Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 20/12/2024 15:39 (GMT +7)
Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng: Đánh thức "nàng công chúa" ngủ say
Chủ nhật, 30/09/2018 | 16:46:14 [GMT +7] A A
Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng có thể ví như một “lá phổi xanh”, không chỉ của huyện miền núi Hoành Bồ, mà còn của tỉnh Quảng Ninh. Với nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác, khám phá, Khu bảo tồn như một “nàng công chúa” vẫn ngủ say, chờ được đánh thức để khoe ra những nét đẹp của mình.
Cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng. |
Với diện tích tự nhiên 15.593,8ha, nằm trên địa phận 5 xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Đồng Lâm, Vũ Oai, Hoà Bình, Khu bảo tồn được đánh giá là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao nhất trên địa bàn tỉnh hiện nay. Với những giá trị đặc biệt của mình, Khu bảo tồn đã và đang mang lại lợi ích không chỉ cho cộng đồng dân cư trong khu vực, mà còn có giá trị to lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, phục vụ giáo dục, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, cung cấp lâm sản, nguồn dược liệu quý... Khu bảo tồn cũng là nơi lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen quý, mẫu chuẩn hệ sinh thái có giá trị trong nước cũng như trên thế giới.
Giá trị đa dạng sinh học có thể nói là tiềm năng đáng chú ý nhất của Khu bảo tồn, hiện đang được các cơ quan chức năng, địa phương bảo tồn, giữ gìn tốt. Theo kết quả điều tra đa dạng các loài cây thân gỗ và thân thảo do Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp cùng Phân viện Điều tra quy hoạch rừng Đông Bắc Bộ và các chuyên gia của Trường Đại học Lâm nghiệp, thì thực vật thân gỗ ở đây là 546 loài thuộc 332 chi của 97 họ khác nhau. Trong đó có 39 loài thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới và 3 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Thực vật thân thảo ở khu bảo tồn cũng phong phú với tổng 617 loài thuộc 380 chi của 119 họ. Trong đó có 14 loài thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng được ghi trong Sách đỏ Việt Nam, Sách đỏ thế giới và đặc biệt có 1 loài đang nằm ở cấp rất nguy cấp. Thực vật trong Khu bảo tồn có nhiều nhóm công dụng khác nhau. Trong đó nổi bật nhất là nhóm cây cho gỗ và nhóm cây dược liệu với nhiều loại quý hiếm, đặc hữu. Hệ động vật cũng phong phú, có giá trị với 2 loài đặc hữu là thằn lằn cá sấu và cá cóc Việt Nam.
Lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn lên phương án khoanh vùng các khu vực, thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ rừng. |
Bên cạnh giá trị đa dạng sinh học, một giá trị nữa cũng rất đặc sắc của Khu bảo tồn chính là giá trị cảnh quan. Trong Khu bảo tồn, các cánh rừng tự nhiên được đan xen bởi hàng trăm con suối, thác nước lớn nhỏ, tạo thành bức tranh sơn thủy hữu tình. Đi bộ dưới tán rừng, lội suối, băng thác, vượt đèo, chinh phục “nóc nhà” của Khu bảo tồn - đỉnh Thiên Sơn, nằm ở độ cao 1.096m so với mực nước biển cùng nhiều đỉnh núi cao mây phủ khác như Khe Ru, Đèo Kinh, Đồng Trà, Am Váp... là hành trình đầy ấn tượng.
Dù vẫn đang “ngủ vùi” ở dạng tiềm năng, nhưng trong tương lai, nếu được quy hoạch, khai thác theo hướng du lịch trải nghiệm mạo hiểm, chắc chắn những giá trị đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên của Khu bảo tồn sẽ phát huy được tối đa, còn công tác giữ gìn, bảo tồn cũng được duy trì, đảm bảo tốt...
Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Khu bảo tồn Vũ Văn Mỳ cho biết: Hiện nay, việc quản lý Khu bảo tồn mới chỉ dừng lại ở việc giữ gìn, bảo vệ nguyên trạng, còn vô vàn tiềm năng, lợi thế gần như vẫn “ngủ say”, chưa được khai thác hoặc chưa tìm ra hướng để khai thác hợp lý. Ban Quản lý Khu bảo tồn hiện đã xây dựng báo cáo thực trạng và giải pháp quản lý, quy hoạch, phát triển bền vững Khu bảo tồn. Trong tương lai, để “nàng công chúa” này thức giấc, khoe ra những nét đẹp của mình, rất cần đến những chính sách lớn từ phía tỉnh và sự chung tay hợp tác, vào cuộc tích cực của các tổ chức, đơn vị, cá nhân...
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()