Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 17:38 (GMT +7)
Khu Hồng Quảng ra đời, Vùng mỏ hoàn toàn giải phóng
Thứ 7, 05/08/2023 | 08:36:19 [GMT +7] A A
Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của địa phương, căn cứ vào các đặc điểm địa lý kinh tế, hành chính, dân cư, truyền thống lịch sử... của Vùng mỏ, ngày 22 tháng 2 năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL thành lập Khu Hồng Quảng, trên cơ sở hợp nhất Đặc khu Hòn Gai và tỉnh Quảng Yên (trừ các huyện Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách và Sơn Động, sáp nhập trở lại tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang).
Các cơ quan chức năng về mặt Nhà nước của khu Hồng Quảng đã nhanh chóng được thành lập, kịp thời chỉ đạo các mặt công tác. Thực hiện quyết định của Trung ương Đảng, Đảng bộ tỉnh Quảng Yên và Đảng bộ Đặc khu Hòn Gai đã hợp nhất thành Đảng bộ khu Hồng Quảng do đồng chí Hoàng Hữu Nhân làm Bí thư Khu ủy. Toàn Đảng bộ có 2000 đảng viên sinh hoạt trong 106 chi bộ. Để tiến hành công tác tiếp quản Khu mỏ, Khu ủy đã quyết định thành lập 2 đảng ủy ở thị xã Hòn Gai, thị xã Cẩm Phả, 3 Ban cán sự ở Quảng Yên, Cửa Ông, Cát Bà.
Cùng với tổ chức Đảng, Khu ủy cũng quyết định thành lập 2 Ủy ban quân chính, phụ trách công việc tiếp quản ở các thị xã, khu phố và xí nghiệp. Khu ủy còn chỉ đạo việc xây dựng củng cố các ngành công an, kiểm sát... và các đoàn thể công đoàn, thanh niên, phụ nữ và mặt trận. Việc thành lập Khu Hồng Quảng thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta đối với Khu mỏ, đồng thời cũng nói lên vai trò, vị trí của Khu mỏ và đội ngũ công nhân mỏ đối với cả nước. Khu Hồng Quảng được thành lập nhưng phần lớn đất đai còn nằm trong chế độ quân quản của thực dân Pháp trong khu vực 300 ngày. Ở vùng quân đội Pháp còn tạm thời kiểm soát, địch tăng cường phá hoại lực lượng ta về mọi mặt, chúng liên tiếp tổ chức tập trận giả để khủng bố nhân dân, cưỡng ép di cư, cất giấu vũ khí. Ở Khu mỏ, chúng xây dựng tổ chức “Công an xung phong” tập trung cài cắm lực lượng ở Hoành Bồ, thị xã Cẩm Phả, Cửa Ông, thị xã Hòn Gai... Địch đã phối hợp tất cả các thủ đoạn: Cưỡng ép di cư, di chuyển máy móc trái phép, cài cắm lực lượng phản động để phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, kéo dài thời gian chiếm đóng, hòng làm suy yếu lực lượng của ta về mọi mặt.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, trước tình hình phức tạp của Vùng mỏ, Khu ủy đã đề ra chủ trương “yêu cầu chính của đấu tranh hiện nay là làm thế nào để địch rút đúng thời gian, không để địch có cớ gì kéo dài hoặc khủng bố. Vấn đề then chốt lúc này là phải tập trung xây dựng bộ máy chuyên chính thật sự vững chắc, đặc biệt, ở các xã vùng cao và các thị xã quan trọng.
Cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân Khu mỏ đã làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của bọn thực dân hiếu chiến Pháp, đế quốc Mỹ, và làm tê liệt bộ máy tay sai của địch buộc chúng phải rút khỏi Khu mỏ theo đúng thời gian quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Công việc tiếp quản Khu mỏ được Đảng bộ và nhân dân khu Hồng Quảng ráo riết chuẩn bị, đặc biệt là việc chuẩn bị tiếp quản ngành sản xuất than.
Ngày 8 tháng 4 năm 1955, hiệp nghị về việc chuyển giao mỏ than Hòn Gai đã được ký kết, Chính phủ Pháp chính thức công nhận chủ quyền của công nhân mỏ.
Ngày 11 tháng 4 năm 1955, các hiệp định về việc chuyển giao khu chu vi Hải Phòng đã được ký kết giữa ta và Pháp. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Khu ủy Hồng Quảng đã tập trung mọi lực lượng để tiếp quản toàn Khu mỏ. Chủ trương của ta lúc này là phải tiếp quản nhanh gọn, tránh khiêu khích của địch. Lực lượng tiếp quản gồm 2 bộ phận chính, lực lượng quân sự chủ yếu là của Trung ương, lực lượng chính trị do khu ủy xây dựng và tổ chức. Ta tiến vào giải phóng theo hai hướng: Một là từ khu giải phóng Hải Ninh tiến vào Cửa Ông - Cẩm Phả; hai là từ Đông Triều tiến về Hòn Gai.
Ngày 18 tháng 4 năm 1955, đội tiếp quản hành chính của ta đã tiến vào Cửa Ông và Cẩm Phả nhận bàn giao của Pháp. Ngày 20 tháng 4 đội cảnh vệ trật tự của ta tiến vào Cẩm Phả và đội tiếp quản hành chính tiến vào Hòn Gai.
Ngày 22 tháng 4 năm 1955, một lực lượng quân sự và chính trị của ta tiến vào chính thức tiếp quản Cửa Ông và Cẩm Phả, hàng nghìn người xuống đường hân hoan chào đón đoàn quân giải phóng. Công nhân mỏ hướng dẫn và phối hợp với bộ đội nhanh chóng chiếm giữ những vị trí quan trọng như nhà sàng Cửa Ông, mỏ Đèo Nai.
Ngày 24 tháng 4 năm 1955, lực lượng quân sự của ta tập kết ở Bãi Cháy theo Hiệp định được ký kết, chuẩn bị tiếp quản Hòn Gai. 12 giờ ngày 24 tháng 4 năm 1955 (giờ Hà Nội), tên lính cuối cùng trong lực lượng viễn chinh của thực dân Pháp rút khỏi Khu mỏ. 13 giờ cùng ngày, lực lượng quân sự và chính trị của ta tiến vào tiếp quản Hòn Gai. Hàng vạn nhân dân đã náo nức xuống đường, cờ hoa rợp trời chào đón bộ đội và cán bộ ta.
Sau hơn 72 năm đấu tranh bền bỉ và anh dũng, Khu Hồng Quảng đã sạch bóng quân xâm lược và hoàn toàn được giải phóng.
8h30 ngày 25 tháng 4 năm 1955, tại cuộc mít tinh ở thị xã Hòn Gai, Ủy ban quân chính Hồng Quảng gồm các đồng chí Hoàng Hữu Nhân, Trịnh Nguyên, Nguyễn Ngọc Đàm, Nông Công Dũng... ra mắt trước toàn thể nhân dân.
Đỗ Quang (Tổng hợp)
Liên kết website
Ý kiến ()