa đạt tới những giá trị nhất định về chất lượng thẩm mỹ, phải kể đến nghệ thuật chạm trổ thể hiện trên ấn, lệnh bài, giao long. Đặc biệt là nghệ thuật tranh trổ giấy, trang trí trong nhà vào dịp Tết, lễ cưới xin, cấp sắc, ma chay.
Nhìn chung, văn hóa người Sán Dìu khá phong phú, thể hiện ở các phong tục, tập quán, lễ nghi. Nghề chính của người Sán Dìu là làm ruộng nên có nhiều nghi lễ về nông nghiệp. Trong một năm, người Sán Dìu có nhiều lễ tiết như: Lễ hội Đại phan, lễ cầu an, lễ cầu mùa, Tết Mười Tư (14/7 âm lịch), lễ rửa cày bừa hoặc lễ lên đồng...
Lễ hội lớn nhất của đồng bào Sán Dìu là lễ hội Đại phan tức là lễ cơm lớn (được no), thực chất là lễ cầu mùa thường tổ chức vào ngày nông nhàn, sau vụ cấy, vụ thu hoạch hoặc vào mùa xuân. Lễ Đại phan gồm 4 lễ chính: Rước hình Sơn Thái nhân, Lễ chém súc, Lễ leo đao (leo gươm), Lễ lội than. Đại phan tích hợp nhiều yếu tố văn hoá đặc trưng như: Phong tục tập quán, nghi thức thờ tự, âm nhạc, ca múa, mỹ thuật. Bên cạnh đó, người Sán Dìu Quảng Ninh còn có lễ cấp sắc, tương tự như người Dao, để đánh dấu bước trưởng thành của người đàn ông trong cộng đồng làng bản.
Tuy nhiên, văn hoá dân gian của người Sán Dìu Quảng Ninh đang đứng trước nguy cơ mai một do phần nhiều chỉ được truyền miệng cùng quá trình phát triển, đô thị hóa, hòa cùng nhịp sống hiện đại. Ngày 21/6/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng, khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2025. Trong đó, có làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân, huyện Vân Đồn.
Trong quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa người Sán Dìu Quảng Ninh, có những nỗ lực của cá nhân. Tiến sĩ Trần Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển văn hóa Sán Dìu Việt Nam, một người con của Quảng Ninh đã có nhiều chương trình sưu tầm, bảo tồn văn hóa Sán Dìu, văn hóa đình làng Quang Hanh (TP Cẩm Phả) và đã cùng với cộng sự nghiên cứu bộ chữ Latinh phát âm Sán Dìu nhằm truyền dạy và bảo tồn tiếng nói của người Sán Dìu cho thế hệ trẻ.
Huỳnh Đăng
- Nét đẹp văn hóa tinh thần của đồng bào Sán Dìu
- Kho tàng văn học dân gian đặc sắc của người Sán Dìu
- Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Sán Dìu
- Đặc sắc nghi lễ cấp sắc của người Sán Dìu ở Quảng Ninh
- Vũ điệu hành quang của đồng bào Sán Dìu
- Phong tục cưới hỏi của người Sán Dìu
- Khúc dân ca của người Sán Dìu
Liên kết website
Ý kiến ()