Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 07:10 (GMT +7)
Khu vực dịch vụ: Từng bước khôi phục đà tăng trưởng
Thứ 6, 19/11/2021 | 08:45:02 [GMT +7] A A
Khu vực dịch vụ được đánh giá là khu vực chịu tác động mạnh mẽ nhất từ dịch Covid-19. Trong 2 năm qua, nhiều ngành, lĩnh vực thuộc khu vực này tăng trưởng rất chậm, thậm chí, có thời điểm đã “đóng băng”. Đáng chú ý, năm 2021, các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH đặt ra rất cao, điều này đòi hỏi khu vực dịch vụ của tỉnh trong những tháng cuối năm cần tăng tốc mạnh mẽ.
Từ tháng 10/2021, trước dấu hiệu khả quan và kết quả đạt được của công tác kiểm soát phòng chống dịch Covid- 19, nhiều ngành, lĩnh vực thuộc khu vực dịch vụ của tỉnh đã được tái khởi động, sau một thời gian bị ngưng trệ. Trong đó, hoạt động vận tải liên tỉnh đã được nối lại, nhiều hoạt động du lịch, dịch vụ… được triển khai. Các cấp, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để vừa đảm bảo an toàn cho người dân trước dịch bệnh, vừa thúc đẩy tăng trưởng ngành dịch vụ.
Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Hiền cho biết: Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc bình ổn giá cả thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tăng giá hàng hoá, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Cơ quan chuyên môn thuộc Sở cũng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn liên quan đến các nội dung về niêm yết giá, cung ứng hàng hoá; thực hiện các biện pháp 5K trong phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong tỉnh vẫn giữ được ở mức ổn định, hàng hóa đa dạng, phong phú đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Theo thống kê của Sở Công Thương, tính trong tháng 10 năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn đạt 100,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến khu vực dịch vụ ở quý II và III năm nay, tuy nhiên, trong tháng 10, vẫn có nhiều ngành, lĩnh vực thuộc khu vực này có mức tăng trưởng tương đương hoặc cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Đơn cử như, thương mại bán lẻ bằng 103,1% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác (ngoài ăn uống và lữ hành) bằng 106 % so với cùng kỳ. Luỹ kế 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,3% so CK. Trong đó, thương mại bán lẻ tăng 5,9% cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác (ngoài ăn uống và lữ hành) tăng 9,4% so cùng kỳ. Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, cũng có sự tăng trưởng nhất định so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, đáng chú ý kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2021, ước đạt 2.049 triệu USD, tăng 11,24% CK, đạt 80,04% so với kế hoạch năm.
Về chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 năm 2021, tăng 0,08% so với tháng 9, trong đó một số nhóm hàng hóa tăng giá, như: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,68%; thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,01%; giao thông tăng 1,70%. Bình quân 10 tháng 2021, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 1,79% so với cùng kỳ, trong đó nhóm hàng hóa tăng giá như: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,37%; May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,48%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,43%; Thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,17%; Đồ uống thuốc lá tăng 0,58%; Giao thông tăng 7,70%;...
Ở lĩnh vực vận tải hàng hoá và hành khách, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Giao thông Vận tải đã nhanh chóng kết nối trở lại, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị vận tải quay trở lại hoạt động, đáp ứng tối đa như cầu của nhân dân, trên cơ sở đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Theo đó, khối lượng hàng hóa vận chuyển tháng 10 năm 2021 đạt 8,2 triệu tấn, tăng 27,4% so cùng kỳ; luỹ kế 10 tháng đạt 70,2 triệu tấn, tăng 14,3% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi và hỗ trợ vận tải ước tháng 10 đạt 2.703 tỷ đồng, tăng 18% so cùng kỳ; luỹ kế 10 tháng đạt 23.002 tỷ đồng, tăng 11,4% so cùng kỳ. Tàu thuyền đến cảng trong tháng 10 đạt 10.323 lượt, tăng 12% cùng kỳ; lũy kế 10 tháng đạt 94.340 lượt, tăng 0,2% cùng kỳ;...
Cùng với ngành vận tải, ngành Ngân hàng cũng đã tăng cường triển khai các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. “Để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 cũng như cung ứng dịch vụ nhanh nhất đến khách hàng, các ngân hàng thời gian qua đều tập trung cho mảng dịch vụ điện tử. Đến nay rất nhiều giao dịch khách hàng có thể thực hiện thông qua hệ thống điện tử mà không phải đến trực tiếp trụ sở ngân hàng. Cùng với đó, các ngân hàng còn chú trọng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, phí, cho vay mới với lãi suất ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh Quảng Ninh; triển khai chính sách cho vay trả lương đối với người sử dụng lao động.”- Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đoan cho biết.
Cụ thể, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh, đến 31/10/2021, tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 0,34% so với tháng 9/2021; tổng doanh số cho vay đạt 22.500 tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng 9/2021. Về tổng dư nợ vốn tín dụng đến 31/10/2021, đạt 139.500 tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng 9/2021 và tăng 2,9% so với 31/12/2020. Đáng chú ý, nợ xấu ngân hàng đang có xu hướng giảm dần, dự kiến đến 31/10/2021 là 1.220 tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng dư nợ. Đây cũng là tín hiệu vui cho thấy, các chính sách hỗ trợ vốn cho nền kinh tế của ngân hàng đã, đang phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp đang dần lấy lại đà sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh những ngành, lĩnh vực thuộc khu vực dịch vụ đang phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng nhanh, thì một số ngành chiếm cơ cấu tỷ trọng cao trong khu vực này hiện nay vẫn chưa tăng trưởng lại được, nhất là ngành Du lịch – một trong những thế mạnh của Quảng Ninh. Trong tháng 10/2021, các hoạt động du lịch đã bước đầu được khởi động lại, tuy nhiên vẫn còn hạn chế do tâm lý thận trọng của người dân. Trong tháng 10, khách du lịch đạt 40.000 lượt, lũy kế 10 tháng đạt trên 2,6 triệu lượt, giảm 59% cùng kỳ năm 2020; tổng doanh thu du lịch tháng 10 ước đạt 60 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng đạt 5.105,8 tỷ đồng, giảm 62,4% cùng kỳ.
Được biết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để khôi phục từng phần hoạt động của ngành Du lịch. Trong đó, trước mắt thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch nội tỉnh; tiến tới khi mở cửa du lịch ngoại tỉnh và đón khách quốc tế. Tuy nhiên, tất cả các hoạt động đều phải đảm bảo tối đa yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, quan điểm chỉ đạo của tỉnh là không vì lợi nhuận kinh tế mà đánh đổi sức khoẻ, tính mạng của nhân dân.
Theo dự báo của cơ quan chuyên môn tỉnh, những tháng cuối năm 2021, tất cả các khu vực kinh tế đều tập trung cho giai đoạn nước rút, nhằm đạt được tăng trưởng cao nhất. Trong đó, với việc Quảng Ninh kiểm soát khá tốt dịch bệnh Covid-19, sẽ là điều kiện thuận lợi để khu vực dịch vụ phát triển mạnh mẽ. Qua đó, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh (phấn đầu GRDP trên 10%).
Hồng Nhung
Liên kết website
Ý kiến ()